Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Cơn đau quặn thận điển hình là tình trạng thường mắc phải của các bệnh nhân có các bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu (như sỏi thận, niệu quản, ung thư, lao thận,..). Bài viết này trình bày những hiểu biết về dấu hiệu cũng như cách xử trí và điều trị đối với bệnh nhân mắc cơn đau quặn thận điển hình.
1.Cơn đau quặn thận điển hình
1.1. Cơn đau quặn thận điển hình là gì?
Cơn đau quặn thận điển hình là hệ quả của việc đường dẫn tiểu bị tắc cấp tính gây nên tình trạng ứ nước tiểu và đột ngột căng tức vùng đài bể thận. Những nguyên nhân sâu xa của các cơn đau quặn thận điển hình có thể là sỏi tiết niệu, huyết khối ở vùng niệu quản hoặc khối u ngoài niệu quản gây chèn ép tắc ứ đường dẫn tiểu.
1.2. Dấu hiệu của cơn đau quặn thận điển hình
Biểu hiện của các cơn đau quặn thận điển hình đa phần bệnh nhân gặp phải là đau ở vùng bên phía bị ảnh hưởng, ở giữa các xương sườn và hông, cơn đau cũng lan tỏa đến vùng bụng dưới và xuống háng. Một cơn đau quặn thận điển hình thường theo đợt và kéo dài từ 20 đến 60 phút sau đó lắng xuống và đợt tiếp theo lại tái lặp.
Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp kèm theo của cơn đau quặn thận điển hình:
- Bí tiểu, khó tiểu hoặc đi tiểu nhiều bất thường
- Nước tiểu có màu từ hồng đến đỏ, đỏ nâu do có chứa máu
- Nước tiểu đục, có mùi hôi và chứa các hạt nhỏ
- Người bệnh mắc cơn đau quặn thận điển hình đôi khi cảm thấy buồn nôn
Khi gặp cơn đau quặn thận điển hình và có thêm một số triệu chứng sau đây thì người bệnh cần được đưa đi cấp cứu hoặc gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Bệnh nhân hoàn toàn không thể đi tiểu
- Sốt trên 38 °C
- Nôn liên tục và không thể kiểm soát được.
2.Xử trí cơn đau quặn thận
Cơn đau quặn thận điển hình là trường hợp cần được cấp cứu và thăm khám bởi bác sĩ tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế. Để xử trí cơn đau quặn thận, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân cũng như tránh nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Các chỉ số xét nghiệm giúp theo dõi cũng như tìm ra nguyên nhân để điều trị cơn đau quặn thận là:
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm ra các dấu hiệu của hồng niệu cầu, bạch cầu niệu, cấy tìm vi khuẩn nếu có nhiễm trùng.
- Phần đa các cơn đau quặn thận điển hình có nguyên nhân từ sỏi thận, niệu quản, các nguyên nhân như lao thận hoặc ung thư chiếm một tỉ lệ rất ít. Do đó siêu âm ổ bụng thường được chỉ định để xác định một số dấu hiệu như sỏi cản âm, đài bể thận bị giãn bất thường, hình ảnh giãn niệu quản cũng có thể được nhận diện.
- Chụp Xquang bụng giúp nhận diện hình ảnh sỏi hệ niệu cản quang. Những trường hợp khó tìm nguyên nhân cần chụp cắt lớp vi tính ổ bụng.
Trên thực tế, khi gặp các cơn đau quặn thận điển hình tức là bệnh nhân đã bị sỏi thận, niệu quản kích thước lớn hoặc các nguyên nhân khác mức độ nặng gây ứ tắc đường dẫn tiểu, cần nhanh chóng được cấp cứu điều trị.
3.Điều trị cơn đau quặn thận
Hướng chủ yếu của điều trị cơn đau quặn thận là làm giảm đau đớn cho bệnh nhân đồng thời nhanh chóng giải phóng các tác nhân như sỏi thận, niệu quản, máu đông, mủ gây ứ tắc đường dẫn tiểu.
3.1 Sử dụng thuốc trong điều trị cơn đau quặn thận
Một số loại thuốc dùng cho bệnh nhân mắc cơn đau quặn thận điển hình là thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc chống và giảm phù nề, co thắt, thuốc giãn cơ giúp giảm đau,...
3.2 Điều trị cơn đau quặn thận do nguyên nhân là sỏi thận
Trong một số trường hợp cơn đau quặn thận điển hình có nguyên nhân là do sỏi thận, nhưng nếu sỏi kích thước tương đối nhỏ, người bệnh không còn đau nhiều và đáp ứng tốt với các loại thuốc giảm đau mà bác sĩ kê, khi đó bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để điều trị cơn đau quặn thận do sỏi thận một cách dứt điểm, loại bỏ sỏi là con đường duy nhất được tiến hành. Ngoài điều trị nội khoa, còn có một số phương pháp can thiệp khác như:
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng cách sử dụng sóng xung giúp làm phá vỡ sỏi thành hạt nhỏ và dễ dàng ra ngoài theo đường nước tiểu.
- Tán sỏi qua da cũng là phương pháp thường được áp dụng để loại sỏi thận giúp điều trị cơn đau quặn thận một cách dứt điểm cho bệnh nhân.
- Tán sỏi qua nội soi niệu quản cũng được sử dụng để điều trị cơn đau quặn thận nhưng là phương pháp được sử dụng với tần suất thấp hơn.
- Trong trường hợp kích thước sỏi thận lớn hoặc tán sỏi không thành công, mổ nội soi là phương án cuối cùng được xem xét để điều trị cơn đau quặn thận cho bệnh nhân.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán cơn đau quặn thận
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.