Biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ giới khi mang thai thường rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với những dấu hiệu của mang thai. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.3 triệu lượt người khám viêm đường tiết niệu, cứ 5 phụ nữ đến khám sẽ có 1 người đang mang thai. Bài viết này sẽ chia sẻ về dấu hiệu nhận biết viêm đường tiết niệu khi mang thai để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Bệnh viêm đường tiết niệu là gì?
Đường tiết niệu là nơi loại bỏ các chất thải và nước tiểu ra ngoài cơ thể nhờ vào sự hoạt động của thận. Hai niệu đạo có tác dụng dẫn nước tiểu đến nơi chứa là bàng quang và lưu giữ nước tiểu để thải ra ngoài cơ thể thông qua niệu đạo.
Viêm đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu gây ra tình trạng viêm nhiễm. Mầm bệnh lây từ phân trong đại tràng vào bộ phận sinh dục ngoài gây viêm niệu đạo, bàng quang.
Bệnh lý này đều có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn do cấu tạo phức tạp của cơ quan sinh dục. Theo thống kê, có khoảng 11% bệnh nhân nữ dưới 18 tuổi mắc bệnh viêm đường tiết niệu, khoảng 20% là nữ giới từ 18-24 tuổi và phụ nữ trưởng thành trên 25 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
2. Tại sao phụ nữ khi mang thai lại dễ mắc viêm đường tiết niệu?
Bệnh viêm đường tiết niệu thường xảy ra ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Trong thời kỳ mang thai, nồng độ các axit amin, vitamin và các chất dinh dưỡng khác trong nước tiểu tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng sinh trưởng nhanh chóng.
Đường tiết niệu của phụ nữ mang thai có những thay đổi so với bình thường do tử cung thường nghiêng về bên phải (đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ), điều này sẽ gây chèn ép vào niệu quản và thận phải, dễ gây ứ nước thận và viêm thận. Nước tiểu tồn đọng có thể dẫn đến giảm độ đặc và hiện tượng chuyển ngược dần bàng quang - niệu quản. Đồng thời, nồng độ đường trong nước tiểu, progesterone và estrogen niệu cũng có thể tăng lên.
Các biến đổi về sinh lý nội tiết do progesterone trong thai kỳ có thể làm giảm nhu động của ruột và niệu quản, dẫn đến tình trạng táo bón và tồn đọng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm nhiễm phát triển.
Trong thời gian mang thai nếu người mẹ quan hệ tình dục cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh viêm đường tiết niệu. Những vi khuẩn gần âm đạo có thể đi vào niệu đạo thông qua quá trình quan hệ. Do đó nếu mẹ có quan hệ trong thời kỳ này thì nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ.
3. Những biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ giới khi mang thai
Những triệu chứng ban đầu của viêm đường tiết niệu thường không rõ ràng và dễ bị nhầm tưởng với dấu hiệu của việc mang thai. Nếu bị viêm đường tiết niệu khi mang thai, phụ nữ thường có những triệu chứng khó chịu như:
- Đau buốt hoặc nóng rát mỗi khi đi tiểu.
- Có cảm giác đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu mỗi lần đi đều rất ít.
- Nước tiểu có mùi hôi, có chất nhầy hoặc đôi khi lại có máu.
- Đau lưng, đau bụng và đau xương chậu.
- Run người, ớn lạnh, nóng sốt hay đổ mồ hôi.
- Buồn nôn và ói mửa.
4. Những nguy cơ xảy đến khi phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm đường tiết niệu
Phụ nữ bị mắc viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể gây ra tình trạng:
- Động thai, sảy thai vào thời kỳ đầu của thai kỳ.
- Có thể dẫn đến sinh non, thai chết lưu trong tử cung nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.
- Đặc biệt, viêm đường tiết niệu còn có thể gây ra những biến chứng khác như: viêm thận, bể thận cấp, áp xe quanh thận, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp....
- Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần nắm vững và hiểu rõ để nhận biết biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ giới khi mang thai nhằm thăm khám và chữa trị kịp thời.
5. Phương pháp chẩn đoán viêm đường tiết niệu khi mang thai
Dưới đây là các xét nghiệm có thể chẩn đoán chính xác nhiễm trùng đường tiểu, cơ quan bị nhiễm bệnh và đánh giá mức độ bệnh:
- Xét nghiệm nước tiểu: Thai phụ có khả năng bị nhiễm trùng nước tiểu nếu kết quả xét nghiệm phát hiện bên trong nước tiểu có chứa vi khuẩn, tế bào hồng cầu và bạch cầu.
- Cấy nước tiểu: Phương pháp này được thức hiện khi xét nghiệm nước tiểu không thể cho biết đầy đủ thông tin về tình trạng viêm đường tiết niệu của thai phụ. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm cấy nước tiểu để có thông tin chính xác hơn và dựa vào đó để kê đơn điều trị.
6. Cách phòng tránh và chữa trị bệnh viêm đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai
Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh an toàn trong thai kỳ. Thai phụ cần tuân thủ mọi hướng dẫn từ bác sĩ, uống đúng và đủ liều. Trong trường hợp có xuất hiện nhiễm trùng thận, thai phụ cần nhập viện để điều trị và theo dõi tình trạng bệnh cũng như là sức khỏe.
Mặc dù kháng sinh hiệu quả trong việc điều trị các biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ giới khi mang thai, nhưng thai phụ nên ưu tiên kết hợp với các biện pháp chăm sóc tự nhiên để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ tái phát, như:
- Uống đủ nước: Việc uống nhiều nước giúp làm sạch đường tiểu, loại bỏ vi khuẩn và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Bổ sung Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng tự nhiên. Các nguồn Vitamin C phổ biến bao gồm chanh, quả ổi, cam, cà chua, ớt chuông và các loại trái cây khác.
Ngoài ra, phụ nữ khi mang thai nên thăm khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm nước tiểu khi có những dấu hiệu bất thường. Bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực kịp thời có thể tránh được những biến chứng xấu gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai chương trình "THAI SẢN TRỌN GÓI", bao gồm chăm sóc trước, trong và sau khi sinh. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao, cùng với trang thiết bị tiên tiến, Vinmec hợp tác chuyên môn toàn diện với các bệnh viện uy tín tại Việt Nam và các nước phát triển như Singapore, Mỹ, Nhật Bản...
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là lựa chọn lý tưởng cho các bà mẹ, nơi mà họ có thể yên tâm tận hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng cao. Lịch khám và xét nghiệm định kỳ cùng với các chẩn đoán chính xác sẽ giúp phát hiện kịp thời những biểu hiện viêm đường tiết niệu ở nữ giới khi mang thai và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!