Top 9 căn bệnh xương khớp phổ biến ở người Việt Nam

Các bệnh xương khớp thường xảy ra ở người đến độ tuổi khoảng 45 trở lên. Các yếu tố như tuổi tác, biến đổi hormon, nâng vật nặng không đúng tư thế,… là những nguyên nhân gây việc gây ra các vấn đề xương khớp. Dưới đây là thông tin của các căn bệnh xương khớp thường gặp nhất ở người Việt Nam.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bệnh xương khớp là gì?

Bệnh xương khớp là tình trạng suy giảm các chức năng của cơ, xương, khớp… gây ra cảm giác đau tại các vị trí này và hạn chế trong việc di chuyển, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

2. Các bệnh xương khớp thường gặp

Có hơn 200 loại bệnh xương khớp, được phân loại thành hai nhóm chính bao gồm:

  • Bệnh xương khớp do chấn thương bao gồm các tình trạng như tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc các tai nạn khác trong cuộc sống hàng ngày, cũng như các chấn thương khi tập thể thao.
  • Bệnh xương khớp không phải do chấn thương, bao gồm các bệnh lý như bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ tự miễn, xơ cứng bì), viêm khớp tinh thể (như gout), bệnh thoái hóa xương khớp, viêm gân và u xương.

2.1 Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn và xương dưới sụn, thường đi kèm với viêm và giảm dịch khớp. Tuổi cao là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thoái hóa khớp, ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm: di truyền, béo phì, các chấn thương khớp trước đó, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng hoặc người từng bị chấn thương mạnh tại khớp (như ngã, tai nạn lao động, thể thao…).

Triệu chứng của thoái hóa khớp bao gồm:

  • Đau nhức quanh khớp: Các vùng xung quanh khớp thoái hóa thường bị đau âm ỉ. Ban đầu, việc nghỉ ngơi có thể giảm đau nhưng khi tình trạng trở nặng, cơn đau có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Cứng khớp: Cứng khớp vào buổi sáng thường xuyên xảy ra ở người bị thoái hóa khớp. Khi thức dậy, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn trong việc di chuyển và cần mất khoảng 30 phút để khớp trở lại bình thường.
  • Biến dạng khớp: Các vùng khớp thoái hóa có thể sưng to hoặc cơ bị teo nhỏ lại.
  • Hạn chế hoạt động: Các hoạt động hàng ngày có thể bị hạn chế như cúi người, quay đầu.

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh xương khớp như thoái hóa khớp, bao gồm:

  • Điều trị không sử dụng thuốc: Bệnh nhân thừa cân sẽ được hướng dẫn giảm cân và áp dụng phương pháp tập luyện chống thoái hóa khớp gối hiệu quả. Các phương pháp vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau, cải thiện tư thế xấu. Đồng thời, bệnh nhân cần đảm bảo duy trì dinh dưỡng cho cơ bên cạnh khớp. Ngoài ra, bệnh nhân phải tập trung vào xử lý các vấn đề liên quan đến đau gân và cơ, tránh tình trạng các khớp gối tổn thương chịu quá nhiều áp lực.
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc chống viêm giảm đau (uống, bôi ngoài da, hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối), cùng với các loại thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng lâu dài như glucosamine sulfate và chondroitin sulfate, Diacerein, piascledine, và các loại khác.
  • Điều trị phẫu thuật: Các phương pháp phẫu thuật bao gồm điều trị dưới nội soi cho khớp (như cắt lọc, rửa sạch khớp), kích thích tạo xương và các phương pháp khác như cấy ghép tế bào sụn, hoặc thậm chí mổ thay khớp.

2.2 Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh xương khớp mạn tính ảnh hưởng toàn bộ cơ thể, đặc biệt là gây viêm khớp. Biểu hiện nhận biết bệnh: sưng to, nóng rát, đỏ, cứng khớp và hạn chế cử động. Hầu như tất cả các khớp đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường thấy nhiều nhất ở các khớp nhỏ của bàn tay và bàn chân.  

Ngoài việc tác động đến các khớp, bệnh xương khớp này cũng có thể gây tổn thương cho các cơ quan khác như tim, phổi, da và mắt. Tổn thương khớp từ viêm khớp dạng thấp thường xảy ra đồng thời ở cả hai bên của cơ thể. 

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm mạn tính, ảnh hưởng toàn thân, đặc biệt là gây viêm khớp

Viêm khớp dạng thấp là một loại bệnh tự miễn, vì thế đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng việc bắt đầu điều trị sớm bằng các loại thuốc gọi là DMARDs (disease-modifying antirheumatic drugs) có khả năng giảm triệu chứng hiệu quả.

2.3 Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm trong cột sống trượt ra khỏi vị trí bình thường, gây áp lực lên các rễ thần kinh, dẫn đến cảm giác tê bì và đau nhức.

Nguyên nhân của bệnh xương khớp này có thể bao gồm yếu tố di truyền, tư thế không đúng khi làm việc, hoạt động thể chất, quá trình thoái hóa tự nhiên, tai nạn hoặc chấn thương cột sống.  

Cảm giác đau lan tỏa từ vùng thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa) do bệnh thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng là tình trạng phổ biến nhất ở những người mắc phải bệnh xương khớp này.

2.4 Bệnh gai cột sống

Gai cột sống là hiện tượng phát triển thêm của xương trên thân đốt, đĩa sụn hoặc dây chằng quanh khớp. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh xương khớp này là do đĩa sụn và xương thoái hoá, sự hình thành của những mảnh xương nhọn, xuất hiện gai và gây áp lực lên các dây thần kinh khiến bệnh nhân cảm thấy đau.

Ban đầu, phần lớn bệnh nhân không có cảm giác bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh xương khớp này trở nên nặng hơn, các gai có thể va chạm với các cấu trúc xương khác các phần mềm như dây chằng, gây ra cơn đau ngày càng trầm trọng hơn.

Các triệu chứng của gai cột sống bao gồm:

  • Đau ở vùng cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc di chuyển.
  • Trong các trường hợp nghiêm trọng, đau có thể lan rộng từ cổ xuống tay, hoặc cảm giác tê ở lưng và lan ra hai chân.
  • Mức đau đớn tăng lên khi di chuyển hoặc vận động nhiều. Cơn đau có thể giảm đi khi nghỉ ngơi. Do đó, bệnh nhân thường hạn chế sự vận động ở các vùng này để giảm đau. 
Khi bệnh bắt đầu trở nặng, gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh thì những cơn đau mới dần xuất hiện
Khi bệnh bắt đầu trở nặng, gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh thì những cơn đau mới dần xuất hiện

2.5 Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là một trạng thái mà cảm giác đau lan từ vùng mông xuống dọc theo lộ trình của dây thần kinh tọa. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh xương khớp này:

  • Thoát vị đĩa đệm: Đây thường là nguyên nhân phổ biến nhất. Sự lồi ra của đĩa đệm có thể chèn ép dây thần kinh tọa, gây ra cảm giác đau.
  • Thoái hoá cột sống thắt lưng: Sự thoái hóa gây ra gai xương xâm nhập vào các lỗ liên đốt cột sống, đây là nơi mà dây thần kinh tọa thoát ra khỏi cột sống. Gai xương đủ lớn có thể tác động lên dây thần kinh tọa, gây ra cảm giác đau. Thậm chí, việc thoái hoá có thể làm hẹp ống sống cũng gây ra đau.
  • Trượt đốt sống: Trượt đốt sống có thể làm hẹp các lỗ liên đốt trên cột sống, ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa và gây ra cảm giác đau.

Ngoài ra, bệnh xương khớp đau thần kinh tọa cũng có thể bắt nguồn từ những chấn thương, viêm và các nguyên nhân khác.

2.6 Thoái hóa cột sống

Bắt đầu từ độ tuổi 30, cột sống bắt đầu bị thoái hoá, tốc độ thoái hóa tăng dần theo độ tuổi bệnh nhân. Quá trình thoái hoá cột sống gây ảnh hưởng đến các thành phần như sụn, xương dưới sụn và màng hoạt dịch khớp. Trong đó, tế bào sụn khớp và xương dưới sụn đóng vai trò rất quan trọng.  

Trong hệ thống cột sống, có ba vùng thường gặp hiện tượng thoái hóa, mỗi vùng lại có những triệu chứng khác nhau:

  • Về thoái hóa cột sống cổ: Người mắc bệnh xương khớp này thường cảm thấy đau ở vùng cổ (phía sau gáy), đau lan từ vùng cổ sang vai và thậm chí có thể lan ra cánh tay. Trong những trường hợp nặng, có thể xảy ra tình trạng tê liệt ở các ngón tay hoặc đau lan đến đỉnh đầu, ù tai và gây ra cảm giác nặng mắt.
  • Về thoái hóa cột sống thắt lưng: Biểu hiện phổ biến là cảm giác đau nhức ở vùng thắt lưng. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể trải qua cảm giác tê bì từ mông đến chân và đau nhức lan tỏa đến bàn chân.
  • Về thoái hóa cột sống ngang ngực: Ít phổ biến hơn hai trường hợp trên, nhưng người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng ngực, kéo dài ra phía trước của ngực và gây ra khó thở.

2.7 Loãng xương

Loãng xương là một bệnh xương khớp xảy ra khi khả năng chuyển hóa của hệ xương bị rối loạn, làm giảm sức mạnh xương và tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương được đánh giá dựa trên hai yếu tố quan trọng: khối lượng và chất lượng của xương.  

Nguyên nhân gây loãng xương có thể bao gồm sự thay đổi trong sản xuất nội tiết tố, tuổi tác và quá trình sử dụng thuốc. Đặc biệt, ở phụ nữ, tốc độ mất xương trong giai đoạn mãn kinh có thể lên đến 1-3% mỗi năm và tình trạng này sẽ kéo dài từ 5 đến 10 năm sau khi mãn kinh. 

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương
Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương

2.8 Bệnh gout

Bệnh gout phát sinh khi quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể gặp rắc rối, dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu. Axit uric tồn tại trong cơ thể được loại bỏ qua nước tiểu và phân.

Nguyên nhân gây ra tăng axit uric trong máu, có thể do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa purin (như các loại nội tạng động vật, thịt bò, thịt dê, thịt cừu và hải sản) hoặc do suy giảm khả năng loại bỏ axit uric ra khỏi cơ thể (như bệnh suy thận hoặc các vấn đề di truyền).

Nồng độ axit uric trong nước tiểu tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến sự hình thành và kết tinh của tinh thể urat trong nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như khớp, da, tim, và thận.

Các tinh thể urat tạo thành trong các khớp có thể gây ra các cơn viêm khớp đột ngột, các khớp bị sưng, nóng, đỏ, và đau mạnh, sau đó tự giảm đi sau vài ngày. Các khớp dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh gout là khớp ngón chân, khớp cổ chân và khớp gối.

Khi bệnh xương khớp này phát triển, các cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến nhiều khớp khác như khớp ở bàn tay khớp vai hoặc khớp khuỷu tay. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh gout có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như biến dạng và phá hủy các khớp, gây tàn phế cũng như gây ra suy tim và suy thận. 

Gout là bệnh xương khớp có thể xảy ra ở bàn tay
Gout là bệnh xương khớp có thể xảy ra ở bàn tay

2.9 Viêm điểm bám gân

Viêm gân và viêm điểm bám gân là hai bệnh xương khớp phổ biến. Trong cơ thể con người có rất nhiều gân và hầu hết gân đều có thể trở nên viêm.

Tuy nhiên, trong thực tế, gân và điểm bám gân tại một số vị trí sau thường có khả năng bị viêm cao hơn:

  • Viêm gân ở lòng bàn chân.  
  • Viêm gân gót.  
  • Viêm gân cơ chân ngỗng (gân cơ dưới gối).  
  • Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài và lồi cầu trong xương cánh tay,  
  • Viêm gân cơ chóp xoay...

Các triệu chứng đau và hạn chế vận động của bệnh xương khớp này sẽ phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng, bao gồm đau ở vùng gót chân, đau ở vùng gối, đau ở vùng cánh tay và đau ở vùng vai…

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm gân và viêm điểm bám gân, bao gồm việc lặp lại các động tác gây áp lực lên gân hoặc tình trạng viêm trong máu ảnh hưởng đến các gân (như các bệnh lý viêm hệ thống như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống...). 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe