Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Phình động mạch chủ là bệnh xảy ra khi lớp áo trong bị rách làm cho dòng máu nhanh chóng bóc tách đi lớp áo giữa của thành động mạch. Đây là một cấp cứu nội khoa và chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh phình tách động mạch chủ.
1. Đặc điểm của bệnh phình tách động mạch chủ
Phình động mạch chủ là một căn bệnh hiếm gặp (tỷ lệ người mắc căn bệnh này chỉ chiếm 5-30 ca/triệu người/năm), và tần suất còn phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi của từng quần thể với những yếu tố nguy cơ khác nhau.
Triệu chứng của bệnh phình tách động mạch chủ rất đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với rất nhiều bệnh cảnh cấp cứu khác, do đó chúng ta cần chú ý những nghi ngờ khác nhau mới có thể chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời. Tỷ lệ mắc ở nam/nữ ~ 2/1. Độ tuổi mắc bệnh cao nhất trong khoảng từ 60-70 tuổi với tỷ lệ tử vong chiếm 1%/mỗi giờ trong 48 giờ đầu.
Vị trí tổn thương hay gặp nhất là động mạch chủ lên (chiếm ~ 65%), động mạch chủ xuống (chiếm ~ 20%), quai động mạch chủ (chiếm ~ 10%), còn lại là phình tách động mạch chủ bụng.
Các yếu tố thuận lợi của phình tách động mạch chủ: cao huyết áp (70-90%), thoái hóa sợi collagen và sợi đàn hồi, chấn thương, tai biến do thầy thuốc, hẹp van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ...
2. Phân loại
Phình động mạch chủ được chia thành nhiều kiểu khác nhau, bao gồm:
● Phân loại dựa trên DeBakey sẽ được chia thành 3 typ chính như:
○ Typ 1: là những thương tổn của toàn bộ động mạch chủ lên cùng với động mạch chủ xuống.
○ Typ 2: dành cho những tổn thương chỉ xuất hiện tại động mạch chủ lên.
○ Typ 3: là những tổn thương chỉ xuất hiện tại đoạn động mạch chủ xuống.
● Phân loại dựa trên Stanford sẽ chia thành:
○ Typ A: là những tổn thương tại đoạn động mạch chủ lên dù xảy ra khởi phát tại bất cứ đoạn động mạch chủ nào trong cơ thể.
○ Typ B: là những tổn thương động mạch chủ đoạn xa tính từ chỗ xuất phát chính của những nhóm động mạch dưới của đòn trái.
● Phân loại dựa trên thời gian mà bệnh nhân mắc bệnh.
○ Cấp tính: được tính khi bệnh nhân trong thời gian tính từ khi bắt đầu khởi bệnh dưới 2 tuần.
○ Mạn tính: là khi thời gian bị bệnh của người bệnh đã trên 2 tuần, theo nghiên cứu thì có đến khoảng 1/3 số bệnh nhân khi được chẩn đoán và điều trị đã nằm ở nhóm mạn tính.
○ Tỷ lệ người bệnh bị tử vong sẽ nhanh chóng tăng dần lên trong vòng 2 tuần đầu tiên, và có thể đạt cực đại đến khoảng 75-80%, gây nên một ngưỡng tự nhiên về những diễn biến chung của bệnh.
3. Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán và điều trị phình tách động mạch chủ
Vai trò chính của chẩn đoán hình ảnh động mạch chủ trong siêu âm và chụp CT là:
● Xác định chính xác vị trí động mạch chủ có diễn biến bất thường.
● Xác định đường kính tối đa mà đoạn động mạch chủ đang bị giãn, sẽ đo dựa theo đường kính thành ngoài của động mạch chủ và đặt vuông góc với đường trục của dòng máu. Đồng thời, tiến hành đo chiều dài của đoạn động mạch chủ bất thường.
● Đối với những bệnh nhân đang bị nghi ngờ hoặc đã xác định chính xác có sự xuất hiện của hội chứng di truyền với nguy cơ cao bị bệnh lý động mạch chủ thì cần đo kích thước vòng van và đường kính của xoang Valsalva, cùng với đường kính vị trí tiếp nối xoang Valsalva và động mạch chủ lên, đường kính động mạch chủ lên.
● Đánh giá về sự có mặt của những tổn thương xơ vữa hoặc huyết khối trên bề mặt của nội mạc thành mạch.
● Đánh giá thêm về sự có mặt của những tổn thương tụ máu xuất hiện tại thành mạch, hoặc loét xơ vữa và vôi hóa.
● Xác định sự lan tỏa của những tổn thương động mạch chủ với những nhánh động mạch gồm cả phình và tách, những bằng chứng tổn thương của các cơ quan đích thứ phát như giảm tưới máu cho ruột và thận.
● Nếu như đã có hình ảnh thăm dò trước đó thì có thể so sánh trực tiếp giữa các hình ảnh để có thể phát hiện ra sự gia tăng về kích thước của mạch máu.
4. Điều trị
4.1. Nội khoa
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ cần hạ huyết áp cấp cứu dù chưa nhận được những chẩn đoán xác định:
● Tiêu chí: hạ huyết áp của người bệnh tới 100 - 120mmHg và giảm đi dòng máu đang lưu thông qua van của động mạch chủ. Đồng thời, cần cố gắng ổn định giá trị huyết áp và cố giảm huyết tối đa và thực hiện giảm nhịp tim.
● Những loại thuốc nên lựa chọn: Labetalol là loại thuốc chẹn beta và alpha có tác dụng làm giảm áp lực của thành mạch, đồng thời kiểm soát được huyết áp nhanh chóng.
Ngoài ra, giảm đau cũng chính là một cách để có thể kiểm soát huyết áp tốt hơn. Các bác sĩ có thể thêm Morphin Sulphat vào cơ thể theo đường tiêm tĩnh mạch, cần dò chính xác liều lượng phù hợp cho người bệnh, ví dụ: Morphine 10 mg cần pha loãng thành loại 10ml với Natriclorua 0.9%, rồi sau đó thì tiêm vào tĩnh mạch lượng 5 mg, sau 3-5 phút thì đánh giá lại tình hình đau, nếu như không đỡ thì tiêm tiếp 5 mg.
4.2. Ngoại khoa
Trong nhiều trường hợp phình tách động mạch chủ Typ A thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật tại đơn vị uy tín, có kíp mổ và gây mê hồi sức chuyên nghiệp. Phẫu thuật có thể giúp nối hoặc thay đi đoạn mạch, hoặc thay van động mạch chủ nếu xuất hiện những tổn thương có liên quan đến van của động mạch chủ và mạch vành.
Đối với những trường hợp phình tách động mạch chủ Typ B nếu có xuất hiện biến chứng bị thiếu máu chi hoặc động mạch thận, hay động mạch treo,... thì bệnh nhân có thể được chỉ định tiến hành phẫu thuật, song cần được can thiệp nội mạch để sửa đổi, đây là lựa chọn tối ưu nhất hiện nay.
Bệnh phình tách động mạch chủ có nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhưng hoàn toàn có thể sử dụng chẩn đoán hình ảnh để xác định diễn biến của bệnh, không gây sang chấn và với nhiều phương pháp khác nhau, hỗ trợ chẩn đoán chính xác nhất tình trạng của bệnh. Hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị tốt.