Trong lĩnh vực Y Học Cổ Truyền, huyệt Trung phủ là một trong những huyệt đạo quan trọng của cơ thể, tác động vào huyệt sẽ mang lại những lợi ích bất ngờ cho sức khỏe của bạn. Đây là một huyệt đạo với chức năng chính là trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như ho, đau họng, viêm long đường hô hấp, viêm phổi...
1. Huyệt trung phủ là huyệt gì?
Trên cơ thể chúng ta có hàng trăm các huyệt đạo, mỗi huyệt sẽ nằm trên một đường kinh nhất định do đó tác dụng vào huyệt sẽ giúp điều trị các bệnh lý tại cơ quan đó. Huyệt Trung phủ là một huyệt đạo nằm trên đường kinh Phế do đó tác dụng chính của huyệt là điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Về giải nghĩa trên gọi huyệt Trung phủ, sách Trung y cương mục có viết rằng, “phủ” được hiểu theo nghĩa đen là kho tàng, thương khố, đây chính là nơi cất giữ tài sản, văn thư và nhiều cống phẩm trong triều đình. Hiểu theo nghĩa bóng thì “phủ” là nơi kinh khí hội tụ, từ tên ta có thể ngầm hiểu huyệt này nằm ở chỗ hội tụ mạch của đường kinh Phế trong hệ thống các đường kinh mạch của cơ thể. Gọi là “trung” bởi vì huyệt nằm ở gần giữa ngực nơi thần khí của phế đi qua, trung còn có nghĩa là bên trong, nội bộ. Đây chính là nguồn gốc của tên gọi huyệt Trung phủ.
Một số tên gọi khác của huyệt Trung phủ là: huyệt phủ trung dư, huyệt ưng du, huyệt ưng trung du. Đặc tính của huyệt gồm:
- Huyệt thứ nhất trên đường kinh Phế của cơ thể.
- Huyệt Mộ, đây là nơi mà khí phế đến và được lưu trữ lại.
- Huyệt hội với huyệt túc thái âm tỳ.
- Huyệt Trung phủ cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các bệnh lý suy nhược thần kinh.
- Huyệt để tả Dương khi phối cùng những huyệt: đại cự, phong môn và khuyết bồn.
2. Tác dụng của huyệt Trung phủ
Huyệt Trung phủ có tác dụng điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như trị ho, viêm long đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi... Ấn huyệt Trung phủ còn giúp giảm những cơn đau tức ngực, mỏi vai, đau lưng
Ngoài ra người ta còn kết hợp với những huyệt đạo sau để điều trị một số bệnh lý:
- Trung phủ phối với huyệt âm giao để trị đau họng, nóng lạnh tay chân hoặc căng tức ngực.
- Phối hợp với huyệt Thiên xu trị đau tức ngực
- Phối hợp cùng huyệt Hiếp đường để điều trị nặng ngực, căng tức vùng ngực.
- Phối hợp với huyệt Dương giao để trị viêm sưng họng.
- Phối hợp với huyệt Khổng tối, Phế du điều trị viêm phế quản mạn, hen phế quản.
- Phối hợp với huyệt Kết mạch, Phế du, Phế nhiệt huyệt để chữa bệnh lao phổi.
3. Vị trí của huyệt Trung phủ
Huyệt trung phủ nằm ở phía dưới ngoài của xương đòn, cách xương đòn một thốn ngón tay. Hay nói cách khác, vị trí của huyệt Trung phủ sẽ nằm giữa hai xương sườn là 1 và 2, cách đường giữa của ngực 6 thốn.
Khi giải phẫu huyệt dưới da, ta sẽ thấy cơ ngực lớn, cơ ngực bé, cơ răng cưa to, cơ liên sườn hai. Thần kinh liên quan đến vị trí của huyệt này bao gồm: thần kinh ngực lớn, thần kinh ngực bé, thần kinh răng cưa lớn, thần kinh liên sườn 2 và nhánh của thần kinh nách.
Thần kinh chi phối cho huyệt chính là tiết đoạn của thần kinh C4.
4. Cách xác định huyệt Trung phủ
Vì vị trí của huyệt Trung phủ liên quan với vị trí của xương đòn (đây là một mốc có thể sờ ngay bằng tay hay nhìn bằng mắt) do đó việc xác định huyệt này là tương đối đơn giản. Có hai cách giúp bạn xác định huyệt Trung phủ nhanh và chính xác, đặc biệt đã được kiểm chứng là mang lại những hiệu quả tốt:
- Cách 1: Bệnh nhân nằm trên một mặt phẳng với tư thế ngửa, hai tay hơi chéo về phía sau để bộc lộ rõ phần xương đòn của bệnh nhân (vì ở những bệnh nhân béo phì thường sẽ khó xác định xương đòn hơn). Phía trên ngoài của xương đòn sẽ xuất hiện một hố lõm hình tam giác, chính giữa của hố này là huyệt Vân môn. Từ hố lõm chạy dọc theo bờ ngoài của cơ ngực lớn xuống 1 thốn ngón tay, ngay khe gian sườn của xương sườn 1 và 2 chính là vị trí của huyệt Trung phủ.
- Cách 2: Bệnh nhân nằm trên một mặt phẳng với tư thế ngửa, từ đầu vú của bệnh nhân đo ngang ra phía ngoài 2 thốn ngón tay. Từ vị trí đã đánh dấu tiếp tục đi thẳng góc lên phía trên 3 khoảng gian sườn chính là vị trí của huyệt Trung phủ. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng trên bệnh nhân nam, đối với nữ sẽ dùng cách 1 để xác định
Vị trí huyệt là tương đối dễ dàng trong việc xác định nên bạn có thể tự xác định và tác động lên huyệt tại nhà. Tuy nhiên để an toàn cũng như đảm bảo rằng vị trí mình xác định đã đúng chưa thì nên nhờ sự tư vấn của các bác sĩ Y Học Cổ Truyền.
5. Các cách tác động lên huyệt Trung phủ điều trị bệnh
5.1 Bấm huyệt:
Thủ thuật: Dùng đầu móng tay của ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt (đốt một và hai của ngón tay cái vuông góc với nhau) tăng dần cho đến khi người bệnh cảm thấy căng tức nặng thì dừng lại
5.2 Châm cứu:
Các bước châm huyệt Trung phủ bao gồm:
- Chuẩn bị dụng cụ châm
- Chuẩn bị bệnh nhân: Vì vị trí huyệt Trung phủ ở vùng cổ tay nên tư thế ngồi duỗi tay hay ngồi ngửa dựa ghế là phù hợp nhất.
- Xác định chính xác huyệt
- Sát trùng huyệt bằng cồn 70 độ. Cách thực hiện như sát trùng trước khi tiêm
- Làm căng da vùng châm: mục đích để kim đi qua mà không làm bệnh nhân đau nhiều
- Tiến hành châm
- Lưu kim: tùy vào bệnh của bệnh nhân mà thời gian lưu kim nhanh hay chậm hoặc không lưu kim. Trong khi lưu kim có thể tiến hành thêm kỹ thuật bổ tả hoặc các phương pháp ôn châm và điện châm phối hợp thêm
- Rút kim và sát trùng lỗ kim châm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.