Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sau khi mổ loại bỏ sỏi ống mật thành công, nhiều người bệnh chủ quan nghĩ rằng đã thoát khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, sự rối loạn chuyển hóa dịch mật chính là một trong những nguyên nhân chính gây sỏi mà các phương pháp điều trị tây y không dễ gì tác động. Vì vậy, sỏi mật sẽ có khả năng tái phát sau 3-5 năm điều trị.
Nhiều trường hợp người bệnh sỏi mật phải phẫu thuật đến lần thứ 4, thứ 5, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của chính người bệnh, bác sĩ điều trị và làm tăng thêm gánh nặng về kinh phí. Vậy sau khi đã phẫu thuật loại bỏ sỏi hoàn toàn sẽ có những giải pháp nào giúp phòng ngừa sỏi mật tái phát? Dưới đây là những lời khuyên mà người bệnh không nên bỏ qua.
1. Sỏi ống mật chủ là gì?
Sỏi ống mật chủ (OMC) là căn bệnh thường gặp ở nước ta. Trước đây, sỏi OMC chiếm tới 80 - 90% trong tổng số bệnh sỏi mật. Những năm gần đây, do tỷ lệ sỏi túi mật ngày càng gia tăng, làm tỷ lệ sỏi ống mật chủ giảm đáng kể (khoảng 50 - 60%).
Khác với sỏi mật ống chủ ở các nước Âu, Mỹ (chủ yếu là sỏi Cholesterol và di chuyển từ túi mật xuống), bệnh lý sỏi OMC ở Việt Nam rất phức tạp, thành phần chủ yếu là sắc tố mật, nhân là xác hay trứng giun đũa. Yếu tố giun chui đường mật và nhiễm trùng đóng vai trò quan trọng trong nguyên nhân hình thành sỏi.
2. Các phương pháp phòng ngừa sỏi ống mật chủ tái phát sau mổ
2.1 Ăn uống khoa học
Không bỏ bữa ăn, ăn đúng giờ, chia thành nhiều bữa và hạn chế thực phẩm nhiều chất béo xấu là những nguyên tắc trong chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật hiệu quả. Cụ thể:
- Uống nhiều nước: Đây là dung môi đào thải nhiều loại độc tố ra khỏi cơ thể, giúp tiêu hóa chất béo dễ dàng nên làm giảm nguy cơ sỏi ống mật chủ;
- Giảm lượng chất béo và lượng đường ăn vào: Chất béo xấu (gồm chất béo bão hòa, chất béo trans - dầu hydro hóa 1 phần) và đường đều là nguy cơ tăng mắc bệnh sỏi ống mật chủ. Do đó, khi bạn đã loại bỏ viên sỏi hoàn toàn thì vẫn cần lưu ý hạn chế sử dụng những thực phẩm này;
- Tăng cường chất xơ: Chất xơ giúp loại bỏ cholesterol xấu, đồng nghĩa với việc giảm nguy sỏi tích tụ trong ống mật chủ. Ngũ cốc nguyên hạt, đậu lăng, trái cây tươi và rau quả đặc biệt các loại rau lá xanh đậm là những nguồn chất xơ dồi dào, có hàm lượng chất xơ cao nhất;
Bổ sung vitamin C: Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng vitamin C có thể giúp cơ thể ngăn ngừa sỏi mật phát triển, nó giúp cholesterol tan trong nước dễ hơn và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Vitamin C có trong nhiều loại trái cây như cam, một số loại rau như ớt chuông đỏ.
Một số lưu ý trong chế độ ăn:
- Tránh viêm đường mật, viêm túi mật: Khi đường mật, túi mật bị viêm sẽ làm tăng tổn thương ở lớp lót trong niêm mạc, gia tăng nguy cơ lắng đọng sỏi. Để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh cần tránh táo bón hoặc tiêu chảy quá lâu, bởi chúng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn dịch mật;
- Tránh giun chui ống mật: Nếu vô tình giun, sán đường ruột chui lên đường mật, chúng có thể đẻ trứng hoặc chết ở đó, làm tổ cho các thành phần trong dịch mật bám vào. Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh nên ăn chín, uống sôi, không ăn đồ tái sống và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
2.2 Tăng cường vận động
Cùng với chế độ ăn ăn, việc tăng cường luyện tập thể dục đã được chứng minh là một trong những giải pháp hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật. Bên cạnh đó, tập luyện cũng sẽ giúp người bệnh giữ được cân nặng và một thân hình cân đối, làm giảm nồng độ cholesterol và triglycerid trong cơ thể.
Người bệnh có thể bắt đầu tập luyện bằng các bài tập đơn giản, vừa sức sau đó tăng dần mức độ. Các chuyên gia khuyến cáo nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 150 phút mỗi tuần.
2.3 Kiểm soát cân nặng trong giới hạn
Khi bị thừa cân hoặc béo phì, sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong dịch mật, do đó tăng nguy cơ bị sỏi ống mật chủ, vì vậy nên kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Tuy nhiên, hãy tránh chế độ ăn ít năng lượng để nhanh chóng giảm cân hoặc ăn chay hoàn toàn, bởi điều đó không những không có lợi mà còn làm tăng nguy cơ tạo sỏi, do dịch mật không được đưa xuống đường tiêu hóa. Người bệnh chỉ nên giảm khoảng 2.5 - 3kg/tuần.
2.4 Lưu ý sử dụng một số loại thuốc
Các thuốc hạ mỡ máu thường có xu hướng tăng đào thải cholesterol vào trong dịch mật. Do đó, nếu người bệnh đang sử dụng nhóm thuốc này cần lưu ý kiểm soát chế độ ăn, kết hợp hoạt động thể lực để tăng vận động đường mật.
Sỏi ống mật chủ là bệnh có tỷ lệ tái phát khá cao nếu người bệnh không có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Sỏi tái đi tái lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, dẫn tới tâm lý chán chường, mệt mỏi và gây tốn kém chi phí điều trị. Chính vì vậy người bệnh sỏi mật nên tuyệt đối tuân thủ các tư vấn của bác sĩ về chế độ sinh hoạt, ăn uống sau điều trị để hạn chế thấp nhất khả năng sỏi tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.