Gãy xương: Trường hợp nào cần mổ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tùy vào vị trí và mức độ gãy xương ở người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị khác nhau. Ngoại trừ những trường hợp nhẹ, xương có thể liền sau khi bó bột thì có nhiều bệnh nhân bị gãy xương ở vị trí khó, nguy hiểm như xương đùi, xương sên, xương thuyền... sẽ khó lành do bị thiếu máu nuôi xương, cần phải áp dụng biện pháp phẫu thuật mới có đem lại hiệu quả điều trị cao.

1. Quá trình liền xương diễn ra như nào?

Ở cơ thể người, sau khi bị gãy xương sẽ trải qua 3 giai đoạn của quá trình liền xương, bao gồm: giai đoạn viêm xương, giai đoạn sửa chữa và giai đoạn tái tạo xương.

Quá trình liền xương diễn ra như sau:

  • Xương sau khi bị gãy sẽ làm cho các phần mềm quanh ổ gãy bị dập rách, tổn thương và hình thành khối máu tụ bảo quanh các đầu xương. Trong màng xương và ống tủy xương sẽ tạo ra các tổ chức hoại tử ở vùng này. Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện phản ứng viêm với các triệu chứng phù nề cấp tính ở ổ gãy như sưng nóng, đỏ đau
  • Khi triệu chứng viêm cấp tính suy giảm thì sẽ bước sang giai đoạn sửa chữa. Giai đoạn này, khối máu tụ sẽ được tổ chức hóa và hình thành mạng lưới sợi fibrin, sụn, xương, các tế bào tạo ra collagen. Đồng thời với sự xây đắp do các tạo cốt bào thì còn có sự phá hủy xương do các hủy cốt bào, quá trình này sẽ diễn ra cho đến khi ổ gãy trở lại tình trạng sinh lý ban đầu
  • Kết thúc giai đoạn sửa chữa thì sẽ bước vào giai đoạn tái tạo, tùy theo đặc điểm đường gãy xương mà giai đoạn này sẽ kéo dài nhiều năm. Trong 3 tháng đầu thì tốc độ tái tạo sẽ diễn ra nhanh và kéo dài cho đến khi ổ gãy được sửa chữa xong

Đối với các trường hợp gãy xương đơn giản thì cần phải nắn chỉnh đúng cách để tránh di lệch xương, đồng thời phải cố định và bất động ổ gãy kể cả hai khớp trên, dưới ổ gãy. Nếu chỉ cố định bằng bột thì thời gian bất động kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến các khớp và kéo dài thời gian liền xương.

Gãy xương bao lâu thì lành
Đối với các trường hợp gãy xương đơn giản thì cần phải nắn chỉnh đúng cách để tránh di lệch xương

2. Gãy xương khi nào nên mổ?

Thông thường, để điều trị gãy xương thì bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến xương bị gãy, vị trí tổn thương xương và mức độ đau ở người bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Ngoại trừ các trường hợp có thể bó bột thì một số trường hợp sau sẽ phải sử dụng đến phương pháp mổ gãy xương, cụ thể:

  • Khi điều trị bảo tồn thất bại, không nắn được hết đi lệch làm lệch trục, ảnh hưởng đến chức năng vận động của chi gãy
  • Trường hợp bệnh nhân bị gãy xương ở vị trí phức tạp, khó nắn chỉnh và ổ gãy có nhiều mảnh xương vụn

Hiện nay, với phương pháp mổ gãy xương kết hợp kim loại thì ổ gãy sẽ được bất động tuyệt đối và hai đầu xương gắn chặt vào nhau giúp cho người bệnh có thể được vận động sớm hơn và không bị cứng khớp, đặc biệt là thời gian liền xương sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân này thì sau khoảng 2 năm cần phải được mổ để tháo dụng cụ kết xương.

3. Lưu ý khi mổ gãy xương

Mổ gãy xương là phẫu thuật đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn, kinh nghiệm và cơ sở y tế đảm bảo. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì khi bị gãy xương, người bệnh nên đến những bệnh viện uy tín để được bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp, tránh được những hệ lụy nghiêm trọng sau này như nhiễm trùng hoặc phải bị cắt bỏ chi khi vì không được chữa trị đúng cách.

Ngoài ra, khi bị gãy xương thì người bệnh không nên sử dụng các phương pháp dân gian truyền thống như bó gà, bó thuốc hay nắn trật tại nhà thầy lang không có chuyên môn vì sẽ càng làm cho thời gian điều trị dài hơn và quá trình chữa trị phức tạp hơn.

4. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ gãy xương

Gãy xương bao lâu thì lành
Bệnh nhân bị gãy xương cần chú ý uống thuốc đúng giờ

Sau mổ gãy xương bao lâu thì lành không chỉ phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ mà còn ảnh hưởng rất nhiều bởi quá trình chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu. Sau khi mổ gãy xương, bệnh nhân rất cần sự giúp đỡ và chăm sóc cẩn thận để đảm bảo hồi phục hoàn toàn.

  • Người nhà hãy hỗ trợ bệnh nhân trong những sinh hoạt hàng ngày và khiến cho tinh thần của người bệnh cảm thấy thoải mái hơn
  • Mỗi ngày nên nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, tập vận động nhẹ nhàng để giúp máu lưu thông và tránh hiện tượng co cứng cơ
  • Xây dựng cho người bệnh một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý với khẩu phần ăn đảm bảo các dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi
  • Tạo môi trường yên tĩnh để người bệnh nghỉ ngơi
  • Giúp người bệnh thực hiện thăm khám đúng lịch để theo dõi khả năng liền xương

Tóm lại, gãy xương mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài nếu người bệnh không được điều trị đúng phương pháp thì khả năng để lại di chứng rất cao, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt sau này. Chính vì thế, ngay khi bị gãy xương, người bệnh hãy đến các bệnh viện uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám kịp thời và đưa ra phương án điều trị đúng nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

91.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan