Viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa: Phân biệt và cách điều trị

Viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa là hai tình trạng sức khoẻ có các triệu chứng tương tự nhau, nhưng nguyên nhân và tác nhân gây bệnh thì lại khác nhau hoàn toàn. Vậy làm sao để phân biệt cả hai vấn đề sức khoẻ này? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc trên cũng như đưa ra các phương pháp điều trị bệnh tại nhà. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Vinmec Times City.

1. Viêm da là gì? 

Viêm da là một thuật ngữ chung và phổ biến cho tình trạng da bị viêm với các triệu chứng như mẩn đỏ, khô và ngứa. Có nhiều dạng viêm da khác nhau, trong đó bao gồm viêm da cơ địa (hay còn gọi là bệnh chàm) và viêm da tiếp xúc.

1.1 Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa thường là một vấn đề lâu dài, có thể là mãn tính, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Đây cũng là loại bệnh chàm phổ biến nhất. 

Các triệu chứng của viêm da cơ địa bao gồm:

  • Mụn nước li ti trên nền da đỏ có thể nứt nẻ và rỉ nước khi gãi.

  • Da dày, ngứa

  • Bong da, nứt nẻ

  • Da trở nên thô ráp và nhạy cảm sau khi gãi.

  • Viêm da cơ địa ảnh hưởng đến các vị trí như da đầu, mắt, mặt, cổ, ngực, tay, cẳng tay, đầu gối hoặc chân.

1.2 Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là tình trạng da của người bệnh trở nên đỏ, ngứa và viêm sau khi tiếp xúc với một chất gây ra phản ứng dị ứng.

Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc thường bao gồm:

  • Phát ban đỏ trên vùng da tiếp xúc với chất gây ra phản ứng.

  • Cảm giác ngứa cực kỳ khó chịu.

  • Da nứt nẻ, khô hoặc có vảy.

  • Các vết sưng đỏ chảy nước.

  • Da sưng, nóng, và có thể phồng rộp.

2. Cách phân biệt viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa

Việc phân biệt viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa là vô cùng quan trọng, nhằm giúp người bệnh có thể đưa ra các giải pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân có thể dựa vào các dấu hiệu sau để phân biệt hai tình trạng trên.

Viêm da là thuật ngữ chung để chỉ tình trạng da bị viêm, trong đó viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa là hai tình trạng phổ biến
Viêm da là thuật ngữ chung để chỉ tình trạng da bị viêm, trong đó viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa là hai tình trạng phổ biến

Đầu tiên, phát ban do viêm da cơ địa thường xuất hiện một cách đột ngột không có yếu tố tiế xúc rõ ràng. Đôi khi bệnh nhân có thể không bị phát ban trong nhiều năm, nhưng tình trạng này bất ngờ lại xuất hiện lại.

Trong khi đó phát ban do viêm da tiếp xúc thường xuất hiện trong vài giờ đến nhiều ngày, nhiều tuần sau khi tiếp xúc với chất kích ứng. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần trước khi biến mất.

Về vị trí xuất hiện của phát ban, khi gặp phải viêm da cơ địa, dấu hiệu này có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể. Trong khi đó, phát ban do viêm da tiếp xúc thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng. 

Viêm da cơ địa thường phát ban ở cả 2 bên cơ thể, chẳng hạn như da ở cả 2 chân. Trong khi đó, viêm da tiếp xúc chỉ xuất hiện một bên cơ thể, nơi da chạm vào tác nhân gây dị ứng.

3. Nguyên nhân gây viêm da

3.1 Yếu tố Gen

Viêm da cơ địa thường có liên quan đến các đột biến trong gen tạo ra protein filaggrin, là một trong những “hàng rào” bảo vệ da. Những người có đột biến gen này không tạo ra đủ filaggrin, dẫn đến da khô và dễ bị kích ứng. 

3.2 Cơ địa dị ứng 

Những người mắc viêm da cơ địa thường có khả năng cao mắc phải các bệnh dị ứng khác như hen suyễn hoặc Viêm mũi dị ứng sốt cỏ khô. Người có thành viên trong gia đình mắc các loại dị ứng này, họ cũng có thể có nguy cơ mắc viêm da cơ địa cao hơn.

Trong khi đó, viêm da tiếp xúc không phải do gen gây ra và thường cũng không liên quan đến các bệnh dị ứng khác. Viêm da tiếp xúc cũng không có yếu tố di truyền.

Những người có cơ địa dễ bị dị ứng thường có gen di truyền khiến họ dễ mắc nhiều bệnh dị ứng khác nhau, bao gồm viêm da cơ địa, hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
Những người có cơ địa dễ bị dị ứng thường có gen di truyền khiến họ dễ mắc nhiều bệnh dị ứng khác nhau, bao gồm viêm da cơ địa, hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

3.3 Tiếp xúc với chất gây dị ứng

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng như xà phòng, nước hoa, hóa chất, mỹ phẩm hoặc thực vật gây dị ứng. Đặc biệt, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

4. Tác nhân gây viêm da

Các tác nhân gây đợt cấp viêm da cơ địa có thể bao gồm xà phòng, chất tẩy rửa, bụi bẩn, phấn hoa, mồ hôi và căng thẳng. Thậm chí việc tắm nước nóng trong thời gian dài cũng có thể làm kích hoạt tình trạng này.

Đối với viêm da tiếp xúc, các tác nhân có thể là chất kích ứng da như hóa chất, thuốc tẩy, bụi, dầu gội, đồ trang điểm hoặc các kim loại như niken trong đồ trang sức hoặc khóa kéo. Ngoài ra, các vật liệu như áo len, cây thường xuân độc, nước hoa hoặc các chất bảo quản cũng có thể khiến da phản ứng.

5. Điều trị

Có một số phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp kiểm soát viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa:

Sau một loạt chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị viêm da bao gồm: 

  • Thuốc bôi tại chỗ: Bác sĩ có thể kê toa các loại kem steroid để điều trị phát ban trên da do viêm da cơ địa hoặc viêm da tiếp xúc. Các loại kem ức chế calcineurin như tacrolimus  hoặc pimecrolimus cũng có thể được áp dụng để điều trị viêm da cơ địa cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

  • Thuốc uống: Đối với các trường hợp viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn corticosteroid đường uống trong thời gian ngắn như prednisone. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc khác như thuốc sinh học (Dupilumab hoặc tralokinumab) hoặc thuốc ức chế miễn dịch (Ciclosporin, Methotrexat) để điều trị viêm da cơ địa mức độ trung bình -nặng. Thuốc kháng histamin đường uống cũng có thể được kê đơn để kiểm soát các cơn ngứa dữ dội do viêm da tiếp xúc.
Mọi người nên thăm khám bác sĩ dị ứng hoặc bac sĩ da liễu nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm da
Mọi người nên thăm khám bác sĩ dị ứng hoặc bac sĩ da liễu nếu gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm da

Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị viêm da tại nhà mà người bệnh có thể áp dụng như: 

  • Giảm ngứa: Sử dụng kem dưỡng da calamine hoặc thuốc kháng histamine để giảm ngứa vùng bị dị ứng.

  • Dưỡng ẩm: Thoa kem dưỡng ít nhất hai lần một ngày sau khi rửa sạch da để giữ da ẩm mịn.

  • Bảo vệ da: Nếu người bệnh tiếp xúc với chất gây kích ứng, việc đeo găng tay để bảo vệ da là điều cần thiết. Ngoài ra, hãy tránh mặc quần áo gây kích ứng và giữ da mát mẻ.

Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc phải viêm da, mọi người hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng da nhằm đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, giúp kiểm soát và ngăn ngừa các đợt bùng phát gây ngứa, khô da… và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe