Hỏi
Chào bác sĩ,
Mẹ em năm nay đã ngoài 60 tuổi và đã bị bệnh thoái hoá cột sống hơn 30 năm. Mẹ em đã đi khám nhiều và chữa trị nhiều nhưng vẫn không được gì vẫn đau ê ẩm thường xuyên, đặt biệt là những ngày trở trời bệnh nặng hơn đi lại khó khăn. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp em phương pháp điều trị thoái hoá cột sống? Xin cảm ơn bác sĩ.
Hồng (1989)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “ Phương pháp điều trị thoái hoá cột sống?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Thoái hóa cột sống là một thuật ngữ y khoa, bao gồm gai cột sống và thoái hóa đĩa đệm. Đây là một bệnh xương khớp rất phổ biến hay xảy ra với những người trong độ tuổi từ 35 trở lên. Bệnh thường xảy ra ở vùng cột sống cổ, cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng. Trong đó thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng là hay gặp nhất.
Nguyên nhân thoái hóa cột sống là hậu quả của nhiều yếu tố: Tuổi cao; nữ hay gặp hơn nam giới; nghề nghiệp lao động nặng; một số yếu tố khác như: Tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, loãng xương, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động,... Do tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa cột sống.
Thoái hóa cột sống có nguy cơ xảy ra cao ở nhóm đối tượng sau: Nghiên cứu từ Viện Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeon) cho biết, ước tính 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa cột sống. Với người dưới 45 tuổi, thoái hóa cột sống xuất hiện nhiều ở nam giới. Ngược lại sau 45 tuổi, tình trạng bệnh xuất hiện nhiều ở nữ giới. Người thừa cân, béo phì là đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống do trọng lượng cơ thể lớn khiến sụn khớp, đĩa đệm và xương dưới sụn bị tổn thương. Người có tiền sử chấn thương hoặc viêm xương khớp. Những người làm công việc văn phòng hoặc hoạt động thể lực mạnh.
Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa cột sống:
- Tập luyện một số bài tập tăng cường sức khỏe cột sống. Luyện tập có thể giúp hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống. Các bài tập giúp kéo giãn cột sống một cách tự nhiên, thúc đẩy phục hồi các tổn thương ở đốt sống, đồng thời hệ thống các khớp cũng trở nên linh hoạt và dẻo dai. Mặt khác, luyện tập thường xuyên là cách để người bệnh thoái hóa cột sống có tinh thần minh mẫn và cảm thấy thoải mái hơn. Các bài tập thể dục tốt cho cột sống như: Yoga, chạy bộ, đi bộ, tập bơi... Tuy nhiên nếu tập những bài không phù hợp có thể tạo áp lực thêm cho cột sống, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, cơn đau nhức vẫn kéo dài. Chính vì vậy, người bệnh rất cần nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn các bài tập phù hợp cho mình.
- Điều trị nội khoa: Để điều trị thoái hóa cột sống dựa theo triệu chứng lâm sàng, có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau như Paracetamol, thuốc chống viêm không Steroid, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm như Glucosamine Sulfate, thuốc ức chế IL1 và tiêm corticoid tại chỗ. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý, về cơ bản các loại thuốc chỉ hỗ trợ “khóa” cơn đau tạm thời, không thể phục hồi tác động tới các cấu trúc cột sống đã bị thoái hóa. Nếu ngưng sử dụng thuốc, các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn trước đây. Chưa kể, nhiều bệnh nhân vì mong muốn nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều lượng sử dụng thay vì dùng theo chỉ định của bác sĩ, dẫn đến hậu quả là suy giảm chức năng gan và thận, tăng nguy cơ loét thủng hoặc chảy máu dạ dày.
- Phẫu thuật cột sống: Phẫu thuật cột sống để giải quyết tình trạng thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống và hẹp ống sống kéo dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Theo nhận định của chuyên gia, phẫu thuật cột sống tương đối nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người bệnh.
Như vậy, đây là cách chữa thoái hóa cột sống nên được thực hiện sau cùng khi các phương pháp điều trị nội khoa không đạt kết quả, bệnh nhân và người nhà cần cân nhắc thật kỹ càng trước khi quyết định.
Ngoài ra có thể kết hợp: Châm cứu hỗ trợ giảm đau, trị liệu thần kinh cột sống kết hợp vật lý trị liệu.
Nếu bạn còn thắc mắc về thoái hoá cột sống, bạn có thể đưa mẹ đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.