Trang chủ Bệnh Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Viêm bàng quang cấp

Viêm bàng quang cấp là tình trạng viêm cấp tính ở đường tiết niệu (chiếm >50% số ca viêm đường tiết niệu). Đây là một trong số những bệnh lý thường gặp nhất trong cộng đồng, có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già. Bệnh thường gặp ở nữ giới hơn với tỷ lệ nữ/nam = 9/1. Theo thống kê của hội tiết niệu – thận học Việt Nam cho thấy có tới 40-50% phụ nữ ở tuổi trưởng thành đều có ít nhất trong đời bị một lần viêm bàng quang cấp. Một khi đã bị bệnh thì nguy cơ tái phát hoặc tái nhiễm bệnh là rất cao.

Phụ nữ dễ bị bệnh viêm bàng quang hơn nam giới là vì niệu đạo của phụ nữ rất ngắn, do đó vi khuẩn xung quanh vùng tầng sinh môn dễ dàng thâm nhập vào bàng quang. Nam giới ít bị viêm bàng quang hơn và thường chỉ mắc khi gặp phải một số yếu tố thuận lợi có thể dẫn tới gây viêm bàng quang như: nằm bất động tại chỗ lâu ngày do liệt hoặc chấn thương, dị dạng đường tiểu, tắc nghẽn đường tiểu do sỏi hoặc phì đại tiền liệt tuyến.

Đại đa số các trường hợp viêm bàng quang cấp tính có các biểu hiện lâm sàng: thường có hội chứng bàng quang rõ với các triệu chứng đái buốt, đái rắt, có thể có đái máu, đái mủ ở cuối bãi. Xét nghiệm nước tiểu thấy có bạch cầu niệu và vi khuẩn niệu. Ngoài ra còn có một số các trường hợp nguyên nhân gây viêm bàng quang không phải là do nhiễm trùng, ví dụ như: kích ứng với các sản phẩm vệ sinh, do tác dụng không mong muốn của 1 số thuốc (ví dụ một số thuốc chống ung thư…)…

Việc điều trị viêm bàng quang cấp phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh (do nhiễm trùng hay không) và phụ thuộc vào thể lâm sàng mà bệnh nhân mắc phải (viêm bàng quang cấp thông thường hay viêm bàng quang cấp biến chứng).

Nguyên nhân bệnh Viêm bàng quang cấp

Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn

Các loại vi khuẩn thường gặp:

90% các trường hợp viêm bang quang cấp do nhiễm khuẩn là do vi khuẩn gram (-) gây ra, còn lại chỉ có khoảng 10% có nguyên nhân là do vi khuẩn Gram (+). Các vi khuẩn thường gặp là:

  • Escherichia coli (E.coli): 70 - 80% người bệnh.

  • Proteus mirabilis: 10 - 15% người bệnh.

  • Klebsiella: 5 - 10% người bệnh.

  • Staphylococus saprophyticus: 5 - 10% người bệnh.

  • Pseudomoras aeruginosa: 1 - 2% người bệnh.

  • Staphylococus aureus: 1 - 2% người bệnh.

Các yếu tố thuận lợi:

  • Tuổi: Nguy cơ nhiễm trùng bàng quang tăng dần theo tuổi

  • Giới: nữ mắc nhiều hơn nam (tỷ lệ 9/1)

  • Có cản trở trên đường bài xuất nước tiểu do: phì đại lành tính hoặc u tuyến tiền liệt; sỏi hoặc u bàng quang; hẹp niệu đạo, hẹp bao qui đầu; có thai …

  • Người đang mắc các bệnh có thể làm suy yếu hệ miễn dịch: đái tháo đường, ung thư, HIV…

  • Đặt sonde dẫn lưu bàng quang hoặc can thiệp bàng quang, niệu đạo (VD tán sỏi, soi bàng quang …).

  • Các bệnh lý khiến bệnh nhân phải nằm 1 chỗ dài ngày như tổn thương tủy sống, tai biến mạch não, gãy xương đùi, chấn thương cột sống, khung chậu…

Viêm bàng quang không do nhiễm khuẩn

Các lý do khác gây nhiễm trùng bàng quang bao gồm:

  • Viêm bàng quang kẽ;

  • Do thuốc: một số loại thuốc nhất định, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị, ví dụ như cyclophosphamide và ifosfamide có thể gây viêm bàng quang;

  • Xạ trị: đặc biệt là xạ trị vùng khung chậu;

  • Các chất hoá học có trong xà bông, sản phẩm vệ sinh phụ nữ dạng xịt hoặc kem thuốc diệt tinh trùng, bột talc … có thể gây ra kích ứng khi sử dụng dẫn tới viêm bàng quang.

Triệu chứng bệnh Viêm bàng quang cấp

Các triệu chứng của viêm bàng quang cấp thường xuất hiện đột ngột và gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Những triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang cấp gồm có:

Các triệu chứng lâm sàng:

  • Hội chứng bàng quang: bao gồm các triệu chứng đái buốt (cảm giác đau hoặc bỏng rát khi đi tiểu), đái rắt (đi tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ đi được một ít, cảm giác tiểu không hết bãi), có thể đái máu, đái mủ cuối bãi.

  • Có thể có đau nhẹ vùng trên khớp mu khi bàng quang căng. Tuy nhiên có trường hợp bệnh nhân bị đau nhiều, thậm chí đau lan sang niệu đạo, âm hộ (với nữ giới). Cảm giác đau thường giảm hoặc hết sau khi đi tiểu xong.

  • Đôi khi triệu chứng không điển hình, chỉ có nóng rát khi đi tiểu hoặc đái rắt.

  • Thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ ( nhiệt độ < 38oC ).

Cận lâm sàng:

Xét nghiệm nước tiểu:

  • Xét nghiệm nước tiểu thường quy thường thấy: Bạch cầu niệu dương tính từ (++) đến (+++) (≥ 104 bạch cầu/ml), Nitrit (+), có thể có hồng cầu niệu hoặc không.

  • Soi nước tiểu trên kính hiển vi thấy có bạch cầu đa nhân thoái hóa hoặc > 3 bạch cầu/vi trường.

  • Cấy nước tiểu: Vi khuẩn niệu ≥ 105/ml nước tiểu. Tuy nhiên chỉ cần cấy nước tiểu khi có nguyên nhân thuận lợi, điều trị thông thường không đáp ứng, tái phát hoặc bệnh nhân là nam giới.

  • Không có protein niệu trừ khi có đái máu, đái mủ đại thể.

Xét nghiệm máu:

Các chỉ số xét nghiệm máu thường ít hoặc không biến đổi nên thường không cần xét nghiệm

Siêu âm bàng quang:

Có thể thấy hình ảnh thành bàng quang dày hơn bình thường

Phòng ngừa bệnh Viêm bàng quang cấp

Các thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn làm giảm và phòng ngừa bệnh viêm bàng quang, bao gồm:

  • Uống nhiều nước. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được lượng nước phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn;

  • Đi tiểu khi cảm thấy mắc tiểu, không nên nhịn;

  • Lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu nếu bạn là nữ;

  • Tránh sử dụng các thuốc thụt rửa âm đạo hoặc các thuốc vệ sinh phụ nữ dạng xịt;

  • Tắm vòi sen thay vì tắm bồn;

  • Nên mặc quần lót rộng rãi làm từ chất liệu cotton đồng thời nên thay quần lót mỗi ngày;

  • Dùng băng vệ sinh thay vì tampon khi hành kinh;

  • Tránh sử dụng màng ngăn hoặc chất diệt tinh trùng;

  • Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.

Như đã nói ở trên, do cấu trúc đặc thù đường tiểu của phụ nữ rất ngắn nên họ rất dễ bị viêm bàng quang cấp. Tuy bệnh có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh nhưng nữ giới thường khó chịu khi mắc bệnh. Việc áp dụng các biện pháp vệ sinh nói trên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc và tái phát bệnh. Hãy chú ý áp dụng những hướng dẫn về cách phòng tránh viêm bàng quang tuy đơn giản nhưng kết quả chắc chắn sẽ hiệu quả không ngờ.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm bàng quang cấp

Việc chẩn đoán xác định viêm bàng quang cấp thường không phức tạp vì đa số các trường hợp đều có các triệu chứng điển hình và các xét nghiệm để chẩn đoán có độ nhạy cao, không phức tạp và có thể kiểm tra nhiều lần.

Các biện pháp điều trị bệnh Viêm bàng quang cấp

Việc điều trị cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau

  • Điều trị chống nhiễm khuẩn (dùng kháng sinh theo đúng phác đồ)

  • Loại bỏ các yếu tố thuận lợi có thể dẫn đến gây viêm bàng quang cấp, VD như: điều trị tán sỏi hoặc mổ lấy sỏi, mổ u phù đại tuyến tiền liệt, giúp bệnh nhân nằm lâu sớm phục hồi khả năng vận động, hạn chế hoặc tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng dẫn đến viêm bàng quang …

  • Điều trị dự phòng tái phát: đối với những yếu tố nguy cơ không thay đổi được (ví dụ: phụ nữ trong thời gian mang thai, bệnh bị liệt tủy hoặc do tai biến mạch mão …) hoặc ở những bệnh nhân mà bệnh tái phát nhiều lần. Lúc này cần điều trị dự phòng.

Điều trị dự phòng bao gồm:

  • Nên uống đủ nước để lượng nước tiểu ít nhất đạt > 1,5 lít/24 giờ. Không nhịn tiểu quá 6 giờ.

  • Điều trị loại bỏ các nguyên nhân gây tắc đường bài niệu.

Trong nhiều trường hợp, bệnh viêm bàng quang cấp gây cho bệnh nhân rất nhiều khó chịu và đau đớn, khi đó ta cần chú ý kiểm soát các triệu chứng (bằng thuốc hoặc các biện pháp không dùng thuốc) để giảm bớt khó chịu cho bệnh nhân. Các biện pháp được khuyến cáo gồm có:

  • Uống nhiều nước,

  • Tắm nước ấm,

  • Chườm ấm phần bụng dưới,

  • Tránh cà phê, thực phẩm cay, rượu, nước ép của các loại hoa quả chua như cam, quýt, chanh…

  • Trường hợp bệnh nhân đau nhiều có thể cân nhắc dùng giảm đau cho bệnh nhân.

Đối với thể viêm bàng quang cấp thông thường: thường có tiên lượng tốt, khỏi hoàn toàn sau 1 liệu trình kháng sinh ngắn (3-5 ngày). Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng và triệt để (đủ phác đồ); vi khuẩn có khả năng đi ngược dòng lên niệu quản, bể thận gây viêm thận, bể thận cấp. Đây là một tình trạng cấp cứu nội khoa nguy hiểm, có nguy cơ diễn tiến thành sốc nhiễm trùng nhiễm độc cao.

  • Nếu bệnh tái phát từ 4 lần trở lên trong 1 năm thì cần phải điều trị dự phòng.

  • Khi viêm kéo dài hoặc hay tái phát để lại nhiều sẹo xơ thì sẽ được chẩn đoán là viêm bàng quang mạn tính.

Đối với thể viêm bàng quang cấp có nguyên nhân thuận lợi hoặc là biến chứng của 1 bệnh lý khác thì tiên lượng dè dặt hơn. Bên cạnh việc điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn, cần điều trị loại bỏ nguyên nhân thuận lợi nếu có thể điều trị được thì mới có tiên lượng tốt. Liệu pháp kháng sinh chống nhiễm khuẩn đòi hỏi dài ngày hơn.

Khi có các biểu hiện của bệnh, bệnh nhân cần đi khám ngay, để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó lựa chọn thuốc kháng sinh cũng như phác đồ điều trị thích hợp. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ. Bệnh sẽ trở nên nguy hiểm nếu như không được phát hiện, điều trị kịp thời cũng như điều trị dứt điểm.

Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng thận, bao gồm:

  • Đau dữ dội ở lưng hoặc bên, được gọi là đau sườn

  • Sốt cao (≥39 độ C)

  • Ớn lạnh

  • Buồn nôn hoặc có nôn

 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp