Nhóm thuốc kháng Histamin H1 được sử dụng rất phổ biến với mục đích chống lại các triệu chứng do dị ứng gây nên. Một trong các hoạt chất thường gặp của nhóm này là Fexofenadine có trong thuốc Loxcip 180mg.
1. Thuốc Loxcip 180mg là gì?
Loxcip 180mg là 1 sản phẩm của Công ty Aurochem Pharma Pvt., Ltd (Ấn Độ). Thành phần hoạt chất của chính thuốc Loxcip là fexofenadin hydroclorid hàm lượng 180mg, được sử dụng để điều trị các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở người trưởng thành và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
2. Công dụng, chỉ định của thuốc Loxcip 180mg
Thuốc Loxcip 180mg được chỉ định chủ yếu trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
Trong đó những triệu chứng được điều trị có hiệu quả bao gồm:
- Hắt hơi, chảy nước mũi;
- Ngứa vòm miệng và họng;
- Đỏ, ngứa mắt hoặc chảy nước mắt.
3. Dược lực và dược động học của thuốc Loxcip
3.1. Dược lực học
Fexofenadine là hoạt chất chính của thuốc Loxcip, thuộc nhóm kháng thụ thể histamin H1 thế hệ mới với khả năng chống dị ứng hiệu quả. Fexofenadine có ưu điểm là một thuốc kháng histamin tác dụng kéo dài và không có tác dụng phụ an thần, gây gây ngủ.
Về bản chất, Fexofenadine là chất chuyển hóa của terfenadin, hoạt động đối kháng với histamin chọn lọc ở thụ thể H1 ngoại biên.
Theo các nghiên cứu, hoạt chất Fexofenadine có khả năng ức chế sự co thắt phế quản do kháng nguyên dị ứng ở chuột lang, đồng thời ức chế sự bài tiết histamin từ dưỡng bào ở màng bụng của chuột cống. Trên các động vật thí nghiệm, hoạt chất này không cho thấy tác dụng kháng cholinergic hoặc ức chế thụ thể alpha 1 - adrenergic. Bên cạnh đó, tác dụng an thần hoặc những tác động trên hệ thần kinh trung ương cũng không được ghi nhận.
Một số nghiên cứu trên chuột cống về sự phân bố ở mô của fexofenadine được đánh dấu, cho kết quả hoạt chất này không có khả năng vượt qua hàng rào máu - não.
3.2. Dược động học
Một số nghiên cứu về nồng độ thuốc Loxcip trong huyết tương cho kết quả như sau:
- Những tình nguyện viên là nam giới khỏe mạnh sau uống 1 liều duy nhất 2 viên hàm lượng 60mg cho thấy hoạt fexofenadine hydrochloride hấp thu tương đối nhanh, thời gian trung bình để đạt nồng độ tối đa trong huyết tương là 2.6 giờ;
- Ở những người khỏe mạnh, sau khi uống liều duy nhất dung dịch chứa 60mg fexofenadine, nồng độ thuốc trung bình trong huyết thanh là 209ng/ml;
- Tình nguyện viên khỏe mạnh khi sử dụng fexofenadine hydrochloride dạng dung dịch uống 60ml cách mỗi 12 giờ và tổng cộng 10 lần, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương là 286 ng/ml;
- Khi uống liều 120mg mỗi lần, 2 lần mỗi ngày thì fexofenadine hydrochloride sẽ có đặc điểm dược động học tuyến tính.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ Fexofenadine trong huyết tương:
- Với người trên 65 tuổi, nồng độ đỉnh của fexofenadine hydrochloride huyết tương cao hơn 99% so với nồng độ ở người dưới 65 tuổi. Tuy nhiên thời gian bán hủy trung bình của 2 nhóm là tương tự nhau;
- Người suy chức năng thận mức độ từ nhẹ (độ thanh thải creatinin 41 - 80ml/phút) đến nặng (độ thanh thải creatinin 11 - 40ml/phút) cho kết quả nồng độ đỉnh fexofenadine huyết tương cao hơn (87% và 111%) so với người khỏe mạnh, thời gian bán hủy trung bình cũng dài hơn so với người khỏe mạnh;
- Người suy gan: Dược động học của fexofenadine hydrochloride ở người suy gan không khác biệt quá nhiều so với người khỏe mạnh;
- Ảnh hưởng của giới tính: Các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới về dược động học của fexofenadine.
4. Liều dùng của thuốc Loxcip 180mg
Thuốc Loxcip 180mg được sử dụng bằng đường uống, khi dùng cần nuốt toàn bộ viên thuốc với một lượng nước vừa đủ. Lưu ý người bệnh nên uống thuốc Loxcip 180mg cách ít nhất 2 giờ so với thời điểm sử dụng các thuốc kháng axit dạ dày có chứa nhôm hay magie.
Liều dùng của thuốc Loxcip:
- Người trưởng thành và trẻ em 12 tuổi trở lên: Liều khuyến cáo là 60mg, 2 lần uống mỗi ngày hoặc 180mg uống 1 lần duy nhất trong ngày;
- Người suy thận chỉ uống một liều duy nhất 60mg/ngày;
- Người cao tuổi và bệnh nhân suy gan không cần điều chỉnh liều dùng;
5. Tác dụng phụ của thuốc Loxcip 180mg
Khi sử dụng sản phẩm Loxcip 180mg, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn (ADR), bao gồm:
- Đau đầu, chóng mặt;
- Tiêu chảy, nôn ói;
- Đau cánh tay, đau chân hoặc lưng;
- Đau trong kỳ kinh nguyệt;
- Ho;
- Một số biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, phát ban, ngứa ngáy, khó thở hoặc khó nuốt, sưng mặt, cổ họng, lưỡi, môi, mắt, tay, chân.
Khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Loxcip 180mg, người sử dụng cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
6. Một số lưu ý khi sử dụng Loxcip 180mg
Trước khi sử dụng thuốc Loxcip 180mg, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo những thông tin dưới đây.
Một số trường hợp chống chỉ định tuyệt đối của Loxcip 180mg:
- Người tiền sử mẫn cảm hay dị ứng với bất cứ hoạt chất hay thành phần nào có trong thuốc Loxcip 180mg;
- Một số trường hợp khác được quy định trong tờ thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc;
Một số vấn đề cần thận trọng khi sử dụng thuốc Loxcip 180mg:
- Thông báo với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Loxcip về tiền sử dị ứng fexofenadine hay bất kỳ hoạt chất nào khác và các thuốc đang sử dụng hoặc có thể sử dụng trong tương lai;
- Thông báo với bác sĩ nếu có hoặc đã từng mắc bệnh thận;
- Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc Loxcip 180mg chưa được nghiên cứu;
- Với người cao tuổi, hoạt chất Fexofenadine của Loxcip sẽ bài tiết chủ yếu qua thận. Do chức năng thận của người già thường suy giảm theo tuổi tác nên cần thận trọng về liều sử dụng, cũng như nên theo dõi chức năng thận thường xuyên;
- Bệnh nhân suy thận cần giảm liều thuốc Loxcip 180mg khi sử dụng;
- Phụ nữ đang mang thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của thuốc Loxcip trên phụ nữ mang thai, do đó chỉ nên sử dụng khi lợi ích mang thai cho đối tượng này và thai nhi phải vượt trội những nguy cơ tiềm ẩn;
- Phụ nữ cho con bú: Chưa rõ khả năng bài tiết vào sữa mẹ của fexofenadine, do đó nên thận trọng khi dùng thuốc Loxcip 180mg cho người đang cho con bú.
7. Tương tác thuốc của Loxcip 180mg
Các thuốc có thể xảy ra tương tác với Loxcip 180mg, bao gồm:
- Thuốc kháng axit dạ dày có chứa gel nhôm hay magie có thể làm giảm sinh khả dụng của fexofenadine. Do đó cần sử dụng 2 thuốc cách nhau ít nhất 2 giờ;
- Sử dụng phối hợp với erythromycin hoặc ketoconazole có thể làm tăng nồng độ fexofenadine trong huyết tương lên 2 - 3 lần. Tuy nhiên, sự gia tăng nồng độ không ảnh hưởng trên khoảng QT và khi so sánh với việc dùng riêng lẻ các thuốc cũng không thấy tăng thêm bất cứ phản ứng phụ nào.
Thuốc Loxcip được chứng minh đạt hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về dị ứng. Tuy nhiên, thuốc cần được sử dụng đúng cách, đúng đối tượng để tránh tình trạng tương tác thuốc và gây ra tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.