Viêm tụy tự miễn là một trong các bệnh lý tự miễn của con người. Viêm tụy tự miễn chỉ mới được khám phá ra gần đây (trước đó thường nhầm với bệnh lý khác), phát hiện nay đóng vai trò quan trọng giúp việc điều trị trở nên hiệu quả hơn.
1. Viêm tụy tự miễn là gì?
Viêm tụy tự miễn là một loại viêm mạn tính do hệ miễn dịch tự tấn công chính tụy của cơ thể làm hạn chế hoặc không sản xuất insulin dẫn đến đái tháo đường; không đảm bảo chức năng tiết men tiêu hóa khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng hoặc gây nên các hậu quả như tổn thương mắt, tăng huyết áp, loét bàn chân....
Viêm tụy tự miễn được phân làm hai loại là viêm tụy tự miễn typ 1 và viêm tụy tự miễn typ 2.
Viêm tụy tự miễn typ 1 còn được gọi là viêm tụy liên quan tới IgG4 thường ảnh hưởng tới nhiều cơ quan bao gồm tụy, đường mật trong gan, tuyến nước bọt, thận và hạch bạch huyết.
Viêm tụy tự miễn type 2 còn được gọi là viêm tụy ống trung tâm vô căn (idiopathic duct - centric pancreatitis), chỉ ảnh hưởng tới tụy.
Viêm tụy tự miễn là một bệnh hiếm gặp, cho đến hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh, do đó chẩn đoán đúng góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh.
2. Các yếu tố nguy cơ của viêm tụy tự miễn
Những người mắc viêm tụy tự miễn type 1 thường:
- Trên 60 tuổi.
- Là nam giới.
Những người mắc viêm tụy tự miễn type 2:
- Thường trên 40 tuổi (trẻ hơn những người mắc viêm tụy tự miễn typ 1 từ 10 tới 20 tuổi).
- Tỉ lệ mắc ở nam giới và nữ giới như nhau.
- Thường mắc bệnh viêm đại tràng (chẳng hạn như viêm loét đại tràng).
Viêm tụy tự miễn có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau:
- Suy tụy: Viêm tụy tự miễn gây ảnh hưởng tới khả năng sản xuất enzyme của tụy. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện là tiêu chảy, sụt cân, bệnh xương chuyển hóa, thiếu vitamin và khoáng chất.
- Đái tháo đường: Tụy là cơ quan sản xuất insulin, do đó khi tụy bị tổn thương có thể gây ra đái tháo đường.
- Vôi hóa tụy, sỏi tụy.
Việc điều trị viêm tụy tự miễn (chẳng hạn như dùng steroid kéo dài) cũng có thể gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, dù có xảy ra biến chứng thì những người được điều trị viêm tụy tự miễn vẫn có chất lượng cuộc sống đảm bảo.
3.Các triệu chứng của viêm tụy tự miễn
Viêm tụy tự miễn khá khó để chẩn đoán. Thông thường viêm tụy tự miễn không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, mà nếu có xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng thì chúng lại tương tự như đối với ung thư tụy.
Các triệu chứng của ung thư tụy bao gồm:
- Nước tiểu sẫm màu.
- Phân nhạt màu, hoặc phân nổi trong bồn cầu.
- Vàng da, vàng mắt.
- Đau bụng trên hoặc đau vùng giữa lưng.
- Buồn nôn, nôn.
- Yếu hoặc cực kỳ mệt mỏi.
- Mất cảm giác thèm ăn, cảm thấy đầy bụng.
- Sụt cân không rõ lý do. Dấu hiệu thường thấy nhất của viêm tụy tự miễn là vàng da không đau, do đường mật bị chèn tắc. Viêm tụy tự miễn cũng có thể gây ra sụt cân. Nhiều bệnh nhân mắc viêm tụy tự miễn xuất hiện các khối bất thường trong tụy và các cơ quan khác, do đó dễ nhầm lẫn thành ung thư.
Các khác biệt giữa viêm tụy tự miễn typ 1 và viêm tụy tự miễn typ 2 khác bao gồm:
- Viêm tụy tự miễn typ 1 có thể ảnh hưởng tới cả các cơ quan khác ngoài tụy, còn viêm tụy tự miễn typ 2 chỉ ảnh hưởng tới tụy, mặc dù viêm tụy tự miễn typ 2 có mối liên hệ với bệnh lý tự miễn khác là bệnh viêm đại tràng.
- Viêm tụy tự miễn typ 1 đáp ứng nhanh với điều trị bằng steroid.
- Viêm tụy tự miễn typ 1 dễ tái phát sau khi ngừng điều trị.
4. Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ
Viêm tụy tự miễn thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng hãy đi thăm khám bác sĩ nếu thấy sụt cân không rõ nguyên nhân, đau bụng, vàng da, hoặc khi có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ khác.
5. Chẩn đoán viêm tụy tự miễn
Viêm tụy tự miễn thường khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng dễ nhầm lẫn với ung thư tụy. Tuy nhiên, chẩn đoán đúng rất quan trọng vì hai bệnh có phương pháp điều trị khác nhau.
Bệnh nhân mắc viêm tụy tự miễn thường có tụy tăng kích thước, nhưng cũng có thể xuất hiện khối bất thường trong tụy.
Không có một xét nghiệm đơn thuần nào có thể xác định viêm tụy tự miễn. Đôi khi cần tới phẫu thuật để chẩn đoán loại trừ ung thư tụy.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm nội soi, nội soi mật tụy ngược dòng.
- Xét nghiệm máu: Những người viêm tụy tự miễn typ 1 thường có nồng độ IgG4 tăng trong máu.
- Sinh thiết lõi qua nội soi.
- Điều trị thử với steroid: Bởi vì viêm tụy tự miễn là bệnh lý tụy duy nhất đáp ứng với steroid, nên có thể sử dụng phương pháp này để xác định chẩn đoán.
6. Điều trị viêm tụy tự miễn
- Steroid: Viêm tụy tự miễn đáp ứng rất tốt với steroid, một số người thậm chí đáp ứng cực kì nhanh.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Khoảng 30 - 50% số bệnh nhân sau khi điều trị bị tái phát viêm tụy tự miễn, do đó để tránh các tác dụng phụ do việc điều trị steroid kéo dài gây ra, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc ức chế miễn dịch.
- Điều trị suy tụy: Sử dụng các enzyme tụy bổ sung bằng các dược phẩm kê đơn như Creon, Pancreaze, Zenpep, Pertzye.
- Điều trị đái tháo đường.
- Theo dõi các cơ quan khác: Vì viêm tụy tự miễn typ 1 có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác.
Viêm tụy mạn là một bệnh lý mạn tính nặng nề trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Do chức năng của tuyến tụy nên đến nay vẫn chưa thể tái lập hoàn toàn bằng nhân tạo được. Tuy nhiên, có kiến thức để đề phòng bệnh lý này, phát hiện và tích cực điều trị ngay từ đầu sẽ phần nào thuyên giảm được những tác động nặng nề mà bệnh gây ra.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org