Điều trị ung thư phụ khoa không chỉ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần cũng như đời sống tình dục. Vậy trong trường hợp này cần làm gì để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn?
1. Tìm hiểu về bệnh ung thư phụ khoa?
Ung thư phụ khoa có thể là bất kỳ loại ung thư nào xuất hiện bên trong cơ quan sinh sản của phụ nữ, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư dạ con, ung thư âm đạo...
Một số yếu tố gây gia tăng tình trạng ung thư phụ khoa như:
- Âm đạo chảy máu bất thường: thường xảy ra với khoảng hơn 90% phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung.
- Sút cân không rõ nguyên nhân với số cân sút khoảng 4.5kg trở lên
- Mệt mỏi triền miên
- Tiết dịch âm dạo có màu máu hoặc tối sẫm hoặc có mùi tanh
- Sưng chân và không rõ nguyên nhân
- Đi tiểu liên tục kèm theo các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, đau bụng
- Đau xương chậu hoặc vùng bụng
Nếu người bệnh thường xuyên tầm soát ung thư phụ khoa thì có thể phát hiện sớm triệu chứng của bệnh và có phương án điều trị kịp thời tránh được những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
2. Những lo lắng của phụ nữ về ung thư phụ khoa trong đời sống tình dục
Khi biết được bản thân mắc ung thư phụ khoa, nhiều bệnh nhân cảm thấy hụt hẫng, mất phương hướng cũng như không còn sự tự tin trong vấn đề quan hệ vợ chồng. Một vài câu hỏi được chị em đặt ra khi phát hiện bản thân mắc bệnh.
2.1. Liệu tôi có thể quan hệ tình dục được không?
Sau khi điều trị, hầu hết bệnh nhân nhận thấy rằng họ có thể tiếp tục quan hệ tình dục với bạn tình của mình. Thông thường bệnh nhân sẽ đợi các tác động tức thời của liệu pháp điều trị ung thư như: mệt mỏi, buồn nôn, đau đớn... giảm bớt trước khi trở lại hoạt động tình dục. Trong giai đoạn này, nhiều cặp vợ chồng duy trì sự thân mật thông qua vuốt ve, âu yếm và các hoạt động khác.
Khi tiếp tục giao hợp, bạn có thể thấy rằng các kỹ thuật hoặc tư thế quan hệ tình dục thông thường đến nay đã không được thoải mái, lúc này bạn nên trao đổi với đối phương để chọn ra được kiểu quan hệ phù hợp. Thời gian đầu có thể mọi thứ sẽ khó khăn, do chưa quen, tuy nhiên theo thời gian vấn đề này sẽ dần trở lên dễ dàng hơn.
2.2. Liệu ham muốn tình dục có thay đổi khi điều trị ung thư không?
Có thể bạn và bạn tình cần hoạt động tình dục ít hơn trong một khoảng thời gian và có thể chỉ thực hiện các động tác vuốt ve, âu yếm. Sau quá trình điều trị sẽ có nhiều lý do về thể chất dẫn đến giảm ham muốn tình dục.Thêm vào đó, sau quá trình điều trị, cơ thể người phụ nữ bị giảm mức độ hormone nên dẫn đến giảm ham muốn.
2.4. Nếu giao hợp bị đau thì sao?
Bạn nên thảo luận với bác sĩ để tìm ra lý do gây ra cơn đau và giúp kiểm soát cơn đau này. Giao hợp gây đau có thể xảy ra vì một số lý do như lớp niêm mạc âm đạo mỏng hoặc thiếu chất bôi trơn. Xạ trị cũng làm cho âm đạo co lại đồng thời hạn chế sự thâm nhập khi giao hợp. Thành âm đạo có thể sát với ruột gây đau với một số tư thế quan hệ tình dục. Điều quan trọng là bạn nên cởi mở chia sẻ với bạn tình để cả 2 có được sự thoải mái nhất khi quan hệ.
2.5. Tôi có thể có con không?
Trước khi được điều trị, bạn nên tư vấn từ bác sĩ về kế hoạch có con trong tương lai. Vì thực tế, có một số phương pháp điều trị có thể khiến bạn không thể có con trong tương lai. Nếu sau khi điều trị mà không thể thụ thai bình thường, bạn cần phải sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Tình dục có thể là một trong những khó khăn với phụ nữ đang điều trị ung thư phụ khoa. Bởi vấn đề không chỉ đến từ bạn tình mà còn đến từ chính sự tự ti của bản thân người bệnh. Do đó, khi gặp bất cứ trở ngại nào bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ nhằm có những tư vấn phù hợp.
Hiện nay với sự phát triển của y học, các loại bệnh ung thư hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Có thể nói tầm soát và phát hiện ung thư sớm chính là chìa khóa để đẩy lùi mọi hậu quả đáng tiếc xảy ra của bệnh ung thư.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org