Những điều cần biết về điều trị viêm bàng quang cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc Sĩ, Bác Sĩ Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tại bàng quang, với biểu hiện là đau âm ỉ vùng hạ vị, tiểu lắt nhắt nhiều lần, cảm giác tiểu gắt buốt và nước tiểu đôi khi lẫn máu, mủ cuối dòng. Theo đó, cần thiết phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp, đủ liều lượng và thời gian nhằm tránh tái phát cũng như các biến chứng nguy hiểm.

1. Các nguyên tắc điều trị viêm bàng quang

  • Ức chế và tiêu diệt vi khuẩn
  • Xác định và loại trừ các nguyên nhân thuận lợi
  • Đề phòng tái phát

2. Điều trị viêm bàng quang cấp thông thường

Tùy vào mức độ nhiễm khuẩn và điều kiện sẵn có, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn một trong những thuốc sau để điều trị viêm bàng quang cấp.

  • Trimethoprim – sulfamethoxazol: Chọn viên có hàm lượng 80/400 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong từ 3 đến 5 ngày.
  • Cephalexin: Chọn viên có hàm lượng 500 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 ngày.
  • Nitrofurantoin: Chọn viên có hàm lượng 100 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 ngày.
  • Amoxicilin-clavulanat: Chọn viên có hàm lượng 500/125 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 ngày.
  • Fluoroquinolon: Đây không phải là lựa chọn đầu tay, chỉ dùng khi các kháng sinh khác đã thất bại hay để điều trị viêm bàng quang cấp tái phát. Thuốc thường được chọn là norfloxacin 400 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong từ 3 đến 5 ngày.

3. Điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ có thai


Điều trị cho phụ nữ có thai phải vô cùng thận trọng
Điều trị cho phụ nữ có thai phải vô cùng thận trọng

Bác sĩ có thể dùng một trong những thuốc tương tự như trên để điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ có thai nhưng với thời gian dùng thuốc kéo dài hơn:

  • Cephalexin: Chọn viên có hàm lượng 500 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 đến 7 ngày.
  • Nitrofurantoin: Chọn viên có hàm lượng 100 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 đến 7 ngày.
  • Amoxicilin-clavulanat: Chọn viên có hàm lượng 500/125 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 đến 7 ngày.

Nếu cấy vi khuẩn trong nước tiểu dương tính, việc lựa chọn kháng sinh cần tuân thủ theo kháng sinh đồ và chú ý các thuốc chống chỉ định ở phụ nữ có thai.

4. Điều trị viêm bàng quang cấp ở nam giới

Do khác nhau về cấu trúc giải phẫu, nam giới thường có nguy cơ bị viêm bàng quang thấp hơn nhiều lần so với nữ giới. Chính vì thế, khi điều trị trên các đối tượng này, điều quan trọng là cần tìm nguyên nhân liên quan như viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn... để có lựa chọn kháng sinh và thời gian điều trị cho thích hợp. Khi chưa rõ có nguyên nhân liên quan, thời gian dùng thuốc theo kinh nghiệm cũng nên kéo dài hơn. Cụ thể là các nhóm thuốc thông thường được lựa chọn như sau:

  • Trimethoprim – sulfamethoxazol: Chọn viên có hàm lượng 80/400 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 14 ngày.
  • Cephalexin: Chọn viên có hàm lượng 500 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 14 ngày.
  • Amoxicilin-clavulanat: Chọn viên có hàm lượng 500/125 mg, uống một viên trong mỗi lần, một ngày uống hai lần cách nhau 12 giờ. Uống trong 5 đến 7 ngày.

Nếu phát hiện được các nguyên nhân của viêm tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn tính, viêm tinh hoàn, mào tinh do các tác nhân đặc biệt như lao, các chủng gây bệnh xã hội... sẽ có phác đồ điều trị riêng.

5. Điều trị viêm bàng quang cấp có nguyên nhân thuận lợi

Loại bỏ các nguyên nhân gây bế tắc đường niệu như sỏi, u bướu, dị tật bẩm sinh, chèn ép... bằng các thủ thuật qua đường tự nhiên như nong, đặt sonde JJ hay can thiệp ngoại khoa. Chỉ khi dòng nước tiểu lưu thông tốt, không bị ứ đọng, vi khuẩn sẽ không có điều kiện sinh sôi và gây bệnh.

Nếu được can thiệp, thời gian dùng kháng sinh vẫn nên kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Trong các trường hợp này, nên dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch để vấn đề nhiễm trùng được giải quyết triệt để.

6. Các điều trị không dùng thuốc


Uống đủ nước tốt cho bàng quang
Uống đủ nước tốt cho bàng quang
  • Uống đủ nước: Nên uống nước mỗi ngày khoảng trên 2 lít để lượng nước tiểu ít nhất đạt từ 1,5 lít trong 24 giờ. Nên uống một ly nước sau khi thức dậy; uống thêm nước nếu thời tiết nóng bức, có hoạt động thể lực hay phải làm việc ngoài trời.
  • Không được nhịn tiểu quá 6 giờ.
  • Tắm rửa mỗi ngày với nguồn nước sạch, nhất là nữ giới trong những ngày hành kinh.
  • Có thói quen vệ sinh sạch sẽ trước khi giao hợp và nên đi tiểu sau đó để tránh nhiễm trùng ngược dòng. Nên dùng các biện pháp tình dục an toàn.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng; tránh trang phục bó sát, chất liệu vải thấm hút kém.

Tóm lại, viêm bàng quang cấp là bệnh lý thường được theo dõi và điều trị ngoại trú khá hiệu quả nếu người bệnh tuân thủ nghiêm túc. Để được như vậy, ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ, nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám sớm và chỉ định đúng phác đồ điều trị viêm bàng quang cấp, giải quyết các yếu tố thuận lợi nhằm tránh tái diễn hay các hệ lụy về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe