Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý phổ biến và thường gặp ở người lớn tuổi. Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh gì?
Đĩa đệm có hình thấu kính lồi hai mặt, gồm nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn. Đĩa đệm giống như một “tấm đệm” nằm giữa hai thân đốt sống, nhờ có khả năng dịch chuyển sinh lý của nhân nhầy, mà đĩa đệm đóng vai trò như một bộ phận giảm sóc, giúp chúng ta thực hiện được các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay...
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý thường gặp, bệnh xuất hiện do càng về già các tổ chức cấu thành đĩa đệm càng bị xơ hóa, sự cộng hưởng giữa quá trình lão hóa tự nhiên cùng với những tác động ngoại lực bên ngoài khiến bao xơ bị nứt rách, nhân nhầy theo đó thoát ra bên ngoài và chèn ép rễ thần kinh.
2. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tiến triển theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn đau cấp: đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có sự gắng sức tương tự thì cơn đau lại tái phát.
- Giai đoạn chèn ép rễ: xuất hiện các triệu chứng: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn... nằm nghỉ thì đỡ đau.
Những dấu hiệu giúp bạn nhận biết thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bao gồm: Yếu cơ, tê, ngứa ran ở một hoặc cả 2 bên chân; có lúc cơn đau âm ỉ có lúc lại dữ dội, ho hay hắt hơi cũng có thể khiến tình trạng đau nhức thêm nghiêm trọng hơn; đau nhức vùng thắt lưng, lan xuống mông, chân, cảm giác tê, nhức xương khớp; ngồi hay đứng quá lâu cũng khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng; chân tay cảm giác yếu hơn bình thường, cầm nắm vật trở nên yếu, khó khăn hơn; tình trạng sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, khả năng vận động đi lại trở nên khó khăn...
3. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm không chỉ gây ra cảm giác đau buốt, tê bì, châm chích tại vị trí thoát vị, giảm khả năng khả năng vận động của người bệnh mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, cụ thể như:
- Rối loạn đại tiểu tiện: Khi khối thoát vị chèn ép bó thần kinh đuôi ngựa, người bệnh sẽ rối loạn đại tiểu tiện, bí tiểu, tiểu són, đại tiểu tiện ra quần không tự chủ.
- Teo chi: Rễ thần kinh bị chèn ép khiến máu không thể nuôi dưỡng các cơ bắp, gây ra hiện tượng teo chân hoặc tay.
Cuối cùng sau giai đoạn teo chi, bệnh nhân có thể bị liệt hoàn toàn, mọi sinh hoạt vận động đều phụ thuộc người thân hoặc các công cụ di chuyển.
4. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng như thế nào?
Về cơ chế sinh học, một đĩa đệm đã bị thoát vị sẽ không bao giờ trở lại trạng thái bình thường như ban đầu dù được điều trị bằng bất cứ phương pháp nào. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể phục hồi được 85-90% so với ban đầu. Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:
- Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, kéo giãn, thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ.
- Can thiệp tối thiểu: một số phương pháp như giảm áp đĩa đệm bằng hóa tiêu nhân, bằng ozone oxygen, laser, sóng radio ...
- Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6 - 8 tuần, có biến chứng viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau kéo dài, thoát vị gây rách bao xơ, có mảnh rời di trú, gây chèn ép rễ thần kinh cấp tính,... thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.