Bài viết được viết bởi TS. Trần Trung Kiên - Chuyên viên nghiên cứu di truyền tại Phòng nghiên cứu - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Yếu tố gen đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của tự kỷ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 25% ca tự kỷ có thể xác định yếu tố gen liên quan. Một số nghiên cứu chỉ ra khoảng 5-15% trẻ tự kỷ mang các biến đổi di truyền CNV hoặc các biến đổi không di truyền CNV ở một số gen liên quan tới chức năng dẫn truyền thần kinh.
1. Tự kỷ là gì?
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ.
Ngoài các biểu hiện nêu trên, trẻ tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động, giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên lo lắng, bồn chồn...vv.
Tỉ lệ xuất hiện của tự kỷ được ghi nhận khác nhau giữa các quốc gia và các nhóm người. Ở Mỹ, cứ 59 trẻ sinh ra sẽ có một trẻ mắc chứng tự kỷ. Ở châu Á, tự kỷ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ và nhiều như ở quần thể người Châu Âu hay Bắc Mỹ và tần suất xuất hiện tự kỷ được báo cáo có sự khác biệt lớn giữa các quần thể. Theo ước tính, tự kỷ chiếm khoảng 1% quần thể.
2. Yếu tố di truyền trong rối loạn phổ tự kỷ
Nguyên nhân cụ thể của tự kỷ còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố gen, môi trường hoặc là kết hợp giữa gen-môi trường là nguyên nhân gây tự kỷ. Mặc dù cũng có báo cáo chỉ ra rằng các điều kiện kinh tế-xã hội cũng có liên quan tới tỉ lệ mắc tự kỷ.
Tỉ lệ mắc tự kỷ ở trẻ em trai nhiều hơn khoảng 4 lần so với trẻ em gái. Sự khác biệt về tỉ lệ giữa nam giới và nữ giới gợi ý yếu tố gen đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của tự kỷ. Có một số giả thuyết cho rằng do nữ giới mang nhiều lượng gen hơn nam giới (nữ mang 2 nhiễm sắc thể X, trong khi nam chỉ mang 1 nhiễm sắc thể X) dẫn tới khả năng nữ giới có khả năng mắc ít rủi ro biểu hiện tự kỷ hơn nam giới.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 25% ca tự kỷ có thể xác định yếu tố gen liên quan. Một số nghiên cứu chỉ ra khoảng 5-15% trẻ tự kỷ mang các biến đổi di truyền CNV hoặc các biến đổi không di truyền CNV ở một số gen liên quan tới chức năng dẫn truyền thần kinh.
Các nghiên cứu trên mẫu lớn với hàng nghìn bệnh nhân đã tìm thấy nhiều gen và đột biến liên quan tới tự kỷ. Cho tới nay, có hơn 1000 gen mang biến đổi được cho là có liên quan tới tự kỷ. Trong đó, hơn 100 gen được đánh giá là gen tăng nguy cơ tự kỷ ví dụ như gen SHANK3, NLGN4, DLG2, RN3C2, DYRK1A,SCN2A...vv. Các gen này hầu như đều liên quan tới quá trình truyền dẫn thần kinh.
Về cơ chế di truyền, chứng tự kỷ không theo mô hình di truyền kiểu Menden, tức là di truyền đơn gen hoặc trội hoặc lặn qua đó con nhận mỗi alen từ bố và mẹ. Nhiều đột biến ở người tự kỷ không tìm thấy ở bố mẹ hay thậm chí là anh em sinh đôi cùng trứng (dạng đột biến phát sinh-de novo).
Không những thế, đột biến có thể được tìm thấy ở nhiều gen chứ không chỉ một gen đơn lẻ. Do vậy, cơ chế bệnh sinh của tự kỷ rất phức tạp và còn chưa được hiểu một cách rõ ràng. Tuy vậy, càng ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định yếu tố gen trong cơ chế gây bệnh của tự kỷ.
Gần đây, Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu “Xác định đột biến gen trên trẻ tự kỷ ở Việt Nam”. Nghiên cứu này phát hiện nhiều gen đã được biết có liên quan tới tự kỷ và đặc biệt hơn là phát hiện ra một số gen mới mang biến đổi ở trẻ tự kỷ.
Đây là nghiên cứu lớn và công phu nhất về gen trên trẻ tự kỷ ở Việt Nam từ trước tới nay với những thông tin quan trọng về đặc điểm di truyền. Nghiên cứu này cung cấp nền tảng cơ sở khoa học tin cậy phục vụ hoạt động sàng lọc/chẩn đoán, tư vấn di truyền và điều trị tự kỷ trong tương lai.
Tự kỷ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngay khi trẻ hoặc người lớn có dấu hiệu của bệnh, bạn nên mang người bệnh đến cơ sở y tế khám và điều trị.