Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chấn thương mô mềm ở trẻ em rất dễ xảy ra do trẻ nhỏ thường hiếu động. Chấn thương mô mềm ở trẻ em cần được sơ cứu đúng cách và kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ và người thân cần biết cách chăm sóc chấn thương mô mềm ở trẻ nhỏ để tổn thương nhanh chóng hồi phục.
1. Chấn thương mô mềm là gì?
Chấn thương mô mềm là tình trạng tổn thương các phần mềm như da, gân, cơ, dây chằng, các bao khớp. Trong đó, bong gân, căng cơ là những chấn thương mô mềm ở trẻ em thường gặp do trẻ nhỏ có tính hiếu động, hoặc do trẻ không khởi động kỹ khi chơi thể thao. Đa phần các chấn thương mô mềm là nhẹ, tuy nhiên một vài trường hợp cũng tương đối nghiêm trọng. Khi bị chấn thương ở các phần mềm, tùy vào vị trí bị thương, mức độ sưng và đau sẽ khác nhau.
2. Xử trí chấn thương mô mềm ở trẻ em
Khi phát hiện tình huống chấn thương ở trẻ em, trước tiên trẻ cần được sơ cứu đúng cách để giúp giảm đau, giảm sưng, đồng thời giữ cố định các khớp nối của các chi. Dưới đây là các bước xử trí cần thực hiện và lưu ý:
- Trong 48 giờ sau khi bị chấn thương, trẻ cần được chườm lạnh bằng cách đặt túi đá lên vùng bị tổn thương và giữ trong khoảng 20 phút. Chườm lạnh được thực hiện sau mỗi 2 - 3 giờ.
- Nếu trẻ bị đau nhiều, cần dùng nẹp hoặc băng gạc, dây đai để cố định vùng bị chấn thương.
- Trong 1 - 2 ngày sau khi bị chấn thương mô mềm ở trẻ em xảy ra, phần bị tổn thương cần được nâng đỡ ở vị trí cao hơn tim để giúp giảm sưng và giảm đau.
- Lưu ý không được xoa bóp vùng bị tổn thương vì sẽ làm tình trạng sưng, đau nặng thêm. Hạn chế hoặc không cho trẻ vận động mạnh hoặc tập luyện thể thao vì cũng khiến chấn thương nặng thêm.
3. Cách chăm sóc chấn thương mô mềm ở trẻ em là như thế nào?
Sau khi xử trí sơ cứu, trẻ cần được chăm sóc đúng cách để nhanh chóng hồi phục. Phần lớn chấn thương mô mềm là tương đối nhẹ nên trẻ có thể được chăm sóc tại nhà. Dưới đây là cách chăm sóc chấn thương mô mềm đối với trẻ:
- Hạn chế di chuyển, vận động, nghỉ ngơi nhiều để giảm sưng, đau.
- Cố định chi bằng nẹp hoặc băng gạc để giúp giảm sưng khi di chuyển. Khi trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ có thể tháo phần cố định để hạn chế tình trạng tê cứng.
- Nếu trẻ chỉ bị chấn thương nhẹ thì có thể cho phép trẻ di chuyển, vận động một cách nhẹ nhàng để nhanh chóng hồi phục. Nếu trẻ bị chấn thương nặng, cần hạn chế vận động vì có thể cần đến 4 - 6 tuần để vùng bị thương hồi phục hoàn toàn.
- Nếu sau 4 - 5 ngày mà chấn thương mô mềm ở trẻ em không tiến triển khá hơn, trẻ có dấu hiệu bị sốt và vùng bị thương sưng, đau, tấy đỏ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Trẻ cần tiến hành kiểm tra y tế trước khi muốn quay lại chơi thể thao.
Chấn thương mô mềm ở trẻ em rất dễ xảy ra. Khi bị chấn thương, trẻ cần được sơ cứu đúng cách, sau đó trẻ cần được nghỉ ngơi, chăm sóc để có thể nhanh chóng hồi phục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.