Nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ thời tiết cực đoan cùng với ô nhiễm không khí có ảnh hưởng nhất định đến việc gia tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim.
1. Thời tiết khắc nghiệt và nguy cơ nhồi máu cơ tim
Khí hậu đang ngày càng biến đổi, và hiện nay, chúng ta phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và mức độ ô nhiễm không khí cao hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng các hoạt động ngoài trời của chúng ta mà còn là yếu tố gây nguy cơ bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những yếu tố về nhiệt độ và ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và gây tử vong. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tại sao những yếu này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của chúng ta và cách bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ này.
1.1 Nhiệt độ quá nóng
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cơ thể phải cố gắng làm mát bằng cách giãn các mạch máu gần bề mặt da để tiết ra mồ hôi. Điều này làm cho tim phải làm việc nhanh hơn để duy trì lưu lượng máu cần thiết đến các cơ quan quan trọng, gây thêm áp lực lên tim và tăng nguy cơ đột quỵ.
Dưới nhiệt độ rất nóng, cơ thể sẽ bị mất nước, dẫn đến tình trạng ngất xỉu đột ngột, nguyên nhân chủ yếu trong trường hợp này là do thiếu máu lên não, mất nước.
1.2 Nhiệt độ quá lạnh
Trong thời tiết lạnh, máu của bạn sẽ tập trung vào các cơ quan cốt lõi để giữ ấm, dẫn đến tim phải làm việc nhanh hơn mới có thể đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các cơ quan quan trọng. Điều này tạo áp lực lên tim và có thể tăng nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, khi thời tiết lạnh kéo dài, mọi người thường có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn và ít tập thể dục. Khi họ bất ngờ phải làm một hoạt động thể chất mạnh, chẳng hạn như chạy bộ, leo nhiều tầng cầu thang, sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Vào đầu mùa đông, các trung tâm y tế tại các quốc gia có mùa đông khắc nghiệt thường cảnh báo nguy cơ nhồi máu cơ tim và sẵn sàng đối phó với tình trạng cấp cứu này.
1.3 Ô nhiễm không khí và tác động đến tim mạch
Ngoài nhiệt độ, mức độ ô nhiễm không khí cũng có tác động tiêu cực đối với sức khỏe tim mạch. Thông thường, ô nhiễm không khí sẽ liên quan nhiều đến hệ hô hấp, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến tim mạch do các cơ quan trong cơ thể luôn có mối liên hệ chặt chẽ cùng nhau.
Hạt bụi mịn (đường kính hạt bụi nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micrometer) là những hạt siêu nhỏ trong không khí, có thể gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến các mạch máu và tim.
Sự tiếp xúc với hạt bụi mịn có thể góp phần vào sự hình thành và đẩy nhanh tiến triển của tình trạng tắc nghẽn trong các động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
2. Nhóm đối tượng có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao
Một số người có nguy cơ cao hơn gặp đột quỵ tim trong các điều kiện thời tiết cực đoan hoặc môi trường ô nhiễm. Những người này bao gồm:
● Người có tiền sử bệnh tim mạch, như bệnh động mạch vành và cao huyết áp.
● Phụ nữ mang thai.
● Người mắc bệnh tiểu đường.
● Người lớn tuổi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên lo lắng. Tất cả mọi người nên thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe khi phải đối mặt với thời tiết cực đoan hoặc môi trường ô nhiễm.
3. Cách ngăn ngừa nhồi máu cơ tim dưới các điều kiện thời tiết
3.1 Thời tiết nắng nóng
Để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tim mạch của bạn trong thời tiết nắng nóng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
● Giữ cơ thể luôn được cung cấp đủ nước bằng cách uống đủ nước .
● Nên tìm nơi mát mẻ hoặc có điều hòa khi có thể để tránh nhiệt độ cơ thể quá cao.
● Hạn chế các hoạt động ngoài trời, điều chỉnh chế độ và loại hình tập luyện thể dục phù hợp với điều kiện thời tiết. Đừng tập luyện cố gắng quá sức.
● Lắng nghe cơ thể của bạn và nghỉ ngơi khi cần. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu đuối, nghỉ ngơi và tìm sự giúp đỡ y tế nếu cần.
3.2 Thời tiết lạnh
Khi thời tiết lạnh, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe của mình:
● Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp đồ mỏng để bảo vệ da khỏi bị đông lạnh và giữ cơ thể ấm.
● Xem xét việc tập thể dục trong nhà hoặc sử dụng ứng dụng thể dục thường xuyên để quá trình lưu thông máu được diễn ra tốt hơn.
● Hãy thận trọng khi thực hiện các hoạt động vận động nặng như đào tuyết, và nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ nhồi máu cơ tim, hãy yêu cầu đến sự giúp đỡ từ người khác.
3.3 Kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí
Có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí thông các chỉ số bụi mịn PM 2.5 và PM 1.0 (đường kính hạt bụi nhỏ hơn hoặc bằng 1.0 micrometer).
Những ngày ô nhiễm không khí trầm trọng thường có các chỉ số bụi mịn rất cao và rất cần thiết phải sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe thích hợp, chẳng hạn như các thiết bị lọc không khí, chủ yếu hoạt động trong nhà, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm bên ngoài.
Nhìn chung, thời tiết cực đoan và ô nhiễm không khí có thể gây nguy cơ đột quỵ tim gây tử vong. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ thích hợp và lắng nghe cơ thể của mình.
Điều quan trọng là hiểu rõ rằng các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim của chúng ta và hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đề phòng phù hợp, giữ cho tim mạch khỏe mạnh trong mọi điều kiện thời tiết.