Vị trí và tác dụng của huyệt Ấn Đường

Theo y học cổ truyền, Ấn Đường (Yin tang) là huyệt vị giúp chữa các chứng đau đầu, định tâm thần, sáng mắt và thông mũi... Trong dưỡng sinh, huyệt vị này còn được gọi là “Thượng Đa” với tác dụng kéo dài tuổi thọ. Huyệt Ấn Đường cũng được áp dụng phổ biến trong Nhân tướng học để quan sát tình trạng sức khỏe, vận hạn của con người.

1. Vị trí huyệt Ấn Đường ở đâu?

Huyệt Ấn Đường tuy nằm trong hệ thống kỳ huyệt nhưng lại không thuộc 12 đường kinh chính. So với các huyệt vị khác, xác định vị trí huyệt Ấn Đường tương đối đơn giản: trên đường thẳng nối 2 đầu lông mày, tìm điểm chính giữa thẳng sống mũi lên chính là huyệt vị cần tìm.

Sở dĩ gọi là huyệt Ấn Đường bởi đây là tên ghép của hai từ riêng lẻ: “Ấn” và “Đường”. Trong đó “Ấn” có nghĩa là dấu đóng, “Đường” nghĩa là nơi rực rỡ. Theo truyền thống thời xưa, người ta thường dùng một loại mực màu đỏ để tạo dấu ấn tại vị trí này nên gọi là Ấn Đường.

2. Đoán bệnh thông qua màu sắc của huyệt Ấn Đường

Theo kinh nghiệm người xưa, người bệnh có thể dựa vào quan sát màu sắc trên huyệt Ấn Đường để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Có các màu sắc chủ yếu như:

  • Màu đỏ: Nếu khi tác động vào Ấn Đường huyệt thấy có hiện tượng đỏ lên, sắc đỏ rõ nét thì đây là biểu hiệu cho thấy mỡ máu đang không thông thuận, hoặc là dấu hiệu của bệnh trúng gió và tăng huyết áp;
  • Màu trắng hoặc hơi ố vàng: Khi day bấm mà thấy huyệt vị chuyển sang màu trắng hoặc ố vàng chứng tỏ khí huyết không tốt, suy nhược cơ thể, tỳ vị không ổn. Bệnh nhân có thể đang bị thiếu máu, có dấu hiệu đầy hơi ra bên ngoài;
  • Màu xanh hoặc đen: Khi huyệt vị chuyển sang màu xanh có thể là do khí huyết tích tụ, ứ đọng; khí huyết không thông cũng làm cho huyệt chuyển sang màu đen. Đây có thể là biểu hiện của việc não không được cung cấp đủ máu hoặc chức năng tim không tốt.

Vị trí huyệt Ấn Đường ở ngay trên vùng mặt, dễ thấy
Vị trí huyệt Ấn Đường ở ngay trên vùng mặt, dễ thấy

3. Tác dụng của huyệt Ấn Đường

Vị trí huyệt Ấn Đường ở ngay trên vùng mặt, dễ thấy nên ngoài những hiệu quả trong việc điều trị bệnh theo y học cổ truyền, huyệt còn được ứng dụng rộng rãi trong dự đoán đời người trong Nhân tướng học.

3.1. Vai trò trong Đông y

Theo ghi nhận từ y thư cổ, huyệt Ấn Đường có tác dụng chữa những cơn đau đầu vùng trước trán và an định tâm thần hiệu quả. Việc thường xuyên massage, day bấm huyệt với lực đạo vừa phải có thể giúp giải tỏa căng thẳng, làm dịu tâm trí, điều trị chứng mất ngủ và mệt mỏi kéo dài.

Ngoài ra tác động lên huyệt còn giúp làm sáng mắt và thông mũi, trị các chứng về xoang như nghẹt mũi, viêm xoang cho bệnh nhân.

3.2. Vai trò trong Khí công dưỡng sinh

Trong Khí công dưỡng sinh, vị trí huyệt Ấn Đường được xem như vùng thượng Đan điền giúp người tập gia tăng năng lượng hiệu quả. Ngoài ra theo bộ môn điểm huyệt của phương Đông, huyệt vị này thuộc nhóm 36 đại huyệt quan trọng (thường gọi là tử huyệt). Nếu tác động bằng điểm hoặc đả trúng huyệt đạo này với tốc độ nhanh và lực mạnh có thể gây nguy hiểm khó lường.

3.3. Tác dụng trong Nhân tướng học

Nhiều người coi Ấn Đường như vị trí “con mắt thứ ba”, tức đường dẫn đến thế giới tâm linh và có những sức mạnh huyền bí mà con người khó lý giải được. Người ta tin rằng nếu kích hoạt đúng cách, đây là điểm giúp não bộ và cơ thể giao tiếp với những năng lượng vô hình từ bên ngoài.

Trong Nhân tướng học, Ấn Đường cũng là vị trí để đánh giá sức khỏe và vận khí của con người. Thậm chí nốt ruồi ở Ấn Đường (nếu có) với những màu sắc khác nhau cũng có thể giúp dự đoán phúc họa, cát hung đời người.


Huyệt Ấn Đường có tác dụng chữa những cơn đau đầu vùng trước trán
Huyệt Ấn Đường có tác dụng chữa những cơn đau đầu vùng trước trán

4. Cách bấm huyệt Ấn Đường

Để tác động vào huyệt Ấn Đường, người bệnh xác định chính xác huyệt vị, sau đó áp dụng cách massage, day bấm mỗi ngày hoặc khi xuất hiện cơn đau nhức theo hướng dẫn sau:

  • Dùng ngón tay cái day ấn hoặc gõ Ấn Đường huyệt trong 1-3 phút;
  • Dùng 2 ngón tay cái ấn huyệt và vuốt từ từ sang hai bên thái dương trong khoảng 30 lần;
  • Dùng ngón trỏ và ngón cái tay phải bấu lên vùng da ở vị trí huyệt Ấn Đường, nhéo mạnh lên khoảng 50 cái, mỗi ngày 2 lần;
  • Hoặc đưa bàn tay ra trước mũi, nghiêng đầu ra phía trước và dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Ấn Đường, giữ nguyên tư thế trong 5 phút.

Được xem như “con mắt thứ 3”, huyệt Ấn Đường không những giúp con người nhận biết các bệnh lý thông qua màu sắc mà còn hỗ trợ điều trị nhiều bệnh trên cơ thể. Thông qua những thông tin ở trên, hy vọng giúp bạn đọc có thêm kiến thức về các huyệt đạo quan trọng cũng như cách sử dụng chúng hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe