Hiện nay, nhiều người mắc phải các bệnh về xương khớp tìm đến các bài thuốc dân gian, trong đó sử dụng cây xương rồng chữa bệnh xương khớp là một trong những phương pháp được nhắc đến khá nhiều. Liệu cây xương rồng có thực sự hiệu quả?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đỗ Văn Cường, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Cây xương rồng chữa bệnh xương khớp
Nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy, cây xương rồng chứa nhiều hoạt chất như tartric, taraxerol, euphorbol, friedelan-3a-ol,... có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả. Nhờ vậy, xương rồng có khả năng giảm viêm, giảm đau nhức hiệu quả, tiêu sưng và hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp như viêm khớp, thoát vị, thoái hóa,...
Theo quan điểm Đông y, cây xương rồng là loại cây mọng nước, vị đắng và có tính hàn. Đây là vị thuốc quý trong điều trị các bệnh về xương khớp, trong đó bao gồm cả gai cột sống.
Mỗi bộ phận của cây xương rồng mang những công dụng riêng biệt:
- Thân cây: Có khả năng tiêu thũng, thông tiện, sát trùng.
- Lá cây: Tác dụng thanh nhiệt, hóa trệ, giải độc, hành ứ.
- Nhựa cây: Có khả năng tả hạ trục thủy và chống ngứa.
- Nhị hoa: Được sử dụng để thanh nhiệt, tiêu thũng.
Nhờ tác dụng chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa và khả năng hạn chế sự phát triển của gai xương, cây xương rồng được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị gai cột sống, giúp giảm thiểu triệu chứng và cải thiện tình trạng bệnh.
2. Nên dùng loại xương rồng nào trị xương khớp và gai cột sống?
Hiện nay, có nhiều loại xương rồng khác nhau mọc ở nhiều nơi trên thế giới, khoảng 1500 đến 1800 loại với nhiều màu sắc và hình thái khác nhau. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng có công dụng hỗ trợ chữa xương khớp điều trị gai cột sống. Dưới đây là hai loại cây xương rồng chữa bệnh xương khớp được sử dụng phổ biến nhất :
2.1 Xương rồng 3 chia (Opuntia dillenii)
Đây là loại xương rồng có chiều cao từ 1 - 3 mét. Thân cây có 3 cạnh lồi, trên mỗi cạnh có lá nhỏ với cuống ngắn. Hoa mọc thành cụm nhỏ màu vàng hoặc đỏ, quả màu xanh.
2.2 Xương rồng bẹ (Hylocereus undatus)
Xương rồng bẹ còn được gọi là xương rồng tai thỏ do hình dáng nhánh cây giống tai thỏ. Nhánh mọc sau có kích thước nhỏ hơn nhánh mọc trước. Toàn thân cây có gai bao phủ, quả chưa chín màu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ.
3. 4 cách sử dụng cây xương rồng chữa bệnh xương khớp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả
3.1 Uống nước ép xương rồng
Phương pháp này giúp cơ thể hấp thu tối đa dưỡng chất từ xương rồng
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 10 bẹ xương rồng non tươi.
- Loại bỏ gai và ngâm trong nước muối loãng 5 phút để loại bỏ các độc tố.
- Cắt nhỏ xương rồng, ép hoặc giã nát để lấy nước, bỏ bã.
- Thêm đường hoặc muối tùy khẩu vị của bệnh nhân.
- Uống 20ml nước ép xương rồng mỗi ngày để giảm đau nhức do bệnh xương khớp.
3.2 Đắp xương rồng bẹ
Cách này giúp giảm nhanh các triệu chứng đau nhức do gai cột sống, bệnh nhân cần lưu ý loại bỏ tất cả gai để tránh tình trạng trầy xước da.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 2-3 lá xương rồng bẹ và muối biển.
- Gọt bỏ gai, rửa sạch và ngâm muối khử trùng.
- Nướng xương rồng trên than 5 phút, cho chín đều hai mặt.
- Cho xương rồng vào túi chườm, chườm nhẹ lên vùng gai cột sống từ 5 đến 10 phút.
- Có thể nướng lại khi túi chườm nguội.
Bệnh nhân nên thực hiện mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
3.3 Sử dụng xương rồng chung với lá lốt
Lá lốt là một loại thực vật có tác dụng giảm đau nhức và tiêu viêm. Sự kết hợp giữa xương rồng và lá lốt có khả năng gia tăng hiệu quả giảm viêm, giảm đau do gai cột sống.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 2-3 bẹ xương rồng, lá lốt và muối.
- Làm sạch gai, vỏ xương rồng và ngâm nước muối để bớt nhựa.
- Rửa sạch lá lốt, giã nát cùng xương rồng.
- Cho hỗn hợp vào túi chườm, chườm lên vùng gai cột sống 20-30 phút.
3.4 Món canh xương rồng nấu cá lóc
Món ăn bổ dưỡng bằng việc sử dụng cây xương rồng chữa bệnh xương khớp giúp hỗ trợ điều trị gai cột sống và tăng cường sức khỏe.
Cách nấu:
- Chuẩn bị xương rồng, gia vị và 1 con cá lóc.
- Bỏ gai xương rồng, ngâm muối khử mủ xương rồng. Sơ chế cá lóc, ướp gia vị.
- Cho cá và xương rồng vào nồi, đổ nước vừa đủ.
- Nấu với lửa nhỏ 10-15 phút đến khi cạn nước.
4. Lưu ý khi sử dụng cây xương rồng
Việc sử dụng cây xương rồng để điều trị bệnh xương khớp là một phương pháp dân gian được truyền tai nhau và dễ áp dụng tại nhà. Phương pháp này có thể giảm đau sưng và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh. Nếu kiên trì thực hiện có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh và ngăn chặn sự phát triển của gai xương, từ đó giảm các biến chứng liên quan.
Trong quá trình sử dụng, bệnh nhân nên cẩn thận gai xương rồng đâm vào da gây chảy máu, nhiễm trùng, loại bỏ mủ xương rồng để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn phù hợp và lối sống lành mạnh, tập luyện nhẹ nhàng để bảo vệ sức khỏe xương khớp.
Sử dụng xương rồng chỉ là biện pháp hỗ trợ và không phải là cách điều trị bệnh một cách triệt để. Người bệnh không nên quá lạm dụng hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào phương pháp này, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nghiêm trọng cần được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.