Hoạt động thể chất trong bệnh viêm ruột là một trong những phương pháp hỗ trợ quan trọng giúp kiểm soát các triệu chứng ngoài ruột như căng thẳng, lo âu và mệt mỏi. Tuy nhiên, dù các nghiên cứu cho thấy lợi ích của tập thể dục nhưng việc áp dụng liệu pháp này cần được điều chỉnh phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân để đạt hiệu quả tối ưu.
Bài viết được viết bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Bệnh viêm ruột là gì?
Viêm ruột (IBD) là một dạng bệnh viêm nhiễm thuộc hệ tiêu hóa. Tình trạng này xảy ra khi ruột bị viêm do tác động của cả vi khuẩn và virus. Trong đó, các bệnh như viêm loét đại tràng mạn tính hay Crohn đều được xếp vào nhóm viêm ruột.
Tình trạng gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu đang là một mối lo ngại sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự mất cân bằng giữa tín hiệu viêm và chống viêm trong ruột do tác động của nhiều yếu tố và có thể bị ảnh hưởng bởi cơ địa dễ mắc bệnh, kết hợp với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn hoặc virus.
Nhìn chung, liệu pháp điều trị ban đầu thường giúp khoảng 50% đến 60% bệnh nhân cải thiện các triệu chứng hoặc giảm mức độ các dấu hiệu sinh học gây viêm. Trong nhóm này, khoảng 20% đến 30% bệnh nhân thuyên giảm bệnh và ít nhất một nửa trong số đó duy trì sự thuyên giảm theo thời gian.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy có một tỷ lệ lớn bệnh nhân bị mất phản ứng ban đầu với liệu pháp sinh học và khoảng 40% bệnh nhân còn lại bị mất phản ứng thứ phát. Những thông tin này chỉ ra nguy cơ tái phát bệnh là rất cao và có thể cần thêm các biện pháp can thiệp ngoài liệu pháp điều trị ban đầu.
Ngoài các vấn đề tái phát, ngay cả khi các triệu chứng đường ruột được kiểm soát và thuyên giảm, bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột vẫn có thể gặp phải những vấn đề ngoài đường ruột nghiêm trọng như lo âu, trầm cảm, mệt mỏi và chất lượng cuộc sống (QoL) suy giảm. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ mắc trầm cảm trong suốt cuộc đời lên tới 40%, trong khi nguy cơ phát triển lo âu là 30%.
Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các triệu chứng ngoài đường ruột còn làm tăng khả năng tái phát các triệu chứng liên quan đến đường ruột và buộc bệnh nhân phải tới cơ sở chăm sóc sức khỏe, kéo theo chi phí phát sinh. Tại các quốc gia thiếu nguồn lực, để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân có thể phải di chuyển xa và chi trả chi phí lớn. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân lại chọn chịu đựng các triệu chứng này thay vì tìm cách làm giảm hoặc thừa nhận bản thân đang mắc bệnh.

2. Hoạt động thể chất trong bệnh viêm ruột và cách tiếp cận khác để kiểm soát triệu chứng ngoài ruột của bệnh viêm ruột
Trong số các phương pháp khác nhau nhằm kiểm soát các triệu chứng ngoài ruột của IBD thì có ba phương pháp quan trọng và đáng chú ý. Các phương pháp này bao gồm:
- Vai trò của hoạt động thể chất.
- Vai trò của y học bổ sung (như yoga, liệu pháp âm nhạc) như một biện pháp can thiệp y học tâm-thân
- Vai trò của việc điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.
Tất cả những biện pháp can thiệp này thường ít tốn kém hơn. Trong đó, Cơ chế tác động của những biện pháp này là thông qua việc thay đổi cân bằng giữa tín hiệu gây viêm và chống viêm trong ruột cũng như trong các khu vực khác của cơ thể.
Một bài báo đã đề xuất các phương án khác ví dụ như:
- Giảm lượng mỡ nội tạng.
- Tăng cường sản xuất và giải phóng các cytokine chống viêm từ cơ xương.
- Giảm số lượng thụ thể giống Toll của tế bào đơn nhân và đại thực bào với việc giảm các cytokine gây viêm do hoạt động thể chất mang lại.
Những nghiên cứu gần đây về sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột đã cung cấp bằng chứng về khả năng thay đổi của tín hiệu này.
2.1 Vai trò của hoạt động thể chất trong bệnh viêm ruột
Hiện tại, các tác giả đã tìm hiểu thông tin về ba phương pháp tiếp cận bổ trợ thay thế cho bệnh viêm ruột. Một số đánh giá chi tiết về vai trò của hoạt động thể chất đối với bệnh viêm ruột cũng đã được thực hiện.
Mặc dù một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân viêm ruột nên tập thể dục vừa phải ít nhất ba lần một tuần, mỗi lần 30 phút nhưng vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể về việc tập thể dục cho nhóm bệnh nhân này.
Cơ sở cho hoạt động thể chất được xác lập từ các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng hoạt động thể chất cường độ cao, trái ngược với mức độ vừa phải, có tác động rõ rệt đến chức năng đường tiêu hóa, tính toàn vẹn của nội mô và sự di chuyển của các kháng nguyên trên niêm mạc.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột, hoạt động thể chất cường độ cao có thể không khả thi hoặc không được chấp nhận vì có thể kích hoạt các triệu chứng ở đường ruột, làm tình trạng mệt mỏi trở nên nặng hơn hoặc dẫn đến những cơn đi ngoài không kiểm soát. Do đó, nghiên cứu cần tập trung vào các hoạt động thể chất vừa phải hoặc nhẹ (đối với những người không thể thực hiện các hoạt động vừa phải). Bên cạnh đó, hiệu quả của việc thực hiện chế độ tập luyện trong thời gian dài cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, các kết quả đã được công bố thường không đưa ra kết luận rõ ràng. Một nghiên cứu vào năm 2010 chỉ ra rằng cả sự thiếu hụt tài liệu lẫn tính không đồng nhất giữa các nghiên cứu đã gây khó khăn cho việc xác định chắc chắn lợi ích của hoạt động thể chất như một biện pháp bổ trợ trong quản lý bệnh viêm ruột.
Một nghiên cứu gần đây hơn cho thấy có mức độ bằng chứng trung bình ủng hộ quan điểm tập thể dục có ảnh hưởng đến sự thay đổi thành phần cơ thể ở bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột.
Trong khi đó một nghiên cứu khác đã đi đến kết luận rằng các bác sĩ có thể xem xét thảo luận về các biện pháp can thiệp hoạt động thể chất trong bệnh viêm ruột dựa trên từng bệnh nhân đối với các triệu chứng như chất lượng cuộc sống thấp, mệt mỏi, trầm cảm hoặc lo lắng vì có một số bằng chứng cho thấy tập luyện thể chất có lợi ích cho tình trạng bệnh.
Đặc biệt, một nghiên cứu khác kết luận rằng tập thể dục với mức độ vừa phải giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu ở người lớn mắc bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng có nhiều rào cản đối với việc thực hiện hoạt động thể chất ở nhóm bệnh nhân này do đó cần cân nhắc một phương pháp tiếp cận thận trọng.
2.2 Sử dụng yoga hoặc âm nhạc như thuốc bổ trợ
Các phương pháp y khoa bổ sung như yoga hoặc âm nhạc có thể là giải pháp thứ hai hỗ trợ hiệu quả cho bệnh nhân viêm ruột, giúp giảm căng thẳng, lo âu, trầm cảm và mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp các liệu pháp bổ sung với y học cổ truyền mang lại lợi ích trong điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt là trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Tuy nhiên, để khẳng định tính hiệu quả thì chúng ta cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa bệnh viêm ruột và chứng loạn khuẩn đường ruột cũng đã được công nhận rộng rãi.

Vì vậy, phương pháp tiếp cận thứ ba cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu nhiều đó là ghi lại sự thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân viêm ruột trước và sau khi điều trị bằng thuốc phù hợp, đồng thời theo dõi để xem liệu những người bệnh tái phát hoặc có các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa có trải qua những thay đổi mới trong hệ vi sinh vật đường ruột hay không.
Đây có thể là nguyên nhân hoặc hậu quả của các triệu chứng. Nếu được chứng minh, một phương pháp quản lý có thể bao gồm việc khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột về trạng thái bình thường.
Nhìn chung, hoạt động thể chất trong bệnh viêm ruột không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng ngoài ruột như lo âu, trầm cảm và mệt mỏi. Tuy nhiên, việc áp dụng các bài tập thể dục cần được cá nhân hóa để tránh kích hoạt các triệu chứng đường ruột.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
1. Correction to Lancet Gastroenterol Hepatol 2020; 5: 908-17. Lancet Gastroenterol Hepatol. 2020;5:e8
2. Blanchard JF, Bernstein CN, Wajda A, Rawsthorne P. Small-area variations and sociodemographic correlates for the incidence of Crohn's disease and ulcerative colitis. Am J Epidemiol. 2001;154:328-335.
3. Ananthakrishnan N. Unresolved conundrum of the role of physical activity in inflammatory bowel disease: What next? World J Gastroenterol 2024; 30(21): 2744