Câu hỏi vỡ xương bánh chè bao lâu thì đi được là một vấn đề đang được nhiều người quan tâm, bởi xương bánh chè đóng vai trò quan trọng trong hệ thống duỗi gối. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về thời gian hồi phục sau khi xương bánh chè bị vỡ và khi nào có thể bắt đầu đi lại bình thường.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSNT Võ Sỹ Quyền Năng - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp gối và cổ chân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Các loại vỡ xương bánh chè
Xương bánh chè đóng vai trò quan trọng trong hệ thống duỗi gối. Khi có một lực tác động mạnh lên đầu gối, xương bánh chè sẽ bị ảnh hưởng và gãy. Tuy nhiên, tỷ lệ gãy xương bánh chè chỉ chiếm khoảng 2-4% trong tổng số các trường hợp gãy xương.
Có nhiều loại vỡ xương bánh chè, được phân loại như sau:
- Gãy có di lệch: Sau khi chấn thương xảy ra, các mảnh xương thường bị kéo ra hai phía, tạo thành một khoảng trống ở giữa. Kiểu gãy nghiêm trọng là mặt khớp xương bánh chè bị di lệch.
- Gãy không di lệch: Các mảnh xương có khả năng vẫn tiếp xúc hoặc cách nhau một chút (dưới milimet) sau khi bị chấn thương. Trong trường hợp này, bác sĩ thường cho cố định khớp gối để xương tự phục hồi.
- Gãy xương thành nhiều mảnh: Tình trạng gãy xương trong trường hợp này rất nghiêm trọng, các mảnh xương có thể di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu hoặc bị vỡ thành nhiều mảnh hơn.
- Gãy hở xương bánh chè kiểu : Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất, ổ gãy có kèm rách da thông với môi trường bên ngoài, có thể gây ra biến chứng viêm xương hoặc nhiễm trùng khớp. Tình trạng này cần điều trị cấp cứu.
- Gãy kiểu bong giật: Điểm bám vào xương của gân cơ tứ đầu hoặc gân bánh chè bị bong giật ra gây mất chức năng duỗi gối.
- Gãy bong mảnh sụn xương bánh chè: Kiểu gãy này thường khó chẩn đoán bằng phim X-quang thông thường. Nếu gãy bong mảnh sụn vào trong khớp gối, cần tiến hành phẫu thuật.
Thường thì khi gặp chấn thương ở khớp gối, người bệnh không thể biết chắc chắn liệu họ đã tổn thương xương bánh chè hay không. Vì vậy, người bệnh cần nghỉ ngơi và hạn chế vận động để theo dõi trong thời gian này. Cách giảm đau hiệu quả trong thời điểm này là chườm lạnh khoảng 20 phút và lặp lại quá trình này cho đến khi cảm thấy đỡ đau.
2. Điều trị gãy xương bánh chè
Trong trường hợp tình trạng sưng phù và đau nhức không giảm đi, có thể người bệnh đã bị tổn thương gãy hoặc vỡ xương bánh chè. Trong tình huống này, người nhà nên đưa người bị chấn thương đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.
- Điều trị bảo tồn: Thường được áp dụng cho các trường hợp vỡ xương bánh chè dạng nứt rạn, không di lệch (2 mảnh và mặt khớp bánh chè không bị chênh). Ngoài ra, phương pháp này thường áp dụng cho người cao tuổi không thể đi lại hoặc có các bệnh nội khoa nặng. Phương pháp điều trị bảo tồn thường dùng là bó bột dạng ống ở tư thế duỗi gối, bột bằng thạch cao, nhựa thủy tinh, bột dạng lưới...
- Điều trị phẫu thuật: Thường được thực hiện khi xương bánh chè vỡ di lệch các mảnh cách nhau trên 3mm, gãy có chênh lệch mặt khớp trên 2mm, có mảnh xương rời bị di lệch vào trong khớp gối, gãy hở. Có nhiều phương pháp phẫu thuật như mổ buộc vòng chỉ thép, mổ buộc néo ép số 8, mổ bắt vít
Trong trường hợp xương vỡ vụn quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định mổ bỏ xương bánh chè hoặc thay thế xương bánh chè. Sau phẫu thuật, nếu cảm thấy xương cố định chưa đủ vững ổn định, người bệnh cần được bó bột hoặc đeo nẹp đùi cẳng bàn chân tăng cường.
3. Vỡ xương bánh chè bao lâu thì đi được?
Thời gian hồi phục sau vỡ xương bánh chè phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau:
3.1 Thời gian điều trị:
Nếu tình trạng gãy xương bánh chè được chẩn đoán, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, xương sẽ liền lại hoàn toàn và người bệnh có thể đi lại bình thường sau khoảng 3 tháng. Quá trình tập phục hồi chức năng và tập đi sẽ bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên sau mổ.
Ngược lại, nếu không được điều trị hoặc chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải các biến chứng như viêm nhiễm, teo cơ tứ đầu đùi, xơ hoá các dây chằng bao khớp, gây hạn chế chức năng của khớp gối cũng như có thể xảy ra hiện tượng liền lệch xương bánh chè.
3.2 Biến chứng:
Trong trường hợp phát sinh biến chứng ví dụ như xương không liền, hạn chế tầm vận động khớp, người bệnh cần tiếp tục điều trị các biến chứng này làm tăng thời gian hồi phục.
4. Phương pháp điều trị
4.1 Đối với bệnh nhân bó bột
Trong tuần đầu tiên sau khi xương bánh chè được bó bột và cố định, bệnh nhân có thể bắt đầu vận động nhẹ nhàng hàng ngày, thực hiện các động tác như tập co cơ, tập đứng dậy hoặc đi lại với sự hỗ trợ của nạng.
Đồng thời, người chấn thương nên áp dụng các phương pháp giảm đau như điện xung và xoa bóp để ngăn chặn sự co cứng của khớp gối.
Đối với bệnh nhân bó bột, vỡ xương bánh chè bao lâu thì đi được phụ thuộc vào việc người bệnh có tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện các bài tập thường xuyên hay không, bởi điều này sẽ giúp bệnh nhân nhanh hồi phục và trở lại sinh hoạt bình thường.
4.2 Đối với bệnh nhân phẫu thuật
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật thường kéo dài hơn do ảnh hưởng từ vết thương, nhiễm trùng và các yếu tố khác. Để phục hồi hoàn toàn, quá trình thường mất hơn 3 tháng.
4.3 Phương pháp hỗ trợ
Việc thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tuần hoàn máu, ngăn ngừa teo cơ đùi và giảm nguy cơ cứng khớp ở người bị gãy xương bánh chè, từ đó giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện vật lý trị liệu để giảm đau sau quá trình điều trị.
4.4 Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống
Nếu người bệnh gãy xương bánh chè tích cực bổ sung canxi và các loại vitamin tốt cho xương khớp trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Trong quá trình điều trị vỡ xương bánh chè, người bệnh cần tuân thủ các lưu ý sau để quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng:
- Nghỉ ngơi đúng lúc.
- Tránh làm việc nặng, vận động mạnh.
- Thực hiện các bài tập thể dục thể thao phù hợp.
Việc vỡ xương bánh chè bao lâu thì đi được phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, khi gặp phải chấn thương đầu gối, quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và thực hiện các biện pháp sơ cứu cần thiết. Sau đó, người bệnh nên được chuyển ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hơn nữa, việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng giúp bệnh nhân cải thiện và phục hồi sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.