Viêm khớp dạng thấp ở mẹ bầu là một vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Nhìn chung, việc áp dụng các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp trong trường hợp này cần phải được thực hiện một cách thật cẩn thận, dưới sự hướng dẫn chuyên môn từ bác sĩ để đảm bảo sự an toàn cho mẹ và bé. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng viêm khớp dạng thấp ở mẹ bầu.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Đỗ Thiên Ân - thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm khớp dạng thấp ở mẹ bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Mặc dù bất cứ ai cũng có thể bị viêm khớp dạng thấp (RA), nhưng tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh RA gấp 3 lần ở nam giới. Nhiều phụ nữ được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi từ 20 đến 30, độ tuổi thích hợp cho việc lập gia đình và tính tới kế hoạch mang thai. Với những triệu chứng đau khớp, mệt mỏi cùng tác dụng phụ của thuốc, viêm khớp dạng thấp khiến việc lập kế hoạch mang thai càng trở nên khó khăn hơn.
Bệnh viêm khớp dạng thấp không ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, ngay cả khi bệnh diễn ra trong suốt quá trình mang thai . Mặc dù có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể đối mặt với nguy cơ sảy thai hoặc sinh con nhẹ cân nhưng trường hợp vẫn có một thai kỳ bình thường, không có biến chứng.
2. Ảnh hưởng của viêm khớp dạng thấp đến khả năng mang thai
Trên thực tế, nhiều phụ nữ mắc RA cần nhiều thời gian hơn để thụ thai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do rụng trứng không đều, giảm ham muốn tình dục, quan hệ tình dục không thường xuyên do đau và mệt mỏi.
Trong khi đó, ở nam giới, các đợt bùng phát cấp tính của RA làm giảm tạm thời số lượng và chức năng của tinh trùng, gây ra các vấn đề về cương cứng và giảm ham muốn tình dục.
Đối với cả nam và nữ, việc điều trị RA hiệu quả có thể cải thiện được các triệu chứng và chức năng tình dục. Với phương pháp điều trị phù hợp, khả năng sinh sản của bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng.
3. Lựa chọn phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp an toàn cho thai kỳ
Việc lựa chọn phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp ở mẹ bầu trong thai kỳ cần được thực hiện cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa. Nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp - bao gồm methotrexate (Otrexup, Rheumatrex, Trexall) và leflunomide (Arava) - có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Đáng chú ý, nam giới sử dụng các loại thuốc này trước khi làm cha cũng có nguy cơ gây dị tật thai nhi.
Chính vì thế, việc tham khảo ý kiến bác sĩ và xem xét thay đổi phương pháp điều trị vài tháng trước khi có kế hoạch mang thai là điều hết sức cần thiết. Phụ nữ mang thai cần có sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ để có thể sử dụng thuốc và áp dụng phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp một cách an toàn.
4. Những điều cần lưu ý về điều trị viêm khớp dạng thấp ở mẹ bầu và sau sinh
Lập kế hoạch mang thai cẩn thận là điều rất quan trọng đối với phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp. Trong suốt thời gian mang thai và giai đoạn sau sinh, bệnh nhân cần chú ý đến các vấn đề sau để đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé:
4.1 Kiểm soát cân nặng
Dù bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giảm nhẹ trong thời gian mang thai nhưng sự tăng cân không kiểm soát sẽ làm tăng áp lực lên các khớp xương. Phụ nữ nên theo dõi và duy trì cân nặng trong giới hạn mà bác sĩ đã khuyến nghị.
4.2 Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất
Việc tăng cường canxi và vitamin D là cần thiết để phòng ngừa loãng xương do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị viêm khớp. Hãy thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng các loại bổ sung này.
4.3 Tập thể dục sau khi sinh
Sau khi sinh, phụ nữ thường không có thời gian và năng lượng để tập thể dục, nhưng việc tập luyện có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý và sức khỏe cho các khớp. Tập thể dục cũng giúp làm giảm độ cứng và đau nhức tại các khớp.
4.4 Chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
Người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm tốt cho tim là hết sức quan trọng trong suốt thai kỳ. Phụ nữ nên ưu tiên chế độ ăn ít chất béo, giàu carbohydrate và chất xơ bao gồm nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
Chọn lựa các loại chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu cải, các loại cá, và các loại hạt như quả óc chó và hạnh nhân cũng rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần hạn chế các loại chất béo không lành mạnh có trong thịt, thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn. Hãy nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng giúp phụ nữ lập kế hoạch ăn uống phù hợp trong thai kỳ.
4.5 Tránh các thực phẩm gây bùng phát bệnh viêm khớp dạng thấp ở mẹ bầu
Mặc dù không có mối liên kết cụ thể giữa chế độ ăn và viêm khớp dạng thấp, một số phụ nữ nhận thấy rằng một số thực phẩm khiến họ cảm thấy tình trạng viêm khớp trở nên tệ hơn. Nếu có bất kỳ thực phẩm nào có xu hướng gây ra các cơn bùng phát, chị em phụ nữ hãy tránh sử dụng những loại thực phẩm đó sau khi sinh.
Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và mang thai của phụ nữ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ y tế thích hợp, nhiều phụ nữ mắc viêm khớp dạng thấp vẫn có thể thụ thai và sinh con thành công. Việc lập kế hoạch mang thai cẩn thận và theo dõi sức khỏe thai kỳ chặt chẽ là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.