Khi nhận thông báo bản thân mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối, nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng và bối rối. Dưới đây sẽ là những thông tin quan trọng mà người bệnh ung thư thực quản giai đoạn 4 cần hiểu khi đối mặt với tình trạng này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư thực quản là gì?
Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hoá đi từ họng đến dạ dày. Ung thư thực quản là một loại bệnh ác tính xuất phát từ tình trạng phát triển không kiểm soát của các tế bào biểu mô thực quản.
Ung thư thực quản được phân loại thành hai nhóm chính dựa trên các đặc điểm giải phẫu bệnh, bao gồm: ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến.
Các triệu chứng của ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường không rõ ràng, khiến cho quá trình phát hiện trở nên khó khăn. Thông thường, bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như hạch cổ, gan, phổi, não,... Khi đó, bệnh thường được xác định là ở giai đoạn cuối.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư thực quản, bao gồm:
- Tuổi tác: Bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao hơn.
- Hút thuốc lá: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
- Thừa cân và béo phì: Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn so với người bình thường.
- Loét thực quản: Loét thực quản và trào ngược dạ dày thực quản kéo dài có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
- Tiền sử mắc ung thư vùng đầu cổ: Những người có tiền sử mắc ung thư ở vùng đầu cổ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn so với người bình thường.
2. Các biểu hiện của bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối
Biểu hiện của ung thư thực quản giai đoạn cuối rất đa dạng và phức tạp, phụ thuộc vào tổn thương tại chỗ, vị trí và mức độ di căn của khối u. Các triệu chứng bao gồm:
2.1. Triệu chứng toàn thân
Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4 thường trải qua tình trạng suy kiệt và sụt cân nhanh chóng trong thời gian ngắn do kém hấp thụ dinh dưỡng.
2.2. Triệu chứng do tổn thương tại thực quản
Trong giai đoạn cuối, khối u thường có kích thước lớn, gây ra các triệu chứng đặc trưng như:
- Nuốt nghẹn và đau khi nuốt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối. Bệnh nhân thường gặp khó khăn khi nuốt thức ăn đặc (có cảm giác vướng và đau), nghẹn khi nuốt thức ăn lỏng. Thậm chí, người bệnh còn có cảm giác bị vướng, nghẹn khi nuốt nước bọt. Đặc biệt, thức ăn bị mắc kẹt có thể trào ngược, sau đó đi vào đường hô hấp và gây ra viêm phổi do hít sặc.
- Đau vùng ngực cục bộ: Do khối u thực quản có kích thước lớn gây chèn ép nên bệnh nhân thường có cảm giác đau ở vùng ngực.
- Các triệu chứng khác: Khàn giọng, ho có máu, buồn nôn, trào ngược acid dạ dày, khó tiêu,... là những triệu chứng khác mà bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối thường gặp phải.
2.3. Triệu chứng di căn hạch bạch huyết
Ung thư thực quản giai đoạn 4i thường di căn hạch bạch huyết, nhất là ở vùng cổ.
Bệnh nhân có khả năng phát hiện bệnh thông qua các hạch ở vùng thượng đòn hoặc cổ với dấu hiệu sưng to, cứng chắc, ít di động… Hạch có thể bị sưng loét ra ngoài da gây ra các vấn đề về nhiễm trùng, khiến người bệnh đau đớn.
Bên cạnh đó, các hạch cổ lớn cũng góp phần dẫn đến tình trạng khó nuốt ở bệnh nhân ung thư thực quản.
2.4. Triệu chứng tại các cơ quan thứ phát (di căn xa)
Ung thư thực quản giai đoạn cuối có khả năng di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể, gây ra các triệu chứng tại những cơ quan đó. Triệu chứng tại các cơ quan thứ phát sẽ tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của cơ quan.
- Ung thư thực quản di căn phổi: Ở thời điểm tổn thương tại phổi còn nhỏ, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi tổn thương lớn và gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí, bệnh nhân sẽ xuất hiện những triệu chứng như đau ngực, khó thở, ho có máu hoặc tràn dịch vào màng phổi,...
- Ung thư thực quản di căn tới xương thường gây đau nhức xương và tăng nguy cơ gãy xương.
- Khi ung thư thực quản di căn tới gan, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, đau vùng hạ sườn bên phải, chán ăn, buồn nôn, da vàng,...
3. Điều trị ung thư thực quản giai đoạn 4
Trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị nào, bệnh nhân mắc ung thư thực quản cũng sẽ được đánh giá các đặc điểm bệnh học, giai đoạn, tình trạng sức khoẻ tổng thể, các bệnh lý kèm theo nào (nếu có),... để đưa phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với ung thư thực quản giai đoạn cuối, mục tiêu chính của quá trình điều trị là kiểm soát khối u phát triển, ngăn chặn tình trạng tiến triển của bệnh, giảm nhẹ triệu chứng, duy trì dinh dưỡng để nâng cao tình trạng sức khỏe và tăng cường chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
3.1. Mở thông dạ dày nuôi dưỡng
Người mắc ung thư thực quản ở giai đoạn cuối thường gặp khó khăn khi ăn uống vì có khối u lớn trong thực quản gây hẹp, cô đọng,....vy, để đảm bảo bệnh nhân nhận đủ dinh dưỡng, các bác sĩ có thể xem xét mở thông dạ dày nuôi . Một số trường hợp không thể mở thông dạ dày ngày mà cần hỗ trợ nuôi ăn dạ dày và bổ sung thuốc do đặc điểm u lan rộng,
3.2. Hóa trị
Trong trường hợp của bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối, hóa trị (đôi khi kết hợp với xạ trị, liệu pháp trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch) là một phương pháp điều trị đáng cân nhắc. Đặc biệt, ung thư biểu mô tuyến thường có đáp ứng với hóa trị tốt hơn ung thư biểu mô tế bào vảy.
3.3. Xạ trị
Trong giai đoạn cuối của bệnh nhân ung thư thực quản, xạ trị thường được đề xuất để giảm kích thước khối u và giảm nhẹ các triệu chứng như đau và vướng khi nuốt.
Thông thường, xạ trị sẽ được kết hợp với hóa trị nhưng cũng có khả năng được sử dụng độc lập.
3.4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Trong điều trị ung thư biểu mô tuyến đoạn nối thực quản - dạ dày giai đoạn 4, các liệu pháp nhắm mục đích có thể được nhắc đến như:
- Trastuzumab thường được sử dụng kết hợp với hóa trị để chữa trị các khối u Her-2 dương tính.
- Bên cạnh đó, kháng thể đơn dòng ức chế thụ thể VEGF 2 Ramucirumab cũng là một liệu pháp được cân nhắc. FDA đã chấp thuận cho phép sử dụng Ramucirumab trong quá trình điều trị ung thư biểu mô tuyến đoạn nối thực quản - dạ dày sau khi phác đồ hóa trị không đạt hiệu quả. Ramucirumab có khả năng được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị.
3.5. Liệu pháp miễn dịch
Các liệu pháp miễn dịch thường được áp dụng trong trường hợp của bệnh nhân mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối có thể kể đến:
- Pembrolizumab có khả năng kết hợp của cisplatin và fluorouracil được xem như một liệu pháp đầu tiên cho ung thư biểu mô tế bào vảy của thực quản hoặc ung thư biểu mô tuyến đoạn nối thực quản - dạ dày với HER-2 âm tính.
- Nivolumab được chỉ định trong quá trình điều trị ung thư thực quản giai đoạn 4A nếu bệnh nhân có khả năng phẫu thuật loại bỏ khối u. Bên cạnh đó, nivolumab cũng được sử dụng cho bệnh nhân còn sót lại tế bào ung thư sau liệu pháp bổ trợ bằng tia xạ và phẫu thuật. Ngoài ra, nivolumab cũng có khả năng kết hợp với hóa chất (như cisplatin và fluorouracil hoặc carboplatin và fluorouracil) để điều trị ung thư biểu mô tuyến ở đoạn nối thực quản - dạ dày.
3.6. Phẫu thuật
Đa số bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn 4 không thể phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn 4A có thể được xem xét phẫu thuật nếu tình trạng di căn chỉ giới hạn ở các hạch bạch huyết lân cận.
3.7. Chăm sóc giảm nhẹ
Trong điều trị ung thư thực quản giai đoạn 4, phương pháp điều trị hỗ trợ và chăm sóc giảm nhẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Mục tiêu của phương pháp này không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ mà còn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
4. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối
Người mắc bệnh ung thư thực quản thường gặp khó khăn trong quá trình ăn uống do khối u cản trở sự lưu thông tiêu hoá. Dưới đây là một số lời khuyên về dinh dưỡng dành cho những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của bệnh:
- Trong trường hợp bệnh nhân vẫn có khả năng nuốt, bác sĩ khuyến cáo nên ăn những thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt và dễ tiêu.
- Đối với những trường hợp ung thư thực quản gây hẹp nặng, quá trình cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân phải dựa vào ống thông dạ dày để bơm thức ăn sau khi thực hiện phẫu thuật mở thông dạ dày.
- Khi không thể thực hiện bổ sung dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoặc khả năng tiêu thụ thực phẩm suy yếu, bệnh nhân nên được cung cấp dinh dưỡng thông qua đường truyền tĩnh mạch.
5. Ung thư thực quản giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Theo một số nghiên cứu, số liệu thống kê cho biết tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán ung thư thực quản của bệnh nhân thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn tại chỗ: 48,8%.
- Giai đoạn tiến triển tại chỗ - tại vùng: 27,7%.
- Giai đoạn di căn xa: 5,6%.
Có thể thấy, ung thư thực quản ở giai đoạn cuối có tỉ lệ sống sau 5 năm rất thấp khi so với bệnh giai đoạn đầu. Các yếu tố như tuổi, sức khỏe tổng thể, tâm trạng và thói quen sinh hoạt cùng với phản ứng của cơ thể với liệu pháp đều ảnh hưởng đến tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư thực quản ở giai đoạn cuối.
Trên đây là các thông tin liên quan đến bệnh ung thư thực quản. Nếu cảm thấy có bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào, mọi người hãy nhanh chóng đến thăm bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để nhận được sự tư vấn và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.