Bài viết được viết bởi Tổ Dược lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Có đến khoảng 50% trường hợp điều trị Helicobacter pylori sẽ gặp tác dụng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này thường nhẹ, thoáng qua và chỉ một tỷ lệ nhỏ (<10%) phải ngừng điều trị do tác dụng phụ của thuốc.
1. Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là gì?
Helicobacter pylori (H. pylori) là vi khuẩn sống trong lớp nhày niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Khoảng 50% dân số thế giới nhiễm H. pylori, phần lớn trong số đó sẽ không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số có thể gặp các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm, loét dạ dày, và hiếm hơn là ung thư dạ dày.
Điều trị H. pylori thường yêu cầu phối hợp nhiều thuốc, bao gồm: thuốc giảm tiết acid dạ dày để tạo điều kiện lành vết loét, kháng sinh và một số thuốc khác để tăng hiệu quả diệt H. pylori hoặc kiểm soát triệu chứng.
2. Một số tác dụng phụ khi điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori
Miệng có vị kim loại: Tác dụng phụ này thường gặp với phác đồ có chứa metronidazol (Flagyl®) hoặc clarithromycin (Klacid®). Uống nước đầy đủ, sử dụng một số loại kẹo cao su hoặc kẹo ngậm bạc hà có thể làm dịu đi vị kim loại này. Một số loại hoa quả hoặc đồ ăn cũng giúp giảm cảm giác khó chịu.
Đỏ da, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh: các tác dụng này có thể gặp khi sử dụng metronidazol (Flagyl®) cùng với rượu. Vì vậy, cần lưu ý tránh sử dụng rượu khi đang dùng và sau khi dùng metronidazol (Flagyl®) ít nhất 24 giờ.
Phân đen, táo bón: bismuth có thể khiến cho lưỡi bị đen, phân có màu đen và gây táo bón. Các triệu chứng sẽ tự hết, đặc biệt khi kết thúc đợt điều trị. Tuy nhiên, cần chú ý phân biệt với phân đen do xuất huyết tiêu hóa. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được hỗ trợ nếu có đi ngoài phân đen kết hợp với 1 số triệu chứng nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa như nôn máu, đau bụng, mệt mỏi, tái nhợt..
Cần chú ý rằng việc sử dụng thuốc đầy đủ và hết đợt điều trị là rất quan trọng, do đó, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào như trên hoặc bất kỳ khó chịu, bất thường, hãy chia sẻ với bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn.
>>Xem thêm: Liệu pháp quang động học và vắc-xin trong điều trị helicobacter pylori- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.