Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp.

Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn là tổn thương viêm tại đĩa đệm đốt sống gây nên bởi các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu. Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường cho kết quả tốt.

1. Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn là gì?

Đĩa đệm cột sống là bộ phận nằm giữa hai thân đốt sống, có cấu trúc đặc biệt, bao gồm nhân nhầy ở giữa và các vòng xơ dày bao quanh, có tính chất đàn hồi cao và tác dụng như một bộ giảm xóc cho cột sống. Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn là một bệnh nhiễm trùng tại đĩa đệm đốt sống. Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp là tụ cầu Staphylococcus, đặc biệt là tụ cầu vàng S. aureus; sau đó là Enterobacteriaceae.

Viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch như dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, nhiễm HIV, lao. Yếu tố thuận lợi là nhiễm khuẩn tại chỗ (áp-xe cơ cạnh cột sống do châm cứu, tiêm, mổ cột sống) hoặc theo đường tuần hoàn tới (mụn nhọt, viêm phổi, tiêm tĩnh mạch).

2. Triệu chứng của viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn


Xét nghiệm tế bào vùng tổn thương có thể xác định được vi khuẩn
Xét nghiệm tế bào vùng tổn thương có thể xác định được vi khuẩn

Triệu chứng của bệnh bắt đầu thường rầm rộ, bệnh nhân có các dấu hiệu của hội chứng nhiễm khuẩn như: sốt cao, gầy sút, mệt mỏi nhiều, người bệnh thường cảm thấy đau khu trú vùng cột sống bị viêm, có thể lan theo rễ, dây thần kinh. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, máu lắng tăng. Cấy máu, xét nghiệm tế bào vùng tổn thương cho phép xác định được vi khuẩn gây bệnh.

Hình ảnh Xquang thường xuất hiện sớm: khe đĩa đệm bị hẹp lại, bờ nham nhở, giai đoạn muộn có hủy xương 1-2 đốt sống kế tiếp.

3. Điều trị viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn

Việc điều trị viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn thường phối hợp trên 2 loại kháng sinh, dùng kéo dài vài tháng, kết hợp với bất động cột sống, kết quả thường khả quan. Nếu không điều trị tốt sẽ làm cho nhiễm khuẩn lan rộng, nhiễm khuẩn máu, suy kiệt.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân cần lưu ý không nên đi lại, vận động nhiều vì sẽ tăng chèn ép rễ thần kinh đoạn tủy sống. Sau khi điều trị khỏi người bệnh cần hạn chế các hoạt động thể lực mạnh gây ảnh hưởng không tốt đến cột sống. Tuy nhiên, các biểu hiện của đau cột sống lưng còn có thể là bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống, chính vì vậy nếu có cảm giác đau nhức, người bệnh cần phải đi khám bệnh, không nên tự ý dùng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe