Xử trí vấn đề giảm sức đề kháng do hóa trị ung thư

Sau hoá trị ung thư, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như rụng tóc, giảm tế bào máu ngoại biên, viêm niêm mạc miệng... và điển hình nhất là suy giảm sức đề kháng. Khi gặp các tác dụng phụ của hoá trị ung thư, bệnh nhân nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để có biện pháp xử trí phù hợp, đặc biệt là vấn đề suy giảm đề kháng.

1. Tổng quan về hoá trị ung thư

Hoá trị là một liệu pháp nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại thuốc hoá trị ung thư thường bao gồm những hoá chất có khả năng gây độc tế bào, làm tổn thương ADN, tiêu diệt mầm mống ung thư và hạn chế sự tăng sinh và nhân lên nhanh chóng cả tế bào ung thư.

Thuốc hoá trị ung thư thường bao gồm các nhóm riêng biệt, được chỉ định cho mỗi giai đoạn cụ thể của bệnh nhân. Hiện nay, thuốc hoá trị ung thư được dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch hoặc đường uống, tuỳ thuộc vào mục đích điều trị. Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc ngay tại nhà hoặc ở bệnh viện dựa trên tình trạng ung thư và sức khỏe toàn trạng.

Hoá trị liệu có thể áp dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với những phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp hormone,... Hoặc bệnh nhân có thể được chỉ định hoá trị trước nhằm giúp thu nhỏ kích thước khối u ác tính, sau đó mới phẫu thuật.

Liệu pháp Đơn hoá trị thường mang lại hiệu quả đối với một số bệnh ung thư như bệnh bạch cầu tế bào tóc hoặc ung thư nguyên bào nuôi. Các phác đồ Đa hoá trị sẽ phối hợp nhiều loại hóa chất với nhau nhằm nâng cao tính hiệu quả, đồng thời giảm khả năng kháng thuốc cũng như độc tính liên quan. Đa hoá trị ung thư thường được dùng trong bệnh ung thư tinh hoàn, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư vòm họng, bệnh bạch cầu cấp tính, u lympho Hodgkin,... Trong phác đồ này, bệnh nhân được điều trị theo nhiều đợt có tính chu kỳ. Giữa các chu kỳ sẽ có thời gian nghỉ ngắn nhằm giúp các mô tế bào lành hồi phục.

Trước khi hoá trị ung thư, bác sĩ và bệnh nhân sẽ cân nhắc giữa mức độ hiệu quả và độc tính mà các hoá chất mang lại. Ngoài ra, cần đánh giá cụ thể chức năng hoạt động của những cơ quan đích trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc hoá trị ung thư gây độc đặc hiệu.

Trong hoá trị truyền thống, các hoá chất không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến cả các mô khoẻ mạnh. Những mô lành như nang lông, tủy xương và biểu mô đường tiêu hoá dễ bị tác động bởi hóa chất ung thư nhất.

2. Các tác dụng phụ của hoá trị ung thư

Hiện nay có tới hàng trăm loại thuốc hoá trị khác nhau, trong đó bao gồm cả thuốc miễn dịch, thuốc hormone hoặc thuốc điều trị nhắm trúng đích. Phần lớn những thuốc này có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng cũng tác động xấu đến các tế bào lành và có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ hoá trị ung thư, như các trường hợp ở dưới đây.

2.1. Làm giảm tế bào máu ngoại biên và giảm sức đề kháng

Một số loại thuốc hóa trị ung thư có thể tiêu diệt cả các tế bào máu ngoại biên như tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu... dẫn đến những ảnh hưởng sau khi hóa trị:

  • Thiếu máu sau khi kết thúc đợt hoá trị liệu. Bệnh nhân có thể cần đến các biện pháp điều trị thiếu máu như bổ sung sắt hoặc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng hồng cầu.
  • Thuốc hoá trị làm giảm tế bào bạch cầu và gây suy giảm sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, khiến người bệnh dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng. Mức độ ảnh hưởng của thuốc hoá trị đối với sức đề kháng phụ thuộc vào nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như các loại hoá chất được phối hợp sử dụng, liều lượng, tần suất, thời gian điều trị bằng thuốc và điều kiện sức khỏe của bệnh nhân.
  • Dùng thuốc hoá trị ung thư không chỉ làm giảm sức đề kháng mà còn làm mất một lượng lớn các tế bào máu tiểu cầu dẫn đến giảm khả năng đông máu và chống lại nhiễm trùng của cơ thể.

2.2. Hoá trị ung thư khiến cơ thể mệt mỏi

Sau mỗi đợt hoá trị, cơ thể bệnh nhân thường bị suy nhược, dễ mệt mỏi, kém vận động và chán ăn. Đặc biệt, những bệnh nhân phải vừa hóa trị vừa xạ trị hay phẫu thuật có xu hướng cảm nhận rõ rệt nhất những biểu hiện này.

Để khắc phục tình trạng mệt mỏi sau hoá trị ung thư, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, lựa chọn các loại thức ăn mềm, dễ nuốt và tiêu hoá. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ và hạn chế ăn đồ quá lạnh hay quá nóng.

2.3. Cảm giác buồn nôn hoặc nôn

Một tác dụng phụ hoá trị ung thư khác mà người bệnh cũng thường xuyên gặp phải là buồn nôn hoặc nôn ói. Bệnh nhân có thể xin tư vấn bác sĩ về các biện pháp giúp khắc phục hoặc làm giảm hiện tượng buồn nôn để không ảnh hưởng đến việc ăn uống và có thể hồi phục cơ thể sau một đợt hoá trị liệu.

2.4. Rụng tóc

Một số loại thuốc hoá trị ung thư hoạt động dựa trên nguyên lý ức chế các tế bào có nguy cơ sinh trưởng mạnh. Bởi vậy, thuốc này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các tế bào biểu bì, móng, nang lông,... Tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổ biến nhất là rụng lông và tóc. Đặc biệt, hiện tượng rụng tóc có tác động đáng kể đến tâm lý người bệnh, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được thuyên giảm sau khi đợt hoá trị kết thúc.

2.5. Gây độc tính cho hệ thần kinh ngoại biên

Tình trạng độc tính thần kinh ngoại biên thường xuất hiện theo nhiều mức độ khác nhau đối với từng bệnh nhân. Có thể là cảm giác tê bì hoặc châm chích ở chân tay hoặc mất hoàn toàn cảm giác ở các đầu chi. Nếu dùng thuốc hoá trị ung thư không đúng mức có thể gây ảnh hưởng đến những phần chi còn lại.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng trên hệ thần kinh ngoại biên, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều hoặc chuyển sang loại thuốc hoá trị ung thư khác phù hợp hơn.

2.6. Viêm niêm mạc miệng

Một tác dụng phụ hoá trị ung thư khác cũng khá phổ biến là hiện tượng viêm niêm mạc miệng. Đa phần các trường hợp mắc phải tình trạng này thường điều trị ung thư bằng hoá trị kết hợp xạ trị.

Niêm mạc miệng bị viêm sẽ khiến người bệnh đau đớn mỗi khi ăn uống. Để khắc phục, bệnh nhân nên dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là khi đau nặng. Ngoài ra, cần chú trọng đến khâu vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hạn chế tối đa khô miệng, tích cực bổ sung các loại rau, củ, quả, nước chanh hay sữa chua trong khẩu phần ăn thường ngày.

2.7. Gây độc tính trên tim

Một số loại thuốc hoá trị ung thư có khả năng tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ tim mạch và chứa chất gây độc tim. Vì vậy, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi dùng những loại thuốc hóa trị này, đặc biệt là người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch.

3. Cách khắc phục tình trạng giảm sức đề kháng sau hoá trị

Để đẩy lùi tình trạng suy giảm sức đề kháng do dùng thuốc hoá trị ung thư, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với lối sống lành mạnh, cụ thể:

3.1. Chế độ ăn uống tăng đề kháng sau hoá trị ung thư

Dưới đây là những loại thực phẩm giúp bệnh nhân ung thư tăng cường sức đề kháng và chống lại nhiễm trùng sau đợt hoá trị liệu, bao gồm:

  • Thực phẩm giàu vitamin A như gan, trứng và sữa.
  • Thực phẩm giàu Fucoidan như tảo nâu Mekabu hoặc Mozuku.
  • Thực phẩm giàu Lycopene như dưa hấu và cà chua.
  • Thực phẩm giàu Selen như các loại hạt, ngô, gạo, lúa mì, các loại đậu, trứng và phô mai.
  • Thực phẩm giàu Beta carotene như đu đủ, xoài và cà rốt.
  • Thực phẩm giàu vitamin E như dầu thực vật, các loại hạt, rau xanh lá, giá đỗ và rau mầm.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tăng cường uống nhiều nước nhằm thúc đẩy quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng và thải trừ độc tố ra khỏi cơ thể. Tốt nhất, nên ăn khẩu phần tinh bột vừa đủ, chọn lựa các thực phẩm mềm, ngũ cốc nguyên hạt hoặc rau củ. Ngoài ra, ăn thêm chất đạm để cải thiện tình trạng suy giảm sức đề kháng, hỗ trợ chữa lành những mô bị tổn thương và chống lại tình trạng nhiễm trùng.

Trong khẩu phần ăn của bệnh nhân ung thư điều trị bằng hoá trị cũng cần hạn chế các loại chất béo do chúng có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến bệnh đái tháo đường. Việc ăn các thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao cũng dễ làm tăng kích thước khối u do chúng sinh ra các chất độc hại trong quá trình chế biến.

3.2. Tập thể dục

Tình trạng suy giảm sức đề kháng sau hoá trị cũng được cải thiện đáng kể nếu bệnh nhân thực hiện theo một lối sống lành mạnh. Để tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, bệnh nhân nên tập các bài tập thể dục thường xuyên như: tập thiền định, tập yoga nhẹ nhàng,...

3.3. Xây dựng tâm lý thoải mái

Có thể nói, sức khỏe tinh thần và thể chất có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Khi tinh thần thoải mái sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn sau khi điều trị.

3.4. Xây dựng lối sống khoa học

Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống khoa học như nghỉ ngơi đúng giờ, nghỉ khi cảm thấy mệt mỏi, hạn chế thức khuya, suy nghĩ tích cực hơn,...

Bên cạnh các biện pháp trên, nhiều người lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các các thành phần như cao củ sả, cao bạch hoa xà thiệt thảo, cao bán biên liên, cao xạ đen... để tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng, giúp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa ung bướu hiệu quả.

Trên đây là những cách tăng đề kháng sau khi tiến hành hóa trị ung thư để giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn và tràn đầy sức sống hơn. Nếu cảm thấy có bất thường nào nghiêm trọng, người bệnh hãy thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe