Sự khác biệt giữa bong gân và căng cơ ở trẻ

Trẻ em với sự ham muốn khám phá, chúng luôn chạy xung quanh, nhảy và kéo các vật thể. Trong một số trường hợp, kéo căng quá mạnh dẫn đến chấn thương nhỏ. Khi trẻ căng cơ quá mức sẽ khiến trẻ bị đau cơ, trong khi căng dây chằng quá mức có thể dẫn đến bong gân. Là cha mẹ, điều quan trọng là phải cẩn thận và cần điều trị vết thương ngay lập tức. Một số loại thuốc và kem giảm căng cơ cơ bản nên được để sẵn trong bộ sơ cứu tại nhà.

Ngoài ra, dây chằng, là các dải mô đàn hồi mạnh, giữ các xương lại với nhau tại các khớp. Bong gân xảy ra nếu các dây chằng này bị kéo căng quá mức hoặc bị rách. Kéo căng quá mức có thể gây đau nhẹ, nhưng nếu dây chằng của con bạn bị rách, nó cần được trợ giúp y tế ngay lập tức. Vậy sự khác biệt giữa bong gân và căng cơ ở trẻ là gì? Trong bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp những người chăm sóc trẻ có được hướng xử trí phù hợp khi gặp tình huống này.

1. Bong gân và căng cơ ở trẻ em là gì?

Bong gân là những tổn thương làm căng dãn, đứt một phần hoặc hoàn toàn dây chằng (cấu trúc kết nối xương với xương, có vai trò làm vững khớp) dẫn đến tình trạng mất vững khớp nhưng chưa trật khớp. Mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay là những vị trí dễ bị bong gân nhất, đặc biệt là khi bị vặn mạnh.

Tuy nhiên vì dây chằng của trẻ thường mạnh hơn xương và sụn xung quanh nên chúng có nhiều khả năng bị chấn thương ở xương hơn là dây chằng.

Căng cơ là tình trạng cơ bắp bị kéo giãn quá mức thậm chí bị rách. Nguyên nhân là do mệt mỏi, lạm dụng quá mức hoặc sử dụng cơ bắp không đúng. Bất kỳ cơ nào cũng có thể bị co kéo, nhưng phổ biến nhất là các cơ lưng dưới, cổ, vai, bắp chân và gân khoeo.

Căng cơ
Tình trạng căng cơ có thể do sử dụng cơ bắp không đúng

2. Nguyên nhân căng cơ, bong gân

Tình trạng căng, xoắn hoặc rách dây chằng đột ngột gây ra bong gân. Chấn thương này có thể xảy ra khi trẻ bị ngã hoặc bị va đập vào cơ thể. Bong gân thường ảnh hưởng đến mắt cá chân, đầu gối hoặc cổ tay.

Hiện tượng căng cơ có thể xảy ra đột ngột, chẳng hạn như khi trẻ co cơ quá mức. Hoặc có thể xảy ra theo thời gian nếu trẻ sử dụng quá sức chịu đựng của cơ hoặc gân. Việc lạm dụng quá mức này có thể xảy ra trong các hoạt động yêu cầu các chuyển động tương tự được lặp đi lặp lại.

3. Các triệu chứng của bong gân và căng cơ

Các triệu chứng xảy ra có thể khác nhau ở mỗi trẻ. Triệu chứng của bong gân hoặc căng cơ thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến nhất mà con bạn có thể cảm thấy ở vùng bị thương:

  • Đau: Bong gân hoặc căng cơ có nhiều khả năng gây ra cơn đau buốt ngay lập tức. Một sự căng cơ nhẹ có thể không đau cho đến vài giờ sau khi chấn thương xảy ra.
  • Sưng tấy: Bong gân sẽ gây sưng tấy tại chỗ nhiều hơn căng cơ đơn thuần, nhưng nếu căng cơ nặng vẫn có thể dẫn đến sưng.
  • Bầm tím hoặc đỏ: Cả hai tổn thương đều có khả năng gây bầm tím nếu mạch máu bị vỡ.
  • Khó khăn khi cử động hoặc sử dụng vùng bị thương như bình thường đối với cả hai tổn thương trên.

Cho con bạn tới gặp bác sĩ ngay khi phát hiện thấy những dấu hiệu trên ở trẻ.

Bong gân
Đau đớn là một dấu hiệu của bong gân

4. Phân loại bong gân và căng cơ

Cả hai tổn thương đều được phân chia làm 3 mức độ khác nhau:

4.1 Bong gân

  • Độ 1: Bong gân nhẹ, trong đó dây chằng bị giãn quá mức. Có thể bị đau nhẹ và bầm tím kèm theo đau nhức nhưng không khó khăn lắm khi sử dụng bộ phận cơ thể.
  • Độ 2: Có sự đứt rách của một số dây chằng, hai khớp xương vẫn vững chắc chưa lỏng lẻo, dẫn đến đau vừa.
  • Độ 3: Dây chằng bị rách hoàn toàn, dẫn đến đau dữ dội, sưng tấy, bầm tím và không thể sử dụng vùng bị tổn thương. Nếu bong gân nặng, bạn có thể nghe thấy tiếng lách cách của dây chằng bị rách.

4.2 Căng cơ

  • Độ 1: Tình trạng căng cơ nhẹ trong đó một số sợi cơ bị tổn thương.
  • Độ 2: Tình trạng căng cơ vừa phải với tổn thương cơ lan rộng hơn.
  • Độ 3: Tệ nhất, cơ bị đứt hoàn toàn. Loại căng cơ này có thể mất hàng tháng để chữa lành.

5. Chẩn đoán bong gân hay căng cơ ở trẻ em

Bác sĩ thăm khám cho con bạn sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe của trẻ và thương tích xảy ra như thế nào

Ngoài ra, con của bạn còn phải thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán như sau:

  • Chụp X quang: cho thấy rõ hình ảnh bên trong của mô, xương và các cơ quan.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng sự kết hợp của nam châm lớn, tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Chụp cắt lớp vi tính: sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể. Chụp CT cho thấy các chi tiết của xương, cơ, mỡ và các cơ quan. Chụp CT chi tiết hơn chụp X-quang tổng quát.
MRI trẻ em
Chụp MRI giúp chẩn đoán tình trạng bong gân, căng cơ

6. Điều trị bong gân hay căng cơ

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, sức khỏe chung của con bạn và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Một số bong gân nặng có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật nhưng số này không nhiều.

Điều trị ban đầu cho bong gân hay căng cơ theo nguyên tắc RICE có nghĩa là :

  • Rest (nghỉ ngơi): Cho trẻ nghỉ ngơi và giữ yên phần cơ thể bị chấn thương ít nhất 24 - 48 giờ. Nếu chấn thương gây đau đớn nhiều, hãy sử dụng nẹp, dây đai, băng gạc để hỗ trợ cố định phần bị chấn thương.
  • Ice (chườm lạnh): Chườm lạnh giúp giảm viêm và sưng tại chỗ. Không đặt trực tiếp viên đá lạnh lên vùng bị tổn thương mà bọc viên đá vào trong một chiếc khăn mỏng để bảo vệ làn da của trẻ. Làm liên tục trong 15 - 20 phút mỗi lần, lặp lại sau mỗi 2 -3 giờ, duy trì trong 24 - 48 giờ đầu tiên.
  • Compression (băng bó): dùng băng thun quấn quanh vùng bị tổn thương khi không chườm lạnh giúp ổn định và giảm sưng đau khó chịu. Lưu ý đừng quấn quá chặt sẽ làm giảm lưu thông máu.
  • Elevation (Nâng cao): cố gắng giữ vùng bị đau cao hơn tim của trẻ sẽ giúp giảm sưng.

Nếu trẻ quá đau có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm như Ibuprofen.

Áp dụng phương pháp RICE triệt để trong 24 - 48 giờ đầu sau chấn thương sẽ giúp trẻ thoải mái hơn rất nhiều và giảm các triệu chứng rõ rệt. Còn thông thường sẽ mất khoảng một hoặc hai tuần để cơn đau và sưng giảm bớt hoặc thậm chí lâu hơn với các chấn thương nghiêm trọng. Sau đó, con bạn có thể từ từ bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Yêu cầu trẻ tập di chuyển khớp xung quanh trước và dừng lại nếu thấy đau.

Khi trẻ có thể cử động khớp mà không thấy đau, nên cho trẻ tập vận động khớp tăng cường với các chuyên gia về vật lý trị liệu. Không nên quá nôn nóng trong quá trình hồi phục của trẻ bởi các hoạt động sớm có thể khiến tổn thương trở lên nghiêm trọng hơn hoặc dai dẳng khó hồi phục hoàn toàn.

Trong quá trình hồi phục, hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn có vẻ không đỡ hơn hoặc nếu trẻ bị sốt, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Hoặc có một biến dạng có thể nhìn thấy được tại vùng bị tổn thương, đau dữ dội ngăn cản việc sử dụng gân - cơ - dây chằng.

Chườm lạnh
Chườm lạnh giúp cải thiện triệu chứng đau

7. Bong gân hay căng cơ có thể tái lại

Câu trả lời là hoàn toàn có thể xảy ra bởi bong gân làm suy yếu các dây chằng, vì vậy khớp dễ bị trẹo trở lại. Và một khi cơ đã bị căng, nó sẽ yếu hơn bình thường trong một thời gian, cho đến khi lành hẳn.

Đảm bảo rằng tình trạng bong gân hoặc căng cơ của con bạn được chữa lành đúng cách sẽ làm giảm khả năng tái chấn thương.

8. Làm cách nào ngăn ngừa bong gân hay căng cơ?

Nếu con bạn vẫn còn là một đứa trẻ mới biết đi, trẻ cần giám sát liên tục bởi người lớn. Ví dụ, trẻ mới biết đi rất dễ trèo lên một nơi mà chúng có thể bị ngã và bị thương. Đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng các khu vực vui chơi được an toàn.

Khi con bạn hoạt động thể thao hay vận động mạnh nên có một bài tập khởi động trước khi bắt đầu. Sau đó dành vài phút thư giãn sau khi kết thúc hoạt động mạnh, nó giúp cải thiện sự linh hoạt của các khớp và cơ, vốn có thể bị cứng sau khi gắng sức.

Về lâu dài, tập thể dục thường xuyên có thể giúp trẻ tránh căng cơ và bong gân bằng cách tăng cường cơ bắp, giữ cho các khớp dẻo dai, đồng thời cải thiện khả năng cân bằng và phối hợp của cơ thể.

Nếu con bạn chỉ mới bắt đầu một môn thể thao mới, hãy để trẻ bắt đầu từ từ và tăng cường độ khi trẻ xây dựng sức mạnh và độ bền.

Cũng nên cho trẻ nghỉ chơi thể thao và luyện tập một hoặc hai ngày mỗi tuần để cơ thể chúng được nghỉ ngơi và hồi phục.

trẻ tập thể dục
Duy trì thói quen tập thể dục cho trẻ

Khi bé có những triệu chứng của bong gân, căng cơ, bạn nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, cedars-sinai.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan