Vitamin D là gì? Vai trò của Vitamin D với cơ thể?

Vitamin D là gì?

Vitamin D (calciferol) gồm một nhóm seco-sterol tan trong chất béo, được tìm thấy rất ít trong thức ăn tự nhiên. Vitamin D được quang hợp trong da của động vật có xương sống nhờ tác động bức xạ B của tia tử ngoại. Vitamin D có nhiều cấu trúc, tuy nhiên, có 2 cấu trúc sinh lý chính là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 có nguồn gốc từ men nấm và sterol thực vật, ergosterol, vitamin D3 được tổng hợp từ 7-dehydrocholesterol ở da. Xét theo góc độ dinh dưỡng người, 2 loại này có giá trị sinh lý tương tự nhau.

 Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm chứa lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là các loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển (hải cẩu và gấu vùng cực), trứng gà được nuôi có bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D hoặc các thức ăn bổ sung khác ví dụ bột ngũ cốc. Hầu hết trong cá có từ 200 IU/100g tới 600 IU/100g, cá trích có thể có tới 1600 IU/100g.

Bài 1: Những điều chưa biết về Vitamin ánh nắng - Vitamin D

Công dụng

Vitamin D có vai trò quan trọng với cơ thể, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.

Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương, răng thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho của cơ thể. Vitamin D làm tăng quá trình hấp thu canxi và phospho tại đường tiêu hoá. Tại xương, vitamin D cùng hormone tuyến cận giáp PTH kích thích chuyển hoá canxi và phospho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Vì vậy, lượng vitamin D đầy đủ là điều kiện thiết yếu để canxi và phospho được gắn trong mô xương. Vitamin D cũng là một chất quan trọng giúp điều hoà cân bằng nội mô của hai chất này trong cơ thể.

Ngoài ra, vitamin D còn đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormon tuyến cận giáp (PTH) và insullin. Vitamin D có khả năng ảnh hưởng đến sự biệt hoá của một số tế bào ung thư như ung thư da, ung thư xương và các tế bào ung thư vú. Một số nghiên cứu đã chứng minh, tình trạng đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Nhu cầu vitamin D khuyến nghị

Tham khảo nhu cầu khuyến nghị của Viện nghiên cứu Y học Hoa Kỳ (IOM, 2011), đồng thời xem xét đến thực trạng thiếu vitamin D của người Việt Nam trong những năm qua, Viện Dinh Dưỡng quốc gia đã đưa ra nhu cầu khuyến nghị vitamin D cho các lứa tuổi như bảng dưới

Nhóm tuổi/  Tình trạng sinh lý

Nhu cầu vitamin D khuyến nghị (mcg/ngày)

 

Trẻ em (tháng tuổi)

<6

5

6-11

5

Trẻ em (năm tuổi)

1-3

5

4-6

5

7-9

5

Nam vị thành niên (tuổi)

10-18

5

Nữ vị thành niên (tuổi)

10-18

5

 

Nam trưởng thành (tuổi)

19-50

5

51-60

10

>60

15

 

Nữ trưởng thành (tuổi)

19-50

5

51-60

10

>60

15

Phụ nữ mang thai

 

5

Bà mẹ cho con bú

 

5

Những vấn đề cần lưu ý

Một số giải pháp phòng chống thiếu vitamin D và bệnh còi xương dinh dưỡng ở trẻ

Bổ sung vitamin D bằng chế độ ăn hợp lý

Thiếu vitamin D có thể dự phòng bằng cách xây dựng chế độ ăn hợp lí, đa dạng các loại thực phẩm kết hợp với tắm nắng đầy đủ, đúng cách.

  • Ăn uống đa dạng đủ 4 nhóm thực phẩm, sử dụng những loại thực phẩm có hàm lượng vitamin D cao như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá….Sử dụng các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh qui, dầu ăn, ngũ cốc…

  • Ăn các thực phẩm giàu canxi như cua, cá, tôm, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomat… Canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác. Cá nhỏ còn xương, tôm tép nguyên vỏ mới chứa nhiều canxi.

  • Cần cung cấp đủ dầu mỡ cho bữa ăn để tăng hấp thu vitamin D. Ngoài ra, chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất như magie, kẽm, tỷ lệ canxi/phospho cân đối giúp hấp thụ canxi một cách tối đa.

Tắm nắng đúng cách

Tắm nắng đúng cách có thể cung cấp 90-95% vitamin D cho cơ thể. Khi tắm nắng trẻ cần ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng. Cần đội mũ, đeo kính râm để ánh nắng trực tiếp và đầu, không sử dụng các loại kem bôi da trong thời gian tắm nắng. Trẻ cần được tắm nắng hàng ngày ngay từ tháng đầu sau đẻ, để lộ chân, tay, lưng, bụng, ngực cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thời gian tắm nắng buổi sáng trước 8h, buổi chiều 4-5h, mỗi lần từ 15-20 phút.

 

 

Xem thêm: