Viêm đường tiết niệu có lây không và làm thế nào để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm viêm đường tiết niệu là những câu hỏi được nhiều người đối mặt với các vấn đề sức khỏe về bàng quang và niệu đạo thắc mắc. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc trên, đưa ra cách nhận biết, nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa viêm đường tiết niệu.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK II Nguyễn Mạnh Hải - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Dấu hiệu của viêm đường tiết niệu
Trước khi giải đáp thắc mắc viêm đường tiết niệu có lây không, hãy cùng điểm qua các dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh.
Viêm đường tiết niệu là một căn bệnh thường gặp và có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu lâm sàng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí viêm (trên hay dưới), mức độ viêm, và các biến chứng liên quan.
Triệu chứng của viêm đường tiết niệu ở phụ nữ:
- Cảm giác khó chịu khi đi tiểu: Tiểu buốt, tiểu rắt và thường xuyên có cảm giác tiểu không hết, dẫn đến ngại uống nước và sợ đi tiểu.
- Thay đổi về lượng nước tiểu và màu sắc: Lượng nước tiểu giảm đáng kể mỗi lần đi tiểu, thay đổi màu, có mùi hôi và trong một số trường hợp có thể tiểu ra máu.
- Đau bụng dưới và vùng hố thắt lưng: Dấu hiệu này xuất hiện khi cơ thể đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Các triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng: Bệnh nhân có thể bị sốt ở mức độ nhẹ hoặc sốt cao run lạnh và thường xuyên nôn mửa. Nếu xuất hiện dấu hiệu này bệnh nhân cần theo dõi thêm vì có thể nhầm lẫn với bệnh khác.
Triệu chứng của viêm đường tiết niệu ở nam giới:
- Khó bị bội nhiễm ngược dòng: Do niệu đạo của nam giới dài hơn, vi khuẩn khó có thể lây nhiễm ngược dòng, nhưng các yếu tố nguy cơ như sỏi đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, và hẹp niệu quản có thể kèm theo.
- Tiểu buốt và tiểu rắt: Nam giới khi bị viêm đường tiết niệu thường cảm thấy tiểu buốt, tiểu rắt và đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
- Biến đổi trong nước tiểu: Nước tiểu có thể có mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ.
- Đau hạ vị và khó chịu: Cảm giác đau kéo dài và khó chịu ở vùng hạ vị.
- Triệu chứng nặng hơn khi bệnh tiến triển: Bao gồm ngứa ngáy, căng tức ở dương vật, đôi khi mủ và mùi hôi xuất hiện vào buổi sáng.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Tình trạng kéo dài có thể gây rối loạn giấc ngủ, rét run, môi khô, và gương mặt tiều tụy.
2. Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu
2.1 Quan hệ tình dục không an toàn
Quan hệ tình dục không an toàn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E.coli xâm nhập và gây bệnh. Sau đường tiết niệu bị tổn thương, không chỉ E. coli mà cả các loại vi khuẩn khác như lậu và chlamydia cũng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Trong quá trình giao hợp, vi khuẩn từ bộ phận sinh dục ngoài có thể được đẩy lên bàng quang, gây viêm nhiễm đường tiểu. Để phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lây qua đường tình dục khác, việc sử dụng bao cao su, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đi tiểu trước và sau khi quan hệ là rất quan trọng.
2.2 Nhiễm khuẩn E. coli
Escherichia coli hay còn được gọi là E. coli, là nguyên nhân chính chiếm 80% gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn này thường sinh sống trên bề mặt của kết tràng, có thể dễ dàng lây lan thông qua quan hệ tình dục, đặc biệt là qua đường hậu môn nếu không sử dụng bao cao su, từ đó gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu cho bạn tình.
2.3 Vệ sinh vùng kín không đúng cách
Vệ sinh vùng kín không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Ở nam giới, việc không vệ sinh sạch sẽ bao quy đầu có thể khiến cặn bẩn tích tụ, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây ra các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu như bàng quang, thận, niệu quản và niệu đạo.
Đối với nữ giới, do cấu trúc niệu đạo ngắn và thẳng, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm. Thêm vào đó, thói quen thụt rửa sâu âm đạo hoặc sử dụng các chất tẩy rửa mạnh không chỉ làm thay đổi môi trường tự nhiên của vùng kín mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
3. Viêm đường tiết niệu có lây không?
Để trả lời câu hỏi viêm đường tiết niệu có lây không thì trên thực tế viêm đường tiết niệu không phải là một bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác qua các hình thức tiếp xúc thông thường, nhưng vẫn có thể có nguy cơ lây nhiễm tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, việc lây lan vi khuẩn từ bệ ngồi bồn cầu sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với mông hoặc đùi là rất hiếm, vì vi sinh vật thường không thể sống sót lâu trên bề mặt lạnh và khô như vậy.
Vì thế, nguy cơ lây nhiễm viêm đường tiết niệu từ người này sang người khác là rất thấp và hầu như không xảy ra thông qua các hình thức tiếp xúc thông thường. Việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu.
4. Phòng tránh viêm đường tiết niệu
Sau khi giải đáp thắc mắc về viêm đường tiết niệu có lây không, việc tìm hiểu về cách ngăn ngừa bệnh là vô cùng hữu ích. Để phòng ngừa lây nhiễm và tái phát của viêm đường tiết niệu, việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt hằng ngày là rất quan trọng, bao gồm: uống đủ nước mỗi ngày, không nhịn tiểu, hạn chế các thức uống có cồn hoặc caffeine, vệ sinh đúng cách, tắm bằng vòi sen thay vì tắm bồn.
Mặc dù viêm đường tiết niệu không thuộc nhóm bệnh lây nhiễm nhưng vẫn có khả năng lây lan. Vì vậy, bệnh nhân nên vệ sinh cơ thể đúng cách để hạn chế lây bệnh cho người xung quanh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.