Trang chủ Bệnh Túi thừa thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Túi thừa thực quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Túi thừa thực quản

Túi thừa thực quản là gì?

Thực quản là đoạn ống tiêu hóa nối từ hầu đến tâm vị dạ dày, bình thường thực quản gồm ba đoạn: cổ, ngực và bụng.

Túi thừa thực quản là một bệnh thường gặp ở thực quản, là một tổn thương dạng túi nhô ra bên ngoài tại điểm yếu thực quản. Tổn thương có thể xuất hiện tại bất cứ vị trí nào trong niêm mạc thực quản giữa hầu họng và dạ dày.

Có 3 loại túi thừa thực quản được phân chia theo vị trí như sau:

  • Túi thừa Zenker là loại thường gặp nhất, thường ở mặt sau hầu họng ngay chỗ nối thực quản với hầu.

  • Túi thừa giữa ngực.

  • Túi thừa trên cơ hoành.

Túi thừa thực quản có 2 dạng cấu trúc:

  • Túi thừa có đầy đủ các lớp của thực quản cấu tạo nên.

  • Túi thừa do lớp niêm mạc và dưới niêm mạc lồi ra, qua kẽ giữa các sợi cơ. Loại này thành túi mỏng, không có cơ.

Các biến chứng có thể gặp của túi thừa thực quản là:

  • Nếu túi thừa to chứa đầy thức ăn có thể gây rối loạn về hô hấp và tuần hoàn do chèn ép và gây nhiễm trùng, nhiễm độc do thức ăn trong túi thừa thối rữa.

  • Túi thừa có thể gây rối loạn sự phối hợp giữa động tác nuốt và thở, gây viêm phổi, áp xe phổi, viêm phế quản, có thể chèn ép vào các dây thần kinh gây đau ở vai, ngực, ...

  • Túi thừa có thể gây loét, chảy máu, thủng, nếu ở trong ngực thì đưa đến viêm trung thất

  • Ngoài ra, túi thừa có thể bị ung thư hoá do kích thích mạn tính của túi thừa thực quản và thức ăn trong túi thừa (hiếm gặp, chỉ chiếm 0,5% các trường hợp túi thừa thực quản)

Nguyên nhân bệnh Túi thừa thực quản

Nguyên nhân túi thừa thực quản

Bẩm sinh: túi thừa đã có từ lúc sinh ra

Ở người lớn: túi thừa thực quản thường có liên quan đến tình trạng tăng áp lực lên thực quản. Áp lực này tác động lên thành thực quản làm cho vùng bị yếu trên thành thực quản nhô ra tạo thành túi thừa. Những nguyên nhân có thể làm tăng áp lực lên thành thực quản là:

  • Rối loạn chức năng cơ thắt ở hai đầu thực quản

  • Viêm bên ngoài thực quản

  • Thức ăn di chuyển một cách bất thường qua thực quản (như nuốt nghẹn)

  • Rối loạn cơ chế nuốt

Túi thừa thực quản cũng có thể do những nguyên nhân khác như:

  • Biến chứng của phẫu thuật vùng cổ

  • Hội chứng Ehler-Danlos: ảnh hưởng đến mô liên kết trong cơ thể

Triệu chứng bệnh Túi thừa thực quản

Thông thường túi thừa thực quản tiến triển chậm qua nhiều năm (5-10 năm).

Các triệu trứng thường gặp và tăng dần là:

  • Thể trạng suy sụp

  • Khó nuốt

  • Nôn

  • Ho khan

  • Đau ngực hoặc có cảm giác khó chịu sau xương ức

  • Hơi thở có mùi hôi

  • Nghe có tiếng óc ách khi túi thừa ứ đọng thức ăn

  • Viêm họng, chảy nhiều nước bọt

  • Trào ngược gây ra bởi túi thừa, thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi nằm, dẫn đến khó thở, viêm phổi và áp xe phổi

Các triệu trứng xấu đi khi nuốt nghẹn, thậm chí có viêm, vỡ và thủng túi thừa thực quản là biến chứng nguy hiểm và cần được can thiệp ngoại khoa ngay.

Đối tượng nguy cơ bệnh Túi thừa thực quản

Túi thừa thực quản có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chiếm tỷ lệ 1% các túi thừa ở đường tiêu hóa và 5% các bệnh nhân có biểu hiện nuốt khó hoặc bệnh lý đường tiêu hóa.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh túi thừa thực quản là:

  • Người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là trên 70 tuổi

  • Người có tình trạng rối loạn cơ chế nuốt

Phòng ngừa bệnh Túi thừa thực quản

Thay đổi lối sống là một phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa diễn tiến nặng của bệnh túi thừa thực quản:

  • Ăn từng miếng nhỏ và nhai cẩn thận trước khi nuốt

  • Uống nước trong và sau các bữa ăn

  • Ngồi thẳng lưng trong khi ăn

  • Ăn thức ăn mềm hay lỏng, dễ nhai nuốt, ít chất xơ. Tránh ăn các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, có tính axit

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Túi thừa thực quản

Khám lâm sàng

Xét nghiệm:

  • Chụp X-quang thực quản có cản quang: hình ảnh túi cản quang có cổ dính vào thành thực quản, thường nằm ở 1/3 giữa hay ngay trên cơ hoành.

  • Nội soi thực quản: thấy được cổ túi thừa, thức ăn trong túi thừa, biến chứng viêm loét hay thủng,…

  • Đo áp lực thực quản: đo thời gian và cường độ các cơn co thắt thực quản và thời gian nghỉ ngơi của van co thắt thực quản.

  • Chụp cắt lớp vi tính: ngoài phát hiện túi thừa còn đánh giá tương quan giữa túi thừa với các thành phần xung quanh, biến chứng viêm loét hay thủng.

Các biện pháp điều trị bệnh Túi thừa thực quản

Lựa chọn điều trị ở bệnh nhân mắc bệnh túi thừa thực quản tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng và kích thước túi thừa:

  • Nếu người bệnh chưa có triệu trứng hay kích thước túi thừa dưới 3cm: thay đổi lối sống như ăn nhạt hơn, nhai kỹ khi ăn, uống nước nhiều sau ăn, không nằm ngay sau khi ăn,…

  • Nếu kích thước túi thừa to và triệu chứng trầm trọng hơn thì cần phẫu thuật hoặc nội soi để cắt bỏ túi thừa thực quản kèm mở cơ thắt thực quản trên hoặc không cắt bỏ mà chỉ khâu treo túi thừa lên và điều trị các triệu chứng, khi đó chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Trước tiên, người bệnh cần ăn theo chế độ mềm hay lỏng, nằm theo một tư thế thích hợp để dồn thức ăn từ túi thừa ra sau đó phẫu thuật cắt bỏ túi thừa.

Nếu bệnh nhân có tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản nhiều cần điều trị trước khi mở cơ thắt để tránh hít sặc phải thức ăn.

 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp