Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương hiện đang là phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị loãng xương.
1. Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương là gì?
Xương liên tục được chuyển hóa qua các giai đoạn: Tiêu hủy xương bởi tế bào hủy xương (osteoclast) và hình thành xương bởi tế bào tạo xương (osteoblast).
Một vấn đề ở xương thường gặp chính là loãng xương (Osteoporosis). Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của xương, có liên quan tới tình trạng gia tăng quá trình hủy xương và giảm sự hình thành xương. Kết quả là xương bị mỏng, yếu, dễ dẫn đến gãy xương. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương gồm: Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, tiền sử gia đình bị loãng xương, ít vận động thể lực, có thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá hoặc mắc một số bệnh (thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ, bệnh nội tiết, bệnh xương khớp, bệnh suy thận mãn,...), sử dụng dài hạn một số loại thuốc (chống động kinh, trị tiểu đường, kháng viêm corticosteroid). Chẩn đoán sớm loãng xương sẽ giúp can thiệp điều trị sớm, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương.
Phương pháp đo mật độ xương đã và đang được sử dụng rộng rãi để xác định các bệnh loãng xương. Tuy nhiên, phương pháp này có một hạn chế là không thể giúp bác sĩ phát hiện được những thay đổi nhỏ trong quá trình chuyển hóa xương hoặc có thể theo dõi nhưng phải mất nhiều năm. Đồng thời, chi phí đo mật độ xương khá cao nên không được thực hiện thường xuyên. Trong khi đó, nếu theo dõi chất đánh dấu trong luân chuyển xương, bác sĩ có thể xác định được những chuyển biến của việc điều trị loãng xương trong một vài tháng sau điều trị.
Các chất đánh dấu trong luân chuyển xương được chứng minh là giúp dự đoán chính xác sự cải thiện sớm của mật độ xương và điều trị chống gãy xương. Bên cạnh đó, các chất đánh dấu này cũng có đóng góp trong việc xác định phương pháp điều trị có phù hợp với bệnh nhân hay không. Tuy nhiên, lượng chất đánh dấu trong luân chuyển xương thay đổi tùy theo thời gian trong ngày và khối lượng xương nên xét nghiệm này không thực sự hữu ích trong việc tầm soát bệnh loãng xương. Người ta chủ yếu sử dụng xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương để xác định ảnh hưởng của quá trình điều trị so với trước khi điều trị.
2. Các chất đánh dấu trong luân chuyển xương
- N-telopeptide và C-telopeptide (NTx và CTx) có trong collagen type 1 chiếm gần 90% nền xương. Khi xương bị phá hủy, NTx và CTx được đưa vào máu và thải ra ngoài qua nước tiểu. Các xét nghiệm NTx và CTx cho thấy khả năng đáp ứng sớm với điều trị khi sử dụng thuốc chống tái hấp thụ;
- Propeptide procollagen tuýp 1 tận cùng bằng amino (P1NP) tỷ lệ thuận với lượng collagen mới được nguyên bào xương sản xuất. Nồng độ P1NP tăng ở những bệnh nhân mắc các bệnh xương khác nhau. Xét nghiệm P1NP hữu ích trong việc theo dõi các liệu pháp hình thành xương và các liệu pháp kháng tái hấp thụ xương;
- Pyridinium (PYD) liên kết chéo: Tạo thành từ sự trưởng thành của collagen type 1 trong quá trình hình thành xương. Ở các trường hợp bị tiêu xương, PYD liên kết chéo được phóng thích tự do;
- Osteocalcin (hay Protein G1A xương - BGP) được sản xuất bởi nguyên bào xương, liên quan đến quá trình tạo xương và tiêu xương, là một chỉ số tốt về chuyển hóa xương. Tăng mức Osteocalcin có liên quan tới mất mật độ khoáng xương. Đây là protein phụ thuộc vào vitamin K nên nếu vitamin K giảm thì sẽ làm giảm BGP. Điều này giúp giải thích nguyên nhân loãng xương do thiếu vitamin K;
- Phosphatase kiềm đặc trưng của xương (BSAP): Tìm thấy trong màng tế bào của tế bào tạo xương, là một chỉ số biểu thị tình trạng trao đổi chất của tế bào tạo xương và hình thành xương.
3. Khi nào cần làm xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương?
- Thực hiện song song với các xét nghiệm khác như: Đo nồng độ canxi trong máu, đo nồng độ vitamin D, kiểm tra chức năng tuyến giáp và hormone tuyến cận giáp;
- Thực hiện khi bác sĩ phát hiện xương của bệnh nhân bị loãng dần bằng các xét nghiệm đo mật độ xương;
- Thực hiện khi bệnh nhân bị gãy xương không phải do nguyên nhân té ngã, va chạm;
- Thực hiện lặp lại 3 - 6 tháng sau khi điều trị loãng xương để kiểm tra xem các phương pháp điều trị có hiệu quả không.
4. Thực hiện xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương
4.1 Chuẩn bị
- Bệnh nhân trao đổi với bác sĩ về mục đích của xét nghiệm, quy trình thực hiện;
- Nhịn ăn 8 tiếng trước thời điểm xét nghiệm;
- Một số bệnh viện yêu cầu kiểm tra nước tiểu trong vòng 24 giờ.
4.2 Quy trình thực hiện
Xét nghiệm bằng nước tiểu
Lấy mẫu nước tiểu bằng cách bỏ mẫu nước tiểu đầu, lấy mẫu thứ hai để đảm bảo chính xác bằng cách:
- Lấy mẫu nước tiểu đầu tiên cách khoảng 30 - 40 phút trước thời gian phòng xét nghiệm yêu cầu lấy mẫu;
- Bỏ mẫu nước tiểu đầu tiên;
- Uống một ly nước;
- Lấy mẫu nước tiểu thứ 2.
Xét nghiệm bằng máu
- Nhân viên y tế quấn một dải băng quanh cánh tay để ngưng máu lưu thông, xác định vị trí lấy máu;
- Sát trùng vị trí lấy máu bằng cồn;
- Tiêm kim vào tĩnh mạch, gắn với một ống để máu chảy ra;
- Tháo dải băng quanh cánh tay sau khi lấy đủ máu;
- Ấn miếng băng gạc lên vị trí vừa tiêm;
- Dán băng cá nhân lên vị trí tiêm.
Sau đó, mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu sẽ được đưa đi xét nghiệm và trả kết quả lại cho bệnh nhân.
5. Đọc kết quả xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương
5.1 Kết quả bình thường
Kết quả bình thường thay đổi theo độ tuổi:
Chỉ số N-telopeptide
- Nước tiểu (nm BCE */mm creatinine):
- Nam: 21-83;
- Nữ, tiền mãn kinh: 17-94;
- Nữ, sau mãn kinh: 26-124.
- Huyết thanh (nm BCE *):
- Nam: 5,4-24,2;
- Nữ: 6,2-19,0.
Chỉ số C-telopeptide
- Nước tiểu (ng/ml):
- Người lớn: 1,03 ± 0,41;
- Trẻ em: 8,00 ± 3,37.
- Huyết thanh (pg/ml):
- Nam: 60-700;
- Nữ, tiền mãn kinh: 40-465;
- Nữ, sau mãn kinh: 104-1008.
Chỉ số Propeptide procollagen tuýp 1 tận cùng bằng amino
- Huyết thanh (lig/L)
- Nam: 22-105;
- Nữ, tiền mãn kinh: 19-101;
- Nữ, sau mãn kinh: 16-96.
Chỉ số Osteocalcin
- Huyết thanh (ng/ml) ở người lớn (> 22 tuổi):
- Nam: 5,8-14,0;
- Nữ: 3,1-14,4.
Chỉ số Pyridium
- Nước tiểu (nm/mm):
- Nam: 10,3-33,6;
- Nữ: 15,3-33,6.
Chỉ số Phosphatase kiềm đặc trưng của xương
- Huyết thanh (mg/l):
- Nam: 6,5-20,1;
- Nữ, tiền mãn kinh: 4,5-16,9;
- Nữ, sau mãn kinh: 7,0-22,4.
5.2 Kết quả bất thường
- Các chất đánh dấu trong luân chuyển xương tăng nồng độ khi: Mắc bệnh loãng xương, có khối u xương, bệnh Paget xương, cường cận giáp, cường giáp, u tuyến yên thể to đầu chi,...
- Các chất đánh dấu trong luân chuyển xương giảm nồng độ khi: Suy tuyến giáp, suy tuyến cận giáp, đang điều trị bằng cortisol hoặc đang trị liệu.
*Lưu ý về kết quả xét nghiệm
- Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương qua nước tiểu của một người có thể chênh lệch tới 30% dù làm xét nghiệm trong một ngày. Việc bỏ nước tiểu đầu, lấy nước tiểu thứ hai vào buổi sáng khi thu thập mẫu nước tiểu có thể làm giảm khả năng ra kết quả sai lệch;
- Dùng thuốc (như testosterone) có thể làm giảm mức NTx.
Xét nghiệm chất đánh dấu trong luân chuyển xương thường được sử dụng để theo dõi việc điều trị các bệnh ở xương. Khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ.
Bệnh nhân bị loãng xương có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cơ xương khớp được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.
Để được tư vấn chi tiết về bệnh loãng xương, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Video đề xuất:
Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!
XEM THÊM: