Thuốc Quinospastyl có thành phần chính là Alverine hàm lượng 40 mg, được sử dụng phổ biến trong điều trị chống co thắt cơ trong ở đường tiêu hóa, đường mật, tử cung... Tìm hiểu các thông tin khái quát như thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và các lưu ý khi dùng thuốc Quinospastyl sẽ góp phần giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân và người thân.
1. Quinospastyl là thuốc gì?
Thuốc Quinospastyl 40 mg được bào chế dưới dạng viên nang, với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất : Alverine (dạng Alverine citrate) hàm lượng 40 mg.
- Tá dược : Vừa đủ 1 viên nang.
Alverine citrate là thuốc chống co thắt cơ trơn thuộc loại Papaverin, có tác dụng trực tiếp trên sợi cơ trơn. Cơ chế tác dụng của Alverine citrate chủ yếu dựa vào 3 cơ chế chính bao gồm: Chẹn kênh Canxi, ức chế thụ thể Serotonin 5HT1A và làm giảm tính nhạy cảm của ruột. Do đó, hoạt chất này được sử dụng như một chất chống co thắt tác động trực tiếp và chủ yếu trên cơ trơn đường tiêu hóa và cơ trơn tử cung. Alverine citrate có tác dụng làm giảm đau do do co thắt cơ trơn đường ruột gặp trong các bệnh rối loạn tiêu hóa, đau do co thắt cơ trơn tử cung gặp trong đau bụng kinh, dọa sẩy thai...
2. Thuốc Quinospastyl có tác dụng gì?
Thuốc Quinospastyl được chỉ định trong điều trị chống cơ thắt cơ trơn gặp ở:
- Đường tiêu hóa: Hội chứng ruột kích thích, đau do co thắt đường mật trong sỏi đường mật, viêm đường mật và đau túi thừa của ruột kết.
- Tiết niệu: Đau trong cơn đau quặn thận.
- Tử cung: Đau bụng kinh, thống kinh và dọa sẩy thai.
Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, thuốc Quinospastyl không được phép kê đơn:
- Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Quinospastyl.
- Tiền sử dị ứng với các thuốc khác có chứa hoạt chất Alverine citrate
- Tiền sử dị ứng với các thuốc khác thuộc thuộc loại Papaverin hoặc các loại chống co thắt cơ trơn khác.
- Tắc ruột hoặc liệt ruột.
- Tắc ruột do phân.
- Bệnh nhân bị mất trương lực đại tràng.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Quinospastyl
Liều dùng:
Người lớn hoặc trẻ em ≥ 12 tuổi:
- Liều khuyến cáo: Uống 2 - 3 viên (80 – 120 mg)/ lần x 2 – 3 lần/ ngày.
Trẻ em:
- Không khuyến cáo sử dụng vì độ an toàn chưa được xác định rõ.
Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Quinospastyl
Việc sử dụng thuốc Quinospastyl thường ít gây ra ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu dùng với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn. Rối loạn thần kinh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và hạ huyết áp.
- Ít gặp: Phản ứng dị ứng như mẩn ngứa, phát ban, đỏ da, mày đay, phù thanh quản, trong trường hợp nặng có thể bị sốc phản vệ.
Nên ngừng thuốc khi phát hiện các tác dụng phụ không mong muốn trên hoặc các triệu chứng bất thường khác, đồng thời, người bệnh nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ hay đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
4. Lưu ý sử dụng thuốc Quinospastyl ở các đối tượng:
- Tránh sử dụng Quinospastyl ở trẻ em dưới 12 tuổi vì những nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng thuốc vẫn còn hạn chế.
- Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên lâm sàng chưa có thấy tác dụng gây quái thai hoặc tác dụng có hại khác đối với thai của Alverine citrate trong thuốc Quinospastyl. Vì thế, cần thận trọng khi sử dụng thuốc Quinospastyl trong thai kỳ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Chưa có bằng chứng an toàn về việc sử dụng Alverine citrate ở phụ nữ đang cho con bú. Vì thế, nên ngừng cho con bú khi quyết định sử dụng thuốc Quinospastyl.
- Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường gặp phải những tác dụng phụ như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt ... sau khi dùng thuốc Quinospastyl. Do đó cần phải thận trọng.
5. Tương tác thuốc Quinospastyl
Quinospastyl làm giảm hấp thu của các thuốc sử dụng qua đường uống vì làm giảm nhu động của cơ trơn dạ dày.
Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Quinospastyl. Bệnh nhân và người thân nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Quinospastyl đồng thời tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.