Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Một số bệnh lý cấp tính như phình tách động mạch chủ nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có nguy cơ tử vong rất cao. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ giúp chẩn đoán nhanh chóng chính xác một số bệnh lý cấp và mạn tính của động mạch chủ.
1. Chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ ngực là gì?
Chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ ngực là phương pháp dùng máy chụp cắt lớp phát tia X chiếu lên toàn bộ động mạch chủ ngực theo từng lát cắt, sau đó máy chụp sẽ xử lý hình ảnh bằng máy tính, sau đó bác sỹ sẽ smục đích thăm khám bất thường của động mạch chủ ngực.
2. Chỉ định và chống chỉ định của chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ ngực
Chỉ định:
● Đau ngực nghi ngờ hội chứng động mạch chủ cấp như: Phình tách động mạch chủ, huyết khối động mạch, máu tụ trong thành hay ổ loét xuyên thành động mạch chủ.
● Trường hợp nghi ngờ hẹp eo động mạch chủ.
● Các bệnh lý viêm động mạch chủ: Takayasu...
● Đánh giá tình trạng xơ vữa thành động mạch chủ và các gốc mạch lớn xuất phát từ quai động mạch chủ gây hẹp tắc lòng mạch
● Các trường hợp chấn thương vùng ngực nghi tổn thương động mạch chủ ngực.
Chống chỉ định:
● Chống chỉ định tương đối: Phụ nữ mang thai, người bệnh không đồng ý chụp.
● Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp có chống chỉ định tiêm thuốc đối quang i-ốt như: Bệnh nhân mắc bệnh suy thận nặng, suy gan, suy tim nặng, tiền sử dị ứng thuốc cản quang, mắc bệnh mạn tính đái tháo đường, hen phế quản, cường giáp trạng chưa điều trị ổn định, thiếu máu hồng cầu hình liềm...
3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ ngực
3.1 Chuẩn bị
Người thực hiện: Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
Phương tiện dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính gồm có:
● Máy cắt lớp vi tính đa dãy, máy bơm tiêm điện chuyên dụng.
● Phim chụp, máy in hình ảnh và hệ thống lưu trữ hình ảnh.
● Thuốc đối quang iod loại tan trong nước.
● Vật tư y tế bao gồm: Bơm kim tiêm(loại 10ml, 20ml, 50ml), bơm tiêm dành cho máy bơm tiêm điện, kim tiêm luồn (18-20G), dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý, găng tay, khẩu trang, bộ khay, bông gạc, khay quả đậu, gạc phẫu thuật, kẹp phẫu thuật.
● Hộp chống sốc, các loại thuốc và những dụng cụ cần thiết xử trí tai biến trong trường hợp có bất thường khi người bệnh tiêm thuốc đối quang.
Người bệnh:
● Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách chụp và những tai biến có thể xảy ra khi chụp để phối hợp với người chụp.
● Tháo bỏ các vật dụng có thể gây ra nhiễu ảnh, ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh như vòng cổ, áo ngực... (nếu có).
● Cần nhịn ăn và uống trước khi chụp ít nhất 4-6 giờ. Có thể uống nước nhưng không quá 50ml.
● Người bệnh quá kích thích, lo lắng và sợ hãi hoặc không phối hợp khi chụp: Cần cho thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi chụp.
3.2 Các bước tiến hành
● Tư thế người bệnh: Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đặt đường truyền tĩnh mạch đủ lớn và nối với bơm tiêm điện. Có thể lắp cổng điện tâm đồ hoặc không.
● Chụp định vị: Tiến hành chụp định vị từ cổ tới ngang vòm hoành, đảm bảo lấy hết được gốc và đoạn gần các mạch lớn xuất phát từ quai động mạch chủ.
● Chụp trước khi tiêm: Thường chỉ lấy đoạn ngực, đánh giá các tổn thương máu tụ trong thành tăng tỷ trọng tự nhiên.
● Chụp sau khi tiêm thuốc cản quang với độ dày lát cắt tương ứng với thì trước tiêm:
● Sau khi chụp hình ảnh được tái tạo lại,bác sỹ sẽ đọc kết quả và đưa ra nhận định.
3.3 Nhận định kết quả
● Các lớp cắt cân xứng, hình ảnh rõ nét, phân biệt được động mạch chủ ngực rõ nét trên các ảnh tái tạo.
● Thấy được những thay đổi bất thường của động mạch chủ ngực nếu có.
● Bác sĩ đọc và mô tả tổn thương, sau đó in kết quả.
4. Những tai biến có thể xảy ra khi chụp chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ ngực
Những tai biến có thể xảy ra do thuốc cản quang:
● Tình trạng phản vệ
● Suy thận do thuốc cản quang
● Cơn bão giáp trạng: Biểu hiện tăng nhiệt độ, nhịp tim nhanh, rối loạn cảm xúc, nếu không được phát hiện các dấu hiệu sẽ nặng hơn xuất hiện phù phổi, suy tim, hôn mê...
● Phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ trước khi chụp và khi chụp phải mặc áo bằng chì để bảo vệ bụng.