Dấu hiệu liền xương sau bó bột

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, chấn thương.

Bó bột là phương pháp bất động để điều trị các trường hợp tổn thương cơ xương khớp, đặc biệt là gãy xương. Khi được bó bột thì người bệnh bắt buộc phải bất động vị trí được bó bột cho đến khi lành và chú ý theo dõi các dấu hiệu xương đang lành.

Khi bó bột để điều trị bệnh gãy xương thì có lẽ vấn đề được quan tâm nhất chính là bó bột bao lâu thì liền, dấu hiệu nhận biết xương đang liền là như thế nào để có thể sinh hoạt và làm việc bình thường trở lại. Tuy nhiên quá trình liền xương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

1. Tìm hiểu về phương pháp bó bột điều trị gãy xương

Bó bột là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị cho bệnh nhân bị gãy xương. Để tiến hành phương pháp này thì đòi hỏi người bệnh phải bất động xương gãy và giữ cho xương ở tư thế giải phẫu để thúc đẩy quá trình liền xương, đồng thời, bó bột giúp bảo vệ vị trí tổn thương và giúp phần mềm nhanh chóng hồi phục (nếu có tổn thương phần mềm).

Đặc biệt, phương pháp bó bột còn giúp bệnh nhân giảm đau, giảm co cơ sau chấn thương và giảm sưng nề. Trong một số trường hợp, người bệnh bó bột xương phải nằm bất động tạm thời trong thời gian chờ phẫu thuật.

2. Gãy xương ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Trường hợp người bệnh bị gãy xương là do tai nạn hoặc tác động nào đó của ngoại lực không giống như mắc phải các bệnh lý về cơ xương khớp, chính vì thế, tùy vào mức độ và tình trạng gãy xương mà nó có thể gây ra những ảnh hưởng bình thường hay nghiêm trọng đến người bệnh.

Khi bị gãy xương, người bệnh sẽ bị thay đổi xương và phần mềm xung quanh, các cục máu đông sẽ được hình thành và làm tắc các mạch máu nhỏ xung quanh tổn thương, đồng thời, các cấu trúc mạch máu của tủy xương cũng sẽ bị thay đổi và cấu trúc lại. Một số ảnh hưởng của gãy xương tức thời đến bệnh nhân có thể là:

  • Bệnh nhân sẽ có biểu hiện ban đầu là sốc do đau hoặc mất máu;
  • Da xanh tái, vã mồ hôi lạnh;
  • Nếu quá đau, mất máu ở các vùng xương chủ lực thì có thể sẽ khiến người bệnh thấy choáng váng, ngất xỉu;
  • Bị tổn thương các mạch máu do xương bị gãy hoặc chèn ép;
  • Có thể bị tắc mạch ở phổi, thận, não hoặc các chi ngoại biên do hậu quả của gãy xương.

3. Quá trình liền xương sau bó bột như thế nào?


Quá trình liền xương sau bó bột như thế nào?
Quá trình liền xương sau bó bột như thế nào?

Trong vòng 24 giờ sau khi bị gãy xương thì các tế bào tủy xương sẽ chuyển dạng thành các tế bào đa hình thái và có xu hướng biến đổi thành các tạo cốt bào. Cùng với đó, tại vị trí gãy xương sẽ xuất hiện 2 quá trình hay hiện tượng liền xương, được gọi là liền xương nguyên phát và liền xương thứ phát.

3.1 Quá trình và dấu hiệu liền xương nguyên phát

Liền xương nguyên phát hay còn gọi là liền xương trực tiếp là hiện tượng cấu trúc lại sự liên tục của vỏ xương cứng ở người bệnh. Kiểu liền xương này đòi hỏi sự cố định ổ gãy phải vững chắc, chính vì thế trường hợp này thường gặp ở người bệnh gãy xương sau khi kết hợp xương.

Dấu hiệu liền xương nguyên phát chính là tại khu vực 2 đầu xương gãy sẽ hình thành các mạch máu nhỏ và các tế bào có nguồn gốc trung mô sẽ xuất hiện và biệt hóa thành các tạo cốt bào. Đồng thời, tại vị trí đầu các xương bị gãy sẽ xuất hiện hiện tượng tiêu xương sinh lý và dần hình thành cầu xương trực tiếp qua khoảng trống giữa 2 đầu xương.

Quá trình liền xương này còn được gọi cách khác là lấp khoảng trống. Sau khi quá trình liền xương nguyên phát hình thành thì sẽ xảy ra rất ít sự hình thành can xương và ổ gãy hầu như bị thay thế bởi cầu can trực tiếp mới.

3.2 Quá trình và dấu hiệu liền xương thứ phát

Liền xương thứ phát hay còn gọi là liền xương gián tiếp, là một quá trình khác hoàn toàn so với liền xương nguyên phát, nó có sự liên quan chặt chẽ đến vai trò của màng xương.

Khi quá trình liền xương thứ phát diễn ra, việc cấp máu cho ổ gãy của tủy xương bị gián đoạn và màng xương sẽ nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp chính cho ổ gãy. Các tế bào của màng xương dưới sự hoạt hóa nhanh chóng sẽ hình thành nên các cấu trúc xương tương tự như tình trạng canxi hóa trong màng xương và hình thành cấu trúc xương nội tủy. Đồng thời với sự canxi hóa của màng xương quanh ổ gãy thì sẽ tạo nên cấu trúc can xương cứng, khi cấu trúc can xương cứng tăng dần về kích thước thì tại vị trí gãy, xương mới sẽ được hình thành tương tự như sự canxi hóa tủy xương và có quá trình tương tự như quá trình phát triển xương.

Thông thường, với mọi kiểu gãy xương thì đều có thể xuất hiện cả 2 kiểu liền xương nguyên phát và thứ phát. Tuy nhiên, mỗi trường hợp sẽ có ưu thế riêng, nếu là kết hợp xương thì liền xương nguyên phát sẽ chiếm ưu thế hơn, còn điều trị bảo tồn hay sử dụng các kỹ thuật ít xâm lấn thì liền xương thứ phát sẽ chiếm ưu thế.

Quá trình xương đang liền diễn ra nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tuổi tác của người bệnh. Đặc biệt, để quá trình liền xương diễn ra suôn sẻ thì người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về chế độ vận động, sinh hoạt và dinh dưỡng hàng ngày.


Quá trình xương đang liền diễn ra nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tuổi tác của người bệnh
Quá trình xương đang liền diễn ra nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, tuổi tác của người bệnh

4. Lưu ý quan trọng sau khi bó bột chữa gãy xương

Ngoài việc chú ý đến các dấu hiệu xương đang lành thì người bệnh còn cần thực hiện các lưu ý sau để giúp cho quá trình liền xương diễn ra nhanh hơn.

  • Trong khoảng 72 giờ đầu sau khi bó bột, người bệnh sẽ có cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại, cần phải thông báo cho bác sĩ để nới bột kịp thời, tránh dẫn đến tình trạng chèn ép bên trong bột;
  • Nên kê cao vị trí được bó bột để tránh phù nề;
  • Cần gồng cơ trong bột đúng cách và thường xuyên để tránh rối loạn dinh dưỡng, cơ teo và xương chậm lành;
  • Cố gắng vận động các phần cơ thể không bị bất động để giúp lưu thông máu, tránh bị cứng khớp;
  • Luôn giữ cho bột khô và chú ý khi vệ sinh, tắm rửa vì nếu bột bị dính nước sẽ gây mùi hôi và hỏng bột;
  • Khi bị ngứa không nên dùng cây chọc vào để gãi vì như vậy có thể làm da bị nhiễm trùng;
  • Thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.

Luôn giữ cho bột khô
Luôn giữ cho bột khô

5. Phương pháp hỗ trợ giúp xương nhanh liền

Một số trường hợp người bệnh mặc dù được bó bột nhưng vẫn có dấu hiệu xương không lành, chính vì thế, tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ, thăm khám sức khỏe thường xuyên là điều rất quan trọng trong quá trình bó bột gãy xương. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp tự nhiên hỗ trợ xương nhanh liền như:

  • Tăng cường dinh dưỡng;
  • Tập luyện để kích thích cơ sinh học có thể giúp tăng cường phục hồi gãy xương thông qua cơ chế tái sinh, đồng thời khôi phục sức mạnh cấu trúc của xương khi nó được chữa lành hoàn toàn;
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày;

Tóm lại, khi gãy xương thì phải cần nhiều thời gian, có thể là vài tuần, vài tháng để phục hồi tổn thương và xương liền lại. Ban đầu, người bệnh có thể xuất hiện các cơn đau, tuy nhiên, hết đau chưa phải là xương đã liền chắc. Do đó, chỉ được tháo bột khi xương đã liền vững chắc và được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý tháo bột kể cả khi thấy các dấu hiệu liền xương vì nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da, hoặc xương không liền nếu chưa đủ thời gian bó bột. Sau khi tháo bột nên tập phục hồi chức năng để giúp nhanh chóng phục hồi sức mạnh của cơ và biên độ vận động của khớp.

Nếu không muốn bó bột khi gãy xương vì lo ngại thời gian lành lâu, bất tiện và có nguy cơ biến chứng, người bệnh có thể lựa chọn phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng đang được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng. Đây là phương pháp điều trị gãy xương không cần bó bột mới được áp dụng trong vài năm trở lại đây, với các ưu điểm sau:

  • Ít tổn hại phần mềm xung quanh, thời gian mổ ngắn, bộc lộ chính xác vị trí ổ gãy, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau mổ, giảm đau trong mổ và sau mổ tốt, tạo điều kiện tập phục hồi chức năng sớm, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường;
  • Có tính thẩm mỹ cao, bệnh nhân không cần bó bột, giảm thiểu biến chứng

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe