Di chuyển bằng tàu xe trên những quãng đường xa đã trở thành nỗi ám ảnh ở những người dễ bị say tàu xe. Vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc chống say tàu xe trong các chuyến đi trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này cần có những lưu ý và thận trọng nhất định. Vậy uống thuốc chống say xe có hại không?
1. Nguyên nhân gây say tàu xe
Để trả lời được câu hỏi “Uống thuốc chống say xe có hại không và cần uống thuốc khi nào?”, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về say tàu xe và nguyên nhân say tàu xe.
Theo đó, não bộ là trung tâm chỉ huy của cơ thể và là cơ quan tiếp nhận, xử lý mọi thông tin từ các giác quan khắp cơ thể báo về. Khi chúng ta di chuyển trên xe hoặc tàu, não bộ cảm nhận được cơ thể đang trong tình trạng đứng yên, không chuyển động. Tuy nhiên, sự rung lắc liên tục và không theo quy luật trong quá trình di chuyển của phương tiện làm các giác quan của cơ thể (đặc biệt là hệ thống tiền đình có vai trò kiểm soát cảm giác cân bằng trong cơ thể) gửi tín hiệu có sự chuyển động cơ thể về não. Các tín hiệu hỗn độn, không thống nhất này làm não phản ứng, gây ra cảm giác chóng mặt, buồn nôn và nôn.
Say tàu xe thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 3 – 12 tuổi (độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về hệ tiền đình - ốc tai). Ở người trưởng thành, phụ nữ hay gặp say tàu xe hơn nam giới. Các triệu chứng say tàu xe thường diễn ra theo chiều hướng leo thanh: Cảm giác khó chịu trong người xuất hiện đầu tiên, sau đó là buồn nôn, nôn, mệt mỏi trong người. Cảm giác chóng mặt, buồn nôn càng lúc càng dữ dội hơn, kèm theo đó là tăng tiết nước bọt, đổ mồ hôi, đôi khi là lạnh toàn thân. Tuy nhiên, say tàu xe chỉ là triệu chứng nhất thời và thường chấm dứt khi hành trình di chuyển trên xe chấm dứt, không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe.
Đối với những người hay bị say tàu xe cần lưu ý một số điều sau khi di chuyển bằng tàu xe như sau:
- Tìm chỗ ngồi thoáng mát. Nếu phải di chuyển trong thời gian dài thì nên tìm chỗ ngồi giữa thân xe, tàu, vì đây là vị trí ít bị di chuyển nhất;
- Trước hành trình di chuyển nên nghỉ ngơi dưỡng sức, không uống rượu bia và các chất có cồn trước và trong khi đi tàu xe;
- Không hút thuốc lá hoặc ngồi gần người hút thuốc lá trong khi di chuyển bằng tàu xe;
- Không đọc sách, báo hoặc nhìn chăm chú vào một vật nào đó.
2. Sử dụng thuốc chống say xe có hại không?
“Uống thuốc say xe có hại không?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Theo đó, có nhiều nhóm thuốc dùng trong chống say tàu xe. Mỗi loại thuốc đều có những lưu ý, chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng ở một số đối tượng cụ thể. Cụ thể như sau:
2.1. Thuốc kháng Histamin H1
Trong nhóm thuốc kháng Histamin H1, ngoài tác dụng chống dị ứng, một số thuốc trong nhóm này thuộc thế hệ thứ nhất còn có tác dụng làm giảm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và nôn do say tàu xe. Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị say tàu xe như Dimenhydrinate, Diphenhydramine, Meclizine, Cinnarizine...
Thuốc kháng Histamin H1 dùng trong say tàu xe có tác dụng phòng ngừa tốt hơn là điều trị, vì vậy bạn cần dùng thuốc ít nhất 30 phút trước khi khởi hành. Không sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc (đặc biệt là thuốc an thần) sẽ làm tăng tác dụng ức chế thần kinh của thuốc kháng Histamin H1. Cần chú ý, không uống rượu trong thời gian dùng thuốc.
Đối với nhóm thuốc này, câu trả lời cho câu hỏi uống nhiều thuốc say xe có hại không là có. Đặc biệt với một số đối tượng sau:
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: Chống chỉ định sử dụng thuốc kháng Histamin;
- Các thuốc trong nhóm này được chuyển hóa qua gan, thận nên cần thận trọng khi sử dụng ở người có rối loạn chức năng gan, thận, người cao tuổi và rối loạn chuyển hóa;
- Thận trọng khi sử dụng ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú;
- Thận trọng khi sử dụng ở người mắc bệnh hen phế quản, rối loạn đường hô hấp dưới, tăng huyết áp, cường tuyến giáp, tắc nghẽn dạ dày – ruột, người mắc bệnh tim mạch;
- Các thuốc trong nhóm này thường gây ra tác dụng phụ là rối loạn tâm thần, táo bón, khô miệng, nhìn mờ, buồn ngủ.
2.2. Thuốc kháng đối giao cảm
Hoạt chất được sử dụng phổ biến trong nhóm này là Scopolamine. Thuốc có hiệu quả tốt trong ngăn chặn tình trạng say xe so với các thuốc thuộc nhóm khác. Scopolamine được bào chế dưới dạng miếng dán da có kích thước nhỏ nên rất tiện lợi. Thuốc có ưu điểm là thời gian tác dụng dài (lên đến 72 giờ) nên người bệnh không cần phải sử dụng nhiều lần như các thuốc khác.
Khác với các miếng dán hoặc cao dán khác chỉ có tác dụng tại chỗ. Miếng dán Scopolamine là liệu pháp điều trị xuyên qua da và có tác dụng toàn thân. Sau khi dán, thuốc sẽ thấm qua da, qua các tĩnh mạch và vào máu, phát huy tác dụng toàn thân tương tự như thuốc dùng bằng đường uống hay đường tiêm.
Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng, bạn cần dán miếng dán vào vùng da không trầy xước, không có lông và tóc trước khi khởi hành ít nhất 4 giờ. Lưu ý không sử dụng cùng lúc nhiều miếng dán hoặc sử dụng cùng với các thuốc chống say tàu xe khác. Gỡ bỏ miếng dán ngay nếu cảm thấy có các triệu chứng bất thường sau khi dán.
Câu trả lời cho câu hỏi uống nhiều thuốc say xe có hại không đối với Scopolamine là có. Vì thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn kéo dài và nghiêm trọng khi dùng quá liều. Cụ thể như sau:
- Trên hệ thần kinh trung ương, Scopolamine gây hoa mắt, buồn ngủ, lú lẫn, mất trí nhớ tạm thời, lú lẫn, mất phương hướng;
- Giảm tiết dịch, tăng nhãn áp, tăng nhịp tim, mất phương hướng tạm thời;
- Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh tắc nghẽn hệ tiêu hóa, người bệnh phì đại tuyến tiền liệt, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người nhịp tim nhanh.
2.3. Các liệu pháp giảm say tàu xe từ tự nhiên
Ngoài các nhóm thuốc kể trên, các liệu pháp tự nhiên giảm say tàu xe cũng mang lại hiệu quả cao và không có tác dụng phụ như uống trà gừng, nước gừng, dùng tinh dầu thơm từ vỏ cam, vỏ quýt, bạc hà giúp mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn và giảm mùi xe cho bạn trong suốt hành trình.
Như vậy mỗi loại thuốc chống say tàu xe đều có những chỉ định, lưu ý và chống chỉ định khi sử dụng. Bất kỳ loại thuốc nào nếu lạm dùng đều không mang lại hiệu quả và độ an toàn cao. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm được kiến thức về sử dụng thuốc chống say tàu xe để có cách dùng hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.