Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Siêu âm đầu dò là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để kiểm tra cơ quan sinh sản trong cơ thể phụ nữ khi người bệnh có triệu chứng như đau vùng chậu, chảy máu bất thường, u xơ hoặc mang thai ngoài tử cung.
1. Siêu âm đầu dò là gì?
Siêu âm là thuật ngữ được sử dụng cho các kỹ thuật chẩn đoán có sử dụng sóng âm tần số cao. Kỹ thuật siêu âm sử dụng các sóng âm thanh này để tạo ra một hình ảnh và hiển thị các hình ảnh bên trong cơ thể người bệnh trên màn hình điện tử.
Siêu âm đầu dò (Transvaginal ultrasound) được thực hiện để kiểm tra khung chậu của phụ nữ nhằm để xem xét các dấu hiệu bất thường trong tử cung, cổ tử cung, niêm mạc tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang hoặc khoang chậu. Kỹ thuật này sử dụng một thiết bị cầm tay đặc biệt, mỏng, mịn được gọi là đầu dò.
Tất cả các đầu dò siêu âm truyền sóng âm tần số cao và các âm này được phản xạ lại từ các mô mềm, cấu trúc hoặc bộ phận khác nhau trong cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Những sóng âm thanh này sau khi được phản xạ lại sẽ được chuyển đổi thành các xung điện tạo ra hình ảnh chuyển động trên màn hình.
2. Siêu âm đầu dò âm đạo được thực hiện khi nào?
Có rất nhiều lý do tại sao phụ nữ cần thực hiện siêu âm đầu dò như:
- Khám phụ khoa hoặc đau bụng bất thường
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
- Đau vùng xương chậu
- Mang thai ngoài tử cung
- Vô sinh
- Kiểm tra u nang hoặc u xơ tử cung
- Xác nhận đặt vòng tránh thai đúng vị trí
Bác sĩ cũng có thể chỉ định siêu âm đầu dò trong thai kỳ để:
- Theo dõi nhịp tim của thai
- Kiểm tra cổ tử cung để phát hiện bất kỳ thay đổi nào có thể dẫn đến các biến chứng như sảy thai hoặc sinh non
- Kiểm tra nhau thai xem có bất thường không
- Xác định vị trí của chảy máu bất thường
- Chẩn đoán nguy cơ sảy thai
- Xác nhận có thai ở giai đoạn sớm
3. Ưu điểm siêu âm đầu dò
3.1 Cảm giác thoải mái
Bạn sẽ không phải lo lắng cảm giác khó chịu khi đầu dò siêu âm đi vào âm đạo, kể cả khi bạn đang đau rất mạnh ở xương chậu.
Đầu dò đã được bao bọc bởi một lớp bảo vệ và cũng sẽ được bôi trơn trước khi đưa vào ống âm đạo. Do đó, bác sĩ có thể nhẹ nhàng thực hiện kỹ thuật mà không khiến bạn cảm giác đau hay khó chịu.
3.2 Không sử dụng tia bức xạ
Siêu âm đầu do sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong khung xương chậu, vì vậy bạn sẽ không phải lo lắng về việc tiếp xúc với tia bức xạ. Điều này càng quan trọng hơn khi khám thai, do tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, do đó kỹ thuật siêu âm đầu dò này tuyệt đối an toàn với thai nhi.
3.3 Chất lượng hình ảnh cao
Khi đầu dò của thiết bị siêu âm được đặt bên trong đường âm đạo sẽ giúp tạo ra hình ảnh chất lượng cao về cơ quan sinh sản do thiết bị đầu dò đến được rất gần với các cơ quan vùng chậu khi máy phát sóng âm thanh. Hình ảnh chất lượng cao sẽ cho phép bác sĩ dễ dàng phát hiện bất thường, cho dù là chi tiết rất nhỏ trong cơ thể bạn.
3.4 Thời gian thực hiện ngắn
Thời gian thực hiện kỹ thuật siêu âm đầu dò chỉ mất khoảng 15-30 phút để hoàn thành.
3.5 Dễ dàng chuẩn bị trước khi thực hiện
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh hầu như không phải chuẩn bị gì trước khi thực hiện siêu âm đầu dò. Trước khi thực hiện, người bệnh chỉ cần cởi quần và mặc áo choàng của bệnh viện. Tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ và lý do siêu âm, người bệnh cần uống thêm nước để làm đầy bàng quang một phần hoặc hoàn toàn.
4. Nhược điểm của siêu âm đầu dò
Do không có bức xạ được sử dụng và nhìn chung người bệnh không cảm thấy sự khó chịu giống như siêu âm thông thường sử dụng đầu dò ép vào bụng của người bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu khi bắt đầu đưa đầu dò đi vào âm đạo.
Siêu âm đầu dò đòi hỏi phải che đầu dò siêu âm trong vỏ bọc bằng nhựa hoặc latex, do đó có thể gây ra phản ứng ở những người bệnh bị dị ứng latex.
Trong quá trình siêu âm, người bệnh có thể cảm thấy hơi khó chịu nếu có bàng quang đầy nước tiểu hoặc nằm trên bàn khám.
Có thể có một số rủi ro khác tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của người bệnh. Do đó, người bệnh cần thảo luận kỹ về bất kỳ mối quan tâm nào với bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật.
Một số yếu tố hoặc điều kiện có thể ảnh hưởng đến kết quả của siêu âm đầu dò như:
- Béo phì
- Barium trong ruột do gần đây, người bệnh có uống barium để thực hiện kỹ thuật chẩn đoán khác
- Đầy hơi trong ruột
- Bàng quang chứa nhiều nước tiểu: siêu âm đầu dò cần bàng quang ít hoặc không có nước tiểu để hình ảnh tốt hơn và đỡ khó chịu vì chèn ép hơn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.