Các nghiên cứu đã chứng minh Yoga có tác dụng hỗ trợ giảm đau khớp, cải thiện chức năng và độ linh hoạt cho khớp, hạn chế căng và áp lực giúp bệnh nhân mắc nhiều thể thấp khớp khác nhau ngủ ngon hơn. Dưới đây là một số tư thế và mẹo tập Yoga để mang lại hiệu quả tốt nhất.
1. Bị viêm khớp có nên tập Yoga?
Tập Yoga thường xuyên mang lại nhiều lợi ích về cả thể chất và tinh thần cho bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp. Yoga cải thiện tính linh hoạt, giúp các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dễ dàng hoạt động thể chất hàng ngày, như đi bộ. Tập yoga thường xuyên cũng có thể làm giảm viêm và đau, giúp cải thiện khả năng vận động.
Yoga cũng đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe tinh thần của người bệnh bằng cách giúp họ chấp nhận căn bệnh của mình và có một cách nhìn tích cực hơn để vượt qua bệnh tật, từ đó giúp giảm lo lắng và trầm cảm ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
2. Yoga hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô của cơ thể, chủ yếu là các khớp và gây viêm sưng đau khớp. Viêm khớp dạng thấp gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm đau mãn tính, giảm khả năng vận động của khớp và mệt mỏi. Những triệu chứng này khiến cuộc sống hàng ngày của người bệnh bị hạn chế. Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng vật lý trị liệu và nhóm thuốc chống thấp khớp (DMARDS) có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Yoga kết hợp với điều trị y khoa giúp giảm đau khớp và cứng khớp, ngoài ra còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bệnh về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.
3. Tập Yoga đúng cách
Trước khi tập Yoga cho người viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần chuẩn bị thảm tập, mặc quần áo thoải mái và giữ tinh thần cởi mở. Yoga được chia thành nhiều trường phái khác nhau, trong đó có nhiều loại yoga mang lại lợi ích cho những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, bao gồm:
- Yoga phục hồi: Sử dụng các dụng cụ và tư thế giữ lâu, chậm để cải thiện khả năng di chuyển và sự linh hoạt mà không bị căng cơ. Loại yoga này là phù hợp nhất để giúp những người bệnh kết hợp thiền định và chánh niệm trong khi luyện tập.
- Hatha yoga: Bao gồm các tư thế ngồi, đứng, quỳ và giữ thăng bằng được kết hợp và chuyển đổi một cách nhịp nhàng. Nhánh Yoga này có các bài tập kết hợp với đạo cụ có thể điều chỉnh đề phù hợp với cơ thể và tránh căng cơ.
- Yin yoga: Phong cách yoga thư giãn, thụ động bao gồm việc giữ các tư thế trong thời gian dài hơn và tăng cường nhận thức bên trong của bạn, chủ yếu trong tư thế ngồi. Điều này bao gồm chú ý đến hơi thở, suy nghĩ và cảm giác cơ thể. Bài tập yoga này chậm nhưng không thư thái như yoga phục hồi.
Các tư thế tập Yoga cho người viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Tư thế cái cây: Tư thế đứng bằng một chân này giúp tăng cường sự cân bằng thông qua việc tập trung tinh thần. Điều này có thể tăng khả năng phục hồi tinh thần đồng thời nhẹ nhàng mở hông và tăng cường sức mạnh cho chân.
- Tư thế con mèo ngồi: Tư thế này giúp cải thiện khả năng vận động của cột sống. Nhẹ nhàng ưỡn lưng về phía trước và phía sau có thể làm giảm đau thắt lưng và cứng cột sống mà không gây áp lực lên đầu gối.
- Tư thế savasana: Tư thế này đòi hỏi người bệnh nằm thẳng trên sàn và lưu ý kết nối giữa hơi thở với cơ thể để giảm căng thẳng.
Ngoài việc chọn các tư thế phù hợp, người bệnh thấp khớp cũng có thể sử dụng các đạo cụ và sửa đổi các tư thế yoga để tránh gây áp lực lên khớp. Các đạo cụ có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để giúp người tập thoải mái hơn trong quá trình luyện tập yoga.
- Gối ôm: Giúp nâng đỡ phần dưới của cơ thể khi thực hiện các tư thế như trẻ em, gác chân lên tường và xoay người ngả ra sau.
- Chăn: Chăn có thể được cuộn hoặc gấp lại để đệm bên dưới hoặc phía sau đầu gối. Ngoài ra còn hỗ trợ thêm cho cổ khi nằm.
- Ghế: Sử dụng ghế trong khi tập yoga rất tốt cho các tư thế yoga đã được điều chỉnh, đặc biệt nếu người bệnh bị cứng khớp, hạn chế vận động nghiêm trọng hoặc ít vận động.
Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc phương án luyện tập phù hợp.
Đối với người mới bắt đầu, Yoga không hề dễ dàng, nhưng đây là phương pháp luyện tập giúp tình trạng bệnh tốt hơn, vì vậy không nên dừng đột ngột. Không có tập đúng hay sai, chỉ là bài tập đó có được điều chỉnh phù hợp với bạn hay không trước khi những động tác quá sức làm cơ thể tổn thương nhiều hơn. Hãy dừng tập nếu cảm thấy đau, châm chích hay những cảm giác bất thường khác. Vạn sự khởi đầu nan, khi đã quen với các bài tập thường xuyên, người bệnh sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái tập luyện hơn.
Chỉ nên tập luyện khi bệnh đang trong giai đoạn ổn định, không nên tập trong đợt cấp để tránh chấn thương và cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi.
Yoga là một phương pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp mang lại kết quả khả quan trong việc kiểm soát triệu chứng và cải thiện cảm xúc cho người bệnh phải đối mặt với sự đau đớn dai dẳng. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy người bệnh bị viêm, đau và hạn chế hoạt động do viêm khớp dạng thấp đã trở nên năng động và tiếp tục duy trì cuộc sống hàng ngày nhưng ít đau hơn nhờ tập Yoga thường xuyên. Yoga có thể tập luyện tại nhà, vì vậy người bệnh có thể chủ động cải thiện triệu chứng bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, verywellhealth.com