Viêm khớp có ăn được tôm không là câu hỏi được nhiều người quan tâm, bởi tôm là thực phẩm giàu protein và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, với người mắc viêm khớp, tôm cũng chứa purin - chất có thể làm tăng axit uric và ảnh hưởng đến các khớp. Vậy, tôm có tốt cho bệnh nhân viêm khớp hay không?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về viêm khớp
Viêm khớp là một tình trạng bệnh lý tương đối phổ biến, vì thế cũng có nhiều người mắc phải. Trong cơ thể người, các khớp đóng vai trò kết nối xương với nhau và tạo ra một hệ xương khớp hoàn chỉnh.
Có khoảng 250 đến 350 khớp khác nhau trong cơ thể con người và bất kỳ khớp nào trong số này đều có thể bị viêm. Bệnh viêm khớp cũng có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, người bệnh có thói quen vận động mạnh hoặc cường độ cao sẽ dễ mắc bệnh này hơn.
Có hai loại viêm khớp thường gặp nhất bao gồm:
- Thoái hoá khớp: Đây là một tình trạng bệnh xảy ra khi dây chằng, đầu xương, bao hoạt dịch hoặc sụn khớp bị tổn thương. Khi mắc thoái hoá khớp, bệnh nhân sẽ bị đau và hạn chế khả năng vận động. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị lệch xương hoặc trật xương.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn và xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các khớp hoặc màng hoạt dịch của khớp và gây ra tổn thương cho khớp.
Nhìn chung, bệnh nhân bị viêm khớp rất cần một chế độ ăn uống khoa học để cải thiện tình trạng bệnh. Dù không có một chế độ ăn nào có thể giúp chữa hoàn toàn bệnh nhưng có một số loại thực phẩm nhất định có khả năng hỗ trợ và cải thiện tình trạng khớp. Ngược lại, cũng có một số loại thực phẩm có thể làm tình trạng viêm khớp của người bệnh trầm trọng hơn.
Do đó, nhiều bệnh nhân có thể thắc mắc rằng liệu viêm khớp có ăn được tôm không hay phải hạn chế và né tránh loại thực phẩm này. Bên cạnh tôm, một số thực phẩm khác cũng được bệnh nhân tìm hiểu để xem liệu có phù hợp với bản thân mình hay không.
2. Viêm khớp có ăn được tôm không?
Theo nhiều chuyên gia, tôm có thể được tiêu thụ nhưng chỉ với một lượng nhỏ. Tôm là một trong những loại thực phẩm có chứa hàm lượng purin cao nhất. Khi hấp thụ vào cơ thể, purin sẽ chuyển hoá thành axit uric - một chất có hại cho xương khớp.
Khi nồng độ axit uric trong máu cao, việc điều trị viêm khớp sẽ gặp nhiều cản trở. Không chỉ vậy, axit uric cũng góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm khớp. Bên cạnh đó, tôm cũng chứa nhiều iot - một chất có thể khiến các triệu chứng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn.
Vì thế, bệnh nhân bị viêm khớp có thể cân nhắc hạn chế hoặc loại bỏ tôm ra khỏi thực đơn hàng ngày của mình cho tới khi quá trình điều trị viêm khớp kết thúc. Tôm cũng là thực phẩm có tính hàn, vì thế dễ khiến cho người bệnh đau và sưng viêm nhiều hơn khi mắc bệnh viêm khớp.
3. Viêm khớp nên ăn gì và kiêng ăn gì là tốt nhất?
Bên cạnh viêm khớp có ăn được tôm không, viêm khớp nên ăn gì là tốt nhất cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để giải đáp thắc mắc cho người bệnh, sau đây là một số thực phẩm mà bệnh nhân bị viêm khớp không nên tiêu thụ.
- Đồ ăn nhiều muối: Các thực phẩm nhiều muối có thể khiến tế bào trong cơ thể tích nước và sưng lên. Từ đó, các phản ứng gây viêm trong cơ thể có thể bị kích thích.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Các thực phẩm đóng hộp/chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp hoặc thịt hộp có chứa nhiều chất béo bão hoà, phốt pho. Các chất này có thể kích thích các phản ứng viêm trong khớp.
- Thịt gà: Thịt gà và da gà chứa nhiều kẽm, qua đó có thể khiến cấu trúc sụn khớp đang bị tổn thương trở nên suy yếu hơn, từ đó làm trầm trọng các cơn đau khớp.
- Hải sản: Ngoài tôm, một số loại hải sản khác cũng nên được hạn chế. Người bệnh có thể tuỳ vào tình trạng bệnh của bản thân mà tiến hành hạn chế hoặc loại bỏ các loại thực phẩm này. Tốt nhất, bệnh nhân hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ.
- Thịt đỏ và nội tạng động vật: Các loại thực phẩm này chứa nhiều photpho và có thể khiến các cơn đau khớp xảy ra thường xuyên hơn.
Ngoài những thực phẩm này, người bệnh cũng cần tránh các thực phẩm lên men, thực phẩm chứa nhiều đường hoặc đồ uống có cồn để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng.
Ngoài các thực phẩm không tốt cho người bị viêm khớp, một số thực phẩm khác lại có khả năng hỗ trợ sức khoẻ và cải thiện tình trạng bệnh. Có thể kể đến như:
- Các loại rau củ quả và trái cây giàu vitamin C: Vitamin C có thể giúp chống oxy hoá và tăng đề kháng cho cơ thể. Từ đó, các khớp bị viêm có thể tăng tốc quá trình phục hồi. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C có thể kể đến như cà chua, đu đủ, cam, ổi hay dưa hấu.
- Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D giúp làm chậm quá trình sụn khớp bị phá huỷ. Ngoài ra, vitamin này còn hỗ trợ quá trình điều trị cũng như giúp phục hồi các khớp bị viêm. Những thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến như sữa chua, đậu hũ, trứng hoặc cá hồi.
- Cá có mỡ: Cá hồi, cá mòi là những loại cá chứa nhiều omega-3 - một chất giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh viêm khớp. Tiêu thụ các loại thực phẩm này có thể giúp bệnh nhân giảm triệu chứng viêm, ngăn chặn sự tiến triển của viêm khớp và phục hồi chức năng của sụn khớp. Người bệnh cũng có thể sử dụng dầu cá chứa Omega-3 như một sự thay thế.
Hi vọng rằng qua bài viết vừa rồi, đáp án cho câu hỏi viêm khớp có ăn được tôm không đã được Vinmec giải đáp một cách rõ ràng. Nhìn chung, việc lựa chọn các thực phẩm phù hợp để rút ngắn quá trình điều trị là điều mà bệnh nhân nên xem xét một cách cẩn thận. Bên cạnh đó, hãy duy trì chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện tình trạng viêm khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.