Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hẹp động mạch chủ là một trong bốn loại bệnh van tim thường gặp nhất và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Nó làm cản trở sự lưu thông của dòng máu giàu oxy và dưỡng chất tới các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
1. Hẹp van động mạch chủ là gì?
Hẹp van động mạch chủ là một bệnh lý xảy ra khi cửa van động mạch chủ không mở ra hoàn toàn, khiến cho lỗ mở giữa tâm thất trái và động mạch chủ bị thu hẹp. Lúc này, tim sẽ phải hoạt động vất vả hơn để bơm máu thông qua lỗ nhỏ hơn, khiến cho buồng thất giãn ra, thành thất dày hơn và tim bị yếu đi.
Van càng hẹp thì máu càng khó đi qua, lượng máu không được đẩy hết vào lòng động mạch sẽ bị ứ lại ở tâm thất, gây ra tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, cản trở việc cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể của động mạch chủ.
Trong một số trường hợp nhất định, hẹp van động mạch chủ xảy ra cùng lúc với tình trạng hở van động mạch chủ.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van động mạch chủ
Trong giai đoạn đầu, bệnh thường không biểu hiện rõ các triệu chứng. Cho đến khi van động mạch chủ bị thu hẹp đến một mức độ nào đó gây ra tình trạng thiếu máu thì người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:
- Đau thắt ngực: Lồng ngực bị đè nặng và bóp chặt, cơn đau có thể lan đến hàm, cổ hoặc tay.
- Ho, thậm chí là ho ra máu
- Đầu óc choáng váng, ngất xỉu hoặc bất tỉnh
- Có dấu hiệu của suy tim, chẳng hạn như cảm thấy khó thở, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi vận động, đôi khi bị tỉnh giấc vào nửa đêm
- Tay chân đột ngột yếu đi
- Thị giác có vấn đề
- Bị sốt cao
- Bị chảy máu ở vị trí phẫu thuật
Tùy vào cơ địa của mỗi người mà tình trạng bệnh sẽ khác nhau. Một số bệnh nhân không hề xuất hiện các triệu chứng ở trên.
3. Nguyên nhân gây hẹp van động mạch chủ
Một số nguyên nhân chính gây hẹp van động mạch chủ bao gồm:
3.1 Dị tật tim bẩm sinh
Dị tật này bắt nguồn từ sự bất thường trong cấu tạo của van tim khi trẻ mới sinh ra, ví dụ như van hai lá. Theo thời gian, tình trạng này sẽ khiến van tim bị hẹp dần và thoái hóa.
3.2 Vôi hóa hoặc mảng cholesterol đóng ở van tim
Tuổi tác tăng dần sẽ kéo theo tình trạng van động mạch chủ bị vôi hóa, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, bao gồm cả bệnh hẹp van động mạch chủ.
3.3 Sốt thấp khớp
Đây là một biến chứng nghiêm trọng của viêm họng. Biến chứng này có thể gây tổn hại lớn cho các van tim và dẫn tới suy tim. Thêm vào đó, sốt thấp khớp còn hình thành nên các mô sẹo ở van động mạch chủ, làm cho van bị hẹp lại và tạo điều kiện thuận lợi cho các mảng vôi hóa dễ dàng tích tụ.
3.4 Do thấp tim
Thấp tim kèm theo bệnh van hai lá, thấp tim gây vôi hóa, xơ hóa, dính các mép van và lá van của động mạch chủ.
4. Những đối tượng thường mắc hẹp van động mạch chủ
Hiện nay, hẹp van động mạch chủ là một trong những căn bệnh khá phố biển. Theo thống kê cho thấy, ở nam giới, đặc biệt là những người có tuổi tác cao sẽ có tỷ lệ mắc hẹp van động mạch chủ cao gấp ba lần so với nữ giới.
4.1 Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hẹp van động mạch chủ
Dưới đây là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp van động mạch chủ:
- Những người bẩm sinh đã bị hẹp van động mạch chủ, hoặc tiến triển của tình trạng van hai lá. Bệnh van hai lá có thể do di truyền nếu trong gia đình có người bị mắc bệnh.
- Thoái hóa van động mạch chủ
- Tuổi tác càng cao thì càng dễ gặp phải tình trạng vôi bám ở tim
- Bị sốt thấp khớp
- Mắc bệnh thận mạn tính
- Một số nguy cơ khác như đái tháo đường, cao huyết áp, hút thuốc, nồng độ cholesterol trong máu cao.
4.2 Hẹp van động mạch chủ có nguy hiểm không?
Khi van động mạch chủ bị thu hẹp sẽ gây áp lực cho tâm thất trái. Để thích nghi được tình trạng này, tim sẽ phản ứng lại bằng cách phì đại cơ tim thất trái. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài và không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới hở van hai lá, sau đó là suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh như thường xuyên khó thở, mệt mỏi, kiệt sức, ngất thậm chí là đột tử.
Giai đoạn đầu, bệnh sẽ diễn biến âm thầm, nhưng đến khi xuất hiện các triệu chứng, nguy cơ tử vong sẽ tăng vọt lên nhanh chóng. Sau 2-3 năm, chỉ còn 50% bệnh nhân có khả năng sống sót.
5. Chẩn đoán hẹp van động mạch chủ
Để chẩn đoán hẹp van động mạch chủ, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân mô tả đầy đủ những triệu chứng mà họ mắc phải cũng như tiền sử mắc bệnh của bản thân và gia đình. Một số xét nghiệm, cận lâm sàng được thực hiện giúp bác sĩ xác định tình trạng và mức độ tổn thương của van. Bao gồm:
- Điện tâm đồ: Giúp phát hiện phì đại thất trái và dày nhĩ trái. Đây là hậu quả phổ biến nhất của hẹp van động mạch chủ.
- Chụp X-quang lồng ngực: Đánh giá tình trạng của lồng ngực và các khu vực lân cận
- Siêu âm Doppler tim: Đây là phương pháp hàng đầu để chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng hẹp van động mạch chủ. Thăm dò này thường được chỉ định khi khám lâm sàng có tiếng thổi tim hoặc có các triệu chứng gợi ý của bệnh.
- Thông tim: Phương pháp này được thực hiện khi các xét nghiệm khác không có đủ khả năng để đánh giá hoặc phối hợp để làm tăng tính chính xác khi chẩn đoán bệnh.
Nghiệm pháp gắng sức: Được chỉ định cho các bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng, giúp cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho việc chẩn đoán hẹp van động mạch chủ.
6. Điều trị hẹp van động mạch chủ
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của van động mạch chủ và những ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe mà bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả cho bản thân.
Bạn có thể sử dụng thuốc để điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, những trường hợp bị hẹp nặng và đã có các triệu chứng thì cần tiến hành phẫu thuật sớm nhất có thể. Sự trì hoãn càng làm tăng nguy cơ gặp rủi ro trong phẫu thuật và dễ bị đột tử.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị hẹp van động mạch chủ:
6.1 Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân để giúp hạn chế các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ suy tim. Các loại thuốc này bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống loạn nhịp hoặc chống đông máu,...Ngoài ra, một số loại thuốc kháng sinh cũng có thể được sử dụng cho các trường hợp bị hẹp van do thấp tim nhằm phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng nội tâm mạc và viêm cơ tim.
6.2 Điều trị can thiệp nong van bằng bóng qua da
Phương pháp này hầu hết chỉ được áp dụng cho trẻ em, những người cao tuổi không thể thực hiện phẫu thuật thay van hoặc để can thiệp tạm thời trong thời gian đợi thay van.
6.3 Phẫu thuật mổ hở thay van
Đây là một phương pháp điều trị tương đối an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên tuổi thọ của van và sự ảnh hưởng của nó còn phụ thuộc ít nhiều vào cơ địa cũng như sự tuân thủ theo điều trị của mỗi người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thay các loại van sau:
- Van sinh học: Dành cho những người trên 70 tuổi có sức khỏe yếu. Mặc dù loại van này không cần sử dụng thuốc chống đông dài ngày nhưng tuổi thọ của chúng khá ngắn và có thể gây ra các biến chứng như hở hoặc hẹp van trong vòng 10 năm.
Van cơ học: Loại van này được làm bằng kim loại và có tuổi thọ cao. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời nhằm hạn chế nguy cơ tạo huyết khối và một số biến chứng tắc mạch khác.
7. Phòng ngừa hẹp van động mạch chủ
Để phòng ngừa và hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị hẹp van động mạch chủ, bạn nên thực hiện theo những cách sau đây:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo và tăng cường các loại rau quả
- Tập thể dục đều đặn giúp duy trì vóc dáng khỏe mạnh
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên thăm khám để phát hiện và điều trị sớm viêm họng do liên cầu, giúp tăng khả năng phòng ngừa nguy cơ thấp tim.
- Thực hiện đúng theo phác đồ điều trị và nên theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị để thông báo kịp thời cho bác sĩ
- Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối hoặc rau xanh thẫm (nếu bạn sử dụng thuốc chống đông để không làm ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc).
- Nên tái khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng hẹp van cũng như phát hiện sớm các bất thường.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mổ tim hở là phẫu thuật được thực hiện rất phổ biến, điều trị nhiều bệnh tim mạch. Đặc biệt hơn khi tại Hội nghị gây mê giảm đau thế giới lần 43 diễn ra tại New York, Vinmec đã công bố thành công mổ tim hở không Morphin giảm đau, kết hợp sử dụng kĩ thuật gây tê giảm đau vùng mới ESP. Điều này đã giúp hàng trăm bệnh nhân thoát khỏi những cơn đau sau phẫu thuật cũng như các tác dụng phụ khi sử dụng morphin như: thời gian phục hồi và lưu viện lâu, người bệnh buồn nôn, nôn, ngứa, suy hô hấp, bị phụ thuộc, từ đó gây nên hội chứng tăng cảm giác đau, đau mạn tính sau mổ.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Bùi Tiến Đạt được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch và hồi sức cấp cứu tim mạch tại trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu – tim mạch và hiện đang là bác sĩ tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán hẹp van động mạch chủ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: patient.info