Với tình trạng nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao trong những năm gần đây với nhiều biến chứng hơn, người bệnh cần chú ý đến các nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng ngừa bệnh lý này diễn ra nặng hơn theo thời gian.
Khi được hỏi về nguy cơ sức khỏe hàng đầu đối với phụ nữ là gì, chắc hẳn nhiều người sẽ trả lời rằng đó là ung thư vú. Tuy nhiên, các bệnh về tim mạch – đặc biệt là nhồi máu cơ tim – đang là bệnh lý gây tỷ lệ tử vong cao và thường gây ra biến cố trong thời gian ngắn hơn nhiều so với các loại ung thư. Theo số liệu của WHO, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới. Trong đó, bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 16% và đột quỵ chiếm 11% số ca tử vong trên toàn cầu.
Bác sĩ tim mạch Dina Sparano, MD, cho biết: “Phụ nữ có nguy cơ tử vong và biến chứng suy tim sau nhồi máu cơ tim cao hơn nam giới. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ không biết về số liệu thống kê đáng kinh ngạc này và họ cũng không hiểu tại sao”.
1. Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim (hay bệnh tim mạch) là một tình trạng bệnh phức tạp có nguyên nhân chính là tắc nghẽn động mạch vành, trong đó thủ phạm chính là mảng xơ tích tụ trên thành động mạch máu. Những mảng xơ này, chứa các thành phần như cholesterol, canxi, và tế bào, tích tụ theo thời gian, bám vào thành mạch máu. Khi chúng nứt vỡ, có thể gây viêm và hình thành cục máu đông. Sự tích tụ của các cục máu đông này dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim cấp.
Một số nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh nhồi máu cơ tim:
● Ít vận động và thừa cân béo phì: Người có lối sống ít vận động và thừa cân hoặc béo phì thường có nguy cơ tăng mắc bệnh tim mạch.
● Cao huyết áp: Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhồi máu cơ tim.
● Hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia: Thuốc lá và rượu bia có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
● Tuổi tác cao: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng theo tuổi, đặc biệt ở nam giới sau tuổi 45 và ở nữ giới sau tuổi 55.
● Rối loạn chuyển hóa lipid máu: Sự tăng cholesterol và mức triglyceride có thể góp phần tạo ra mảng xơ trên động mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
● Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do tiểu đường có thể gây tổn thương động mạch.
● Tai biến mạch máu não: Nếu đã từng trải qua tai biến mạch máu não, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng tăng.
● Tiểu sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình từng mắc bệnh động mạch vành sớm (trước 55 tuổi ở nam giới và 65 tuổi ở nữ giới), bạn có thể có nguy cơ di truyền cao.
2. Vì sao nữ giới có nguy cơ tử vong và biến chứng suy tim sau nhồi máu cơ tim cao hơn?
Tiến sĩ Sparano cho biết: “Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới một phần vì bệnh tim chưa được chẩn đoán và điều trị kém hiệu quả ở phụ nữ. Và mặc dù cả hai giới đều có nguy cơ chung mắc phải các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch - bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc và béo phì - có một số lý do đặc biệt khiến bệnh tim ở phụ nữ có thể không được phát hiện, không được điều trị và dẫn đến bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng theo thời gian”.
2.1 Biến đổi nội tiết tố
Mức độ hormone (nội tiết tố) thay đổi của phụ nữ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim và bệnh động mạch vành hiện có - đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh. Nồng độ estrogen thấp ở phụ nữ sau mãn kinh là yếu tố nguy cơ đáng kể phát triển bệnh tim mạch và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Sự tắc nghẽn ở những động mạch nhỏ này gây hạn chế lượng máu cung cấp cho tim nhưng có thể không gây ra các triệu chứng đáng kể. Bệnh mạch máu thường được điều trị tốt nhất bằng thay đổi lối sống lành mạnh và dùng thuốc khi chưa có chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật, tuy nhiên mọi người cần chú ý các triệu chứng nhồi máu cơ tim từ sớm để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng không thể phục hồi.
2.2 Căng thẳng tinh thần và trầm cảm
Căng thẳng tinh thần và trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tim mạch của phụ nữ. Đối với một số phụ nữ, tồn tại một tình trạng gọi là "bệnh cơ tim do căng thẳng" thường xảy ra sau mãn kinh. Căng thẳng và trầm cảm có thể tạo khó khăn trong việc duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ các phương pháp điều trị, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
2.3 Phụ nữ ít được đại diện trong các nghiên cứu lâm sàng
Tiến sĩ Sparano cho biết: “Chúng ta cần nhiều đại diện nữ hơn trong các nghiên cứu lâm sàng để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa và nguy cơ nhồi máu cơ tim ở phụ nữ. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu thực sự hiểu các mô hình bệnh tật liên quan đến phụ nữ khi có sẵn dữ liệu từ một nhóm lớn phụ nữ để phân tích. Mọi thứ phải bắt đầu áp dụng các phương pháp tiếp cận dành riêng cho từng giới để có thể hiểu rõ hơn và giải quyết các nhu cầu sức khỏe của phụ nữ trong cộng đồng”.
2.4 Các triệu chứng không rõ ràng
Mặc dù đau ngực vẫn là triệu chứng của nhồi máu cơ tim phổ biến nhất ở phụ nữ cũng như ở nam giới, nhưng có thể có các triệu chứng hoàn toàn không có hoặc khó nhận biết hơn, chẳng hạn như:
● Khó chịu ở cổ, hàm, vai, lưng trên hoặc bụng
● Hụt hơi
● Đau ở một hoặc cả hai cánh tay
● Buồn nôn hoặc nôn mửa
● Đổ mồ hôi
● Mệt mỏi bất thường
3. Phương pháp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim ở nữ giới
Phụ nữ (và cả nam giới) đều có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách kiểm soát các chỉ số: huyết áp, trọng lượng cơ thể lý tưởng và cholesterol. Bạn cũng có thể giảm nguy cơ bằng cách thực hiện một số điều chỉnh lối sống đơn giản, bao gồm:
● Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Đây là nguy cơ nhồi máu cơ tim số một có thể phòng ngừa được. Phụ nữ hút thuốc có tỷ lệ đột tử và nhồi máu cơ tim cao hơn nhiều so với những người không hút thuốc
● Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tránh tình trạng thừa cân và béo phì
● Tập thể dục thường xuyên (theo lời khuyên của bác sĩ)
● Áp dụng chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ, ít chất béo và đường
● Thăm khám bệnh thường xuyên để theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình hiện tại, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch đang có và phát hiện kịp thời các dấu hiệu, biến chứng của bệnh lý tim mạch.
Có lẽ lời khuyên quan trọng nhất chính là bạn hãy trở thành người làm chủ tốt nhất cho sức khỏe của bạn. Nắm rõ tình trạng sức khỏe của bạn, các yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh lý gia đình của bạn. Quan trọng hơn, hãy rút kinh nghiệm từ những vấn đề, yếu tố nguy cơ này và thực hiện những điều chỉnh phù hợp cho lối sống của chính mình.