Xoa bóp giúp giãn cơ thế nào?

Dạo gần đây, sự thay đổi của thời tiết cũng ảnh hưởng đến nhiều yếu tố nội môi của cơ thể, bao gồm sự kết tủa muối, độ nhớt của máu, nồng độ một số chất trung gian, thay đổi vận mạch... Những vấn đề này có thể gây ra tình trạng cơ và khớp căng cứng khó cử động, kèm theo là các cơn đau. Vậy thì làm thế nào để xoa bóp giãn cơ và hạn chế tình trạng này?

1. Nguyên nhân nào gây căng cơ - cứng khớp?

Căng cơ - cứng khớp có thể đem lại các cơn đau gây cản trở nhiều hoạt động thường ngày. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng cơ và cứng khớp được các chuyên gia nhận định bao gồm:

  • Ngủ không đủ giấc: đây là nguyên nhân phổ biến nhất, thường ngủ ít hơn giấc bình thường từ 2 - 3 tiếng.
  • Thường xuyên làm việc trước màn hình máy tính: việc này gây ra tình trạng căng cơ ở vùng cổ và lưng.
  • Đi, ngồi hoặc nằm sai tư thế trong thời gian dài.
  • Tập luyện quá mức một số môn thể thao kéo giãn người như đánh tennis, đánh cầu lông, chèo thuyền, bóng chày...

2. Xoa bóp giãn cơ - một phương pháp điều trị đau cơ xương khớp hiệu quả trong Đông Y

Đau nhức vùng cơ - xương - khớp nằm trong phạm vi chứng Tý, nghĩa là tắc nghẽn, trong quan niệm của Đông Y. Do đó, bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc giảm đau nhức, bạn có thể áp dụng bấm huyệt - xoa bóp giãn cơ nhằm cải thiện các triệu chứng, đồng thời góp phần phòng ngừa - điều trị một số bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp.

Nguyên lý điều trị đau nhức của liệu pháp xoa bóp giãn cơ dựa trên sự tác động đến các mô cơ thể, nhờ đó thúc đẩy dẻo dài, giảm căng thẳng. Liệu pháp này đã được chấp nhận trong cả Y học cổ truyền lẫn Y học hiện đại, được chứng minh là có nhiều tác dụng đối với:

  • Đau mỏi cơ bắp.
  • Các cơn đau có nguyên nhân từ chấn thương lưng.
  • Đau nhức toàn thân.
  • Mệt mỏi, đau, buồn nôn và nôn mửa, chứng lo âu, phiền muộn... ở bệnh nhân bị ung thư.

Bên cạnh đó, trị liệu đau nhức cơ xương khớp đã được ghi nhận là có hiệu quả đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân, có thể phòng tránh một số tổn thương ở bộ phận sinh dục của mẹ, đồng thời giảm nguy cơ táo bón mãn tính và kiểm soát chứng hen suyễn (nếu có).


Xoa bóp giãn cơ là phương pháp điều trị đau cơ xương khớp hiệu quả
Xoa bóp giãn cơ là phương pháp điều trị đau cơ xương khớp hiệu quả

3. Học cách xoa bóp khi bị căng cơ - cứng khớp giúp giảm đau ở nhiều vị trí

Xoa bóp vùng mặt và đầu

Động tác này bắt đầu bằng tư thế ngồi thẳng, ma sát thật nhanh và mạnh hai bàn tay vào nhau đến khi có cảm giác thật nóng.

Sau đó, ngửa đầu về đằng sau, đặt hai bàn tay áp vào vùng cằm dưới mắt, xoa dần từ dưới cằm lên đến phần đỉnh đầu, rồi di chuyển dần xuống phần gáy, xoa vùng cổ hai bên, rồi trở lại vị trí cằm ban đầu.

Thực hiện lại động tác xoa bóp trên khoảng 10 đến 20 lần mỗi liệu trình, mỗi ngày thực hiện từ 1 đến 2 liệu trình.

Cách xoa bóp khi bị căng cơ vùng vai và ngực

Đầu tiên, giữ tư thế ngồi thẳng và vòng hai tay về phía sau lưng, tìm kiếm và xác định vị trí huyệt Đại Chùy (ở bên dưới vị trí thứ 7 của gai đốt sống cổ).

Bắt đầu day và xoa vị trí huyệt đạo này dần dần từ dưới lên đến vai và vào trong cổm sau đó di chuyển xuống ngực tại vị trí đối diện với huyệt Đại Chùy.

Lặp lại động tác xoa bóp vai ngực này khoảng 10 - 20 lần trong mỗi đợt trị liệu.

Xoa bóp giãn cơ áp dụng cho chi trên (ngoài và trong)

Ngồi thẳng, đầu tiên xoa bóp từ phía ngoài của vùng vai, lan dần xuống vùng cánh tay, cẳng tay và cuối cùng là bàn tay.

Khi xoa đến bàn tay xoa đều mặt ngoài rồi xoa bóp mặt trong của bàn tay, từ đây, di chuyển ngược lên cẳng tay, canh tay và vai.

Xoa bóp tương tự như thao tác trên khoảng 10 - 20 lần mỗi tay.

Hướng dẫn xoa bóp chi dưới (phần trên và phần dưới)

Đầu tiên, đặt hai tay trên đùi và xoa bóp dần xuống trước đùi, cẳng chân và cuối cùng là mắt cá. Trong quá trình này, từ từ đưa chân lên cao.

Sau khi xoa bóp cẳng chân, vòng hai tay về đằng sau của cổ chân xoa bóp từ dưới lên tới phần đùi. Lúc này, dần dần hạ chân xuống.

Lặp lại các thao tác này khoảng 10 - 20 lần mỗi chân.

Xoa bóp bàn chân như thế nào?

Bàn chân là khu vực có nhiều huyệt đạo quan trọng. Xoa bóp bàn chân đúng cách không chỉ giúp giảm bớt các cơn đau tại khu vực này, mà còn giúp tinh thần sảng khoái hơn.

Đầu tiên, xoa lòng bàn chân (Bạn cùng có thể ma sát hai lòng bàn chân với nhau từ 10 - 20 lần) đến khi cảm giác nóng dần lên.

Sau đó, dùng tay xoa phía trong của bàn chân và xoa dần ra bên ngoài mu bàn chân.

Mỗi chu trình xoa bóp như trên được tính là một lần. Hãy thực hiện khoảng 10 - 20 lần cho mỗi bàn chân.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bấm và day ấn huyệt Dũng Tuyền của bàn chân. Cách xác định huyệt tương đối đơn giản: co bàn chân và ngón chân, khi đó, vùng lõm xuống ở khoảng 1⁄3 gan bàn chân trước chính là vị trí huyệt.

Xoa bóp giãn cơ giảm đau vùng vai gáy

Đầu tiên, hãy ma sát hai bàn tay vào vùng cổ đến khi cảm giác ấm nóng hơn. Sau đó, nắn bóp dần vùng cơ quanh cột sống cổ và vai, nắn bóp đến khi vùng da hơi ửng đỏ là đạt.

Trong thời gian này, hãy chú ý day nhấn điểm đau trong khoảng 1 phút. Cuối cùng, kiểm tra cơ quanh bả vai có dấu hiệu co cứng không, nếu có, hãy day nhẹ đến khi cơ thư giãn hoàn toàn.


Xoa bóp giãn cơ giúp tác động đến các mô cơ thể
Xoa bóp giãn cơ giúp tác động đến các mô cơ thể

4. Kết hợp thuốc xoa bóp giãn cơ để tăng hiệu quả điều trị

Bên cạnh học cách xoa bóp khi bị căng cơ, bạn cũng có thể sử dụng thêm một số loại thuốc xoa bóp giãn cơ dạng gel hoặc dạng kem ngoài da để gia tăng hiệu quả trị liệu.

Một số loại thuốc rất được ưa chuộng hiện nay là:

  • Dầu nóng của Hàn Quốc, hiệu Antiphlamine.
  • Kem Bengay Ultra Strength hỗ trợ giảm đau nhức nhanh chóng.
  • Thuốc xoa bóp giãn cơ Ammeltz Yoko Yoko của Nhật Bản.
  • Kem xoa bóp Arctic Ice Analgesic của Hoa Kỳ...

Có thể nói, liệu pháp điều trị xoa bóp giãn cơ đang dần được ưa chuộng bởi tính hiệu quả và độ an toàn cao. Bạn có thể áp dụng phương pháp xoa bóp để cải thiện các cơn đau nhức do căng cơ - cứng khớp ngay tại nhà.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe