Trang chủ Bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn đặc trưng bởi sự vội vàng, hiếu động thái quá và giảm chú ý thường được chẩn đoán ở trẻ em nhưng các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể tiếp tục đến tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.

Có ba dạng rối loạn tăng động giảm chú ý:

  • Hiếu động-bốc đồng: những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý dạng hiếu động-bốc đồng phải đối mặt với tình trạng hiếu động và bốc đồng quá mức

  • Không chú ý: những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý nhóm này có triệu chứng nổi bật nhất là ít chú ý

  • Kết hợp hiếu động, bốc đồng và giảm chú ý: những người thuộc nhóm này có triệu chứng của cả 2 nhóm trên.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn thường gặp nhất ở trẻ em.

Nguyên nhân bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Hiện nay y văn thế giới vẫn chưa có đủ thông tin về nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng rối loạn này có thể liên quan tới các hóa chất trong não. Khi các hóa chất trong não mất cân bằng có thể ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh.

Triệu chứng bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Các triệu chứng của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em là:

Không tập trung: 

  • Dễ dàng bị phân tâm, không làm theo hướng dẫn, không hoàn tất việc học hay công việc nhà, dễ mất tập trung, có rắc rối với công việc của tập thể hoặc không thích, tránh né các nhiệm vụ đòi hỏi tập trung tinh thần trong thời gian dài.

  • Lơ đãng, hay mơ màng: trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn. Tuy nhiên, trẻ gặp khó khăn để lắng nghe hướng dẫn của thầy cô, từ đó thường xuyên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của việc làm bài tập.

  • Thường quên bài vở, mất dụng cụ học tập ở lớp

  • Kết quả học tập không ổn định: do độ tập trung kém sẽ dẫn đến việc tiếp thu chậm nên kết quả học tập ở trẻ rối loạn tăng động kém chú ý thường không ổn định. Trẻ cũng gặp khó khăn về kỹ năng đọc và viết. Khoảng 20% trẻ mắc chứng rối loạn tăng động kém chú ý cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.

Hiếu động thái quá, tăng động:

  • Luôn đi lại, di chuyển

  • Nói chuyện quá nhiều

  • Thiếu kiên nhẫn trong việc phải chờ đợi đến lượt

  • Ngọ nguậy không yên khi phải bắt buộc ngồi một chỗ

  • Chạy xung quanh hoặc leo trèo trong các tình huống không phù hợp

  • Không thể im lặng chơi hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí

  • Thỉnh thoảng bật ra câu trả lời trước khi người khác hỏi xong câu hỏi

  • Can thiệp vào chuyện của người khác.

Bốc đồng: 

  • Có thể hành xử một cách nguy hiểm mà không cần quan tâm đến hậu quả. 

  • Hay quậy phá, dễ nổi giận, rất khó kiềm chế cảm xúc. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ ở những thời điểm không phù hợp.

Ngoài ra trẻ còn có các triệu chứng khác như:

  • Không giao tiếp với bạn bè: trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Điều này càng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới.

  • Gặp khó khăn khi bày tỏ cảm xúc: trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cũng thường phải đối mặt với chứng nhận thức và trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm. Hệ quả tất yếu là trẻ hay gặp khó khăn khi bày tỏ cảm xúc bằng lời hoặc những cử chỉ thông thường.

Đối tượng nguy cơ bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý như:

  • Di truyền: rối loạn tăng động giảm chú ý có tính gia đình

  • Môi trường

  • Sử dụng rượu hoặc thuốc lá khi mang thai

  • Chấn thương não

  • Sinh non hoặc sinh nhẹ cân

Phòng ngừa bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Các phương pháp được áp dụng để phòng ngừa bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý bao gồm:

  • Không để trẻ bị chấn thương đầu hay bị nhiễm trùng thần kinh trung ương

  • Không cho trẻ tiếp xúc với kim loại nặng (chì) 

  • Phụ nữ mang thai không được hút thuốc, uống rượu hay dùng ma túy, chất gây nghiện, tránh tiếp xúc chất độc.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Chẩn đoán bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý bằng cách:

  • Hỏi bệnh sử: thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe, học bạ, bệnh tật của cá nhân và gia đình.

  • Khám bệnh tăng động giảm chú ý: quan sát hành vi và cách trẻ phản ứng với các tình huống nhất định.

  • Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh: để loại trừ các nguyên nhân khác có thể có của các triệu chứng được ghi nhận.

  • Phỏng vấn hoặc thực hiện bảng câu hỏi cho các thành viên gia đình, giáo viên hoặc những người khác biết trẻ cũng như người chăm sóc và huấn luyện viên của trẻ.

  • Xem xét thang đánh giá rối loạn tăng động giảm chú ý để thu thập và đánh giá thông tin về trẻ.

Chấn đoán phân biệt với nhiều bất thường tâm thần – thần kinh khác:

  • Rối loạn học đặc trưng (specific learning disorder) 

  • Chậm phát triển trí tuệ (intellectual development disorder)

  • Các rối loạn kiểu tự kỷ (autism spectrum disorder) 

  • Rối loạn phản ứng gắn kết (reactive attachment disorder)

Các biện pháp điều trị bệnh Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Phương pháp chữa bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em bao gồm thuốc, giáo dục, đào tạo và tư vấn. Trẻ chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định và bắt buộc phải kết hợp với liệu pháp tâm lý. Những trẻ tăng động giảm chú ý được điều trị sớm có tiên lượng tốt hơn.  

Một số loại thuốc có thể giúp cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của sự thiếu chú ý và quá hiếu động. Ngoài ra, một số phương pháp điều trị thay thế thuốc đã được thử nghiệm bao gồm:

  • Yoga hay thiền giúp trẻ thư giãn và học tính kỷ luật

  • Chế độ ăn đặc biệt: loại bỏ một số thực phẩm như đường và chất gây dị ứng phổ biến như lúa mì, sữa và trứng. Bổ sung các loại vitamin, vi chất dinh dưỡng và axit béo thiết yếu

  • Luyện tập cách phản hồi thần kinh giúp trẻ học cách giữ cho các sóng não ở phía trước hoạt động tốt

  • Tập thể dục có thể có tác động tích cực đến hành vi của trẻ với bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý

Liệu pháp tâm lý:

  • Đối với từng học sinh có biểu hiệu tăng động giảm chú ý, giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để hỗ trợ quá trình điều trị cho trẻ. Việc chữa trị cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều phương pháp như liệu pháp tâm lý kết hợp với giáo dục phù hợp sẽ giúp trẻ mau hồi phục và có thể hòa nhập lại cuộc sống nhanh hơn. Điều trị tâm lý là biện pháp cốt lõi cho trẻ.

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, nêu những hành vi tốt được mong đợi ở trẻ, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt.

  • Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội: giúp trẻ dễ dàng hòa mình vào cuộc sống và môi trường học tập.

  • Hỗ trợ và tư vấn gia đình cách quan tâm đến trẻ: cha mẹ cần dành thời gian hơn trong việc quan tâm và nhắc nhở trẻ, nhất là việc thống nhất cách nuôi dạy trẻ.

  • Bài tập tăng cường vận động hợp lý: các bài tập vận động nhằm giúp trẻ lập kế hoạch vận động phù hợp, làm chủ vận động và trương lực cơ, một số bài tập còn giúp tăng sự tập trung chú ý ở trẻ.

  • Trò chơi trị liệu phù hợp: giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi. Không nên chơi những trò chơi kích thích ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Việc đi bộ, tập thư giãn giúp làm giảm mức độ tăng hoạt động ở trẻ.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp