Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Yếu tố nguy cơ sỏi túi mật có liên quan đến các tác nhân như con người, chuyển hóa, miễn dịch và lối sống. Những triệu chứng của bệnh thường tái phát nghiêm trọng hơn, đôi khi dẫn đến biến chứng sỏi mật và phải được điều trị tại bệnh viện.
1. Yếu tố nguy cơ sỏi túi mật là gì?
1.1 Yếu tố về con người
Sỏi túi mật thường xảy ra với nhóm bệnh nhân có chung những đặc điểm sau đây:
- Giới tính: Thường gặp nhiều hơn ở nữ giới, với tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh gấp khoảng 2 hoặc 3 lần đàn ông.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc sỏi túi mật tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt từ 40 trở đi. Ít gặp trường hợp bệnh nhân là trẻ em, trong khi đó đối tượng phổ biến nhất ở độ tuổi khoảng 60–70.
- Tiền sử gia đình: Sỏi túi mật thường gặp ở một số gia đình cho thấy sự liên quan đến di truyền trong việc hình thành bệnh.
- Di truyền: Trường hợp các bệnh nhân có biến thể nhất định ở gen vận chuyển dẫn đến nguy cơ bị sỏi túi mật lớn hơn.
- Chủng tộc: Dân tộc Á Đông có tỷ lệ mắc sỏi túi mật thấp hơn so với người thổ dân da đỏ Châu Mỹ và người gốc Tây Ban Nha.
1.2 Yếu tố liên quan đến lối sống
Thói quen trong sinh hoạt được chứng minh là có ảnh hưởng đến yếu tố nguy cơ sỏi túi mật, bao gồm:
- Lười vận động.
- Ăn chay trường.
- Nhịn ăn (gây ứ đọng mật)
- Giảm cân đột ngột sau phẫu thuật thắt đai dạ dày điều trị béo phì.
- Dinh dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài.
- Thai kỳ và sinh con nhiều lần.
- Sử dụng thuốc ngừa thai sớm và thường xuyên, hoặc bổ sung estrogen liều cao.
- Tác động của một số loại thuốc khác.
1.3 Một số căn bệnh
Hội chứng chuyển hóa, miễn dịch hoặc những bệnh lý khác được cho là có thể dẫn đến tạo sỏi trong túi mật, chẳng hạn như:
- Ung thư túi mật: 90% bệnh nhân có kết hợp với sỏi mật.
- Rối loạn tán huyết: Bệnh hồng cầu liềm di truyền và thiếu máu hồng cầu liềm, hoặc bệnh lý van tim
- Suy gan hoặc xơ gan nặng: Khi sỏi có màu đen hoặc sỏi sắc tố.
- Hội chứng chuyển hóa, bao gồm: Béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp và tiểu đường tuýp 2.
- Các rối loạn chuyển hóa đi kèm hội chứng ruột ngắn, cắt bỏ đoạn cuối hồi tràng hoặc bệnh viêm loét đại tràng (IBD)
- Nhiễm trùng hay ký sinh trùng đường mật, ví dụ như nhiễm sán lá gan.
- Đường mật bị chít hẹp: Có sỏi với sắc tố nâu hình thành trong đường mật.
2. Các biến chứng sỏi mật
2.1 Viêm túi mật cấp
Sau khi mắc sỏi túi mật, 90–95% bệnh nhân bị viêm túi mật cấp thứ phát do túi mật bị tắc nghẽn hoàn toàn. Triệu chứng thường gặp của viêm túi mật cấp chủ yếu là đau bụng liên tục và kèm theo sốt, phân biệt với cơn đau quặn mật chỉ kéo dài trong vài giờ.
Viêm túi mật cấp là một bệnh lý nghiêm trọng, do đó bệnh nhân cần ngay lập tức đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định:
- Truyền dịch và theo dõi.
- Cho dùng thuốc giảm đau kết hợp kháng sinh
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật chứa sỏi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo phải nhanh chóng chữa trị viêm túi mật cấp một cách tích cực, nếu không sẽ có nguy cơ dẫn đến thủng túi mật và đe dọa tới tính mạng người bệnh.
2.2 Có sỏi và viêm đường mật cấp
Khi một hoặc nhiều viên sỏi rơi từ túi mật vào đường mật chính sẽ gây ra tắc nghẽn dịch mật tới ruột, dẫn đến biến chứng sỏi đường mật, hay còn gọi là sỏi ống mật chủ. Biểu hiện bên ngoài hay xuất hiện chung với tình trạng này là vàng da và vàng mắt.
Bên cạnh đó, đường mật cũng có thể bị nhiễm trùng làm cho bệnh nhân đau đớn, ớn lạnh và sốt. Viêm đường mật cấp có nguy cơ gây tử vong nếu như không được điều trị kịp thời.
2.3 Một số biến chứng khác
Những biến chứng sỏi mật khác cũng có liên quan đến vấn đề bất thường ở mật, chẳng hạn như: viêm mủ túi mật, rò mật ruột, thủng túi mật và thậm chí là ung thư túi mật. Hội chứng Mirizzi chỉ tình trạng tắc nghẽn đường mật do có sỏi nằm trong túi mật hoặc trong ống cổ túi mật là một trong nhiều biến chứng sỏi mật gây ra.Ngoài ra, sỏi túi mật cũng có tác động xấu đến các cơ quan lân cận, dẫn đến nhiều biến chứng với cùng biểu hiện đau bụng nhiều, cụ thể là:
- Viêm tụy cấp.
- Liệt ruột.
- Viêm phúc mạc.
- Nhiễm trùng huyết.
- Áp-xe gan.
Có nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau góp phần gây ra căn bệnh sỏi túi mật. Tuy nhiên từ các yếu tố nguy cơ sỏi túi mật, bệnh nhân có thể đề phòng mắc bệnh bằng cách tập luyện thể chất đều đặn và thay đổi khẩu phần ăn sao cho hợp lý, hạn chế tối đa cholesterol cũng như các chất gây hại khác.
Đồng thời cũng nên xây dựng kế hoạch giảm cân (nếu bạn thuộc đối tượng béo phì) cũng như tránh thai an toàn, khoa học để ngăn ngừa sỏi hình thành trong mật. Đối với bệnh nhân, cần điều trị tích cực với thuốc tan sỏi hoặc phẫu thuật để tránh dẫn đến các biến chứng sỏi mật nguy hiểm.
Để giúp bảo vệ sức khỏe gan mật khách hàng một cách toàn diện, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa vào triển khai các Gói Sàng lọc Gan mật với nhiều mức độ sàng lọc chuyên sâu khác nhau, tùy vào nhu cầu cụ thể của người bệnh.
Gói Sàng lọc Gan mật giúp khách hàng đánh giá chức năng gan, mật toàn diện, thực hiện các xét nghiệm giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề về gan, mật, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra các tư vấn điều trị phù hợp. Kết quả sàng lọc được đảm bảo độ chính xác cao nhất khi được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; trang thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản.
Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.