Khối u ác tính bàng quang hay ung thư bàng quang ác tính là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở đường tiết niệu với tiên lượng kém nếu như phát hiện muộn và bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, khối u xâm lấn. Khi đó, điều trị u bàng quang ác tính có thể cần phải cắt bỏ và tạo hình lại bàng quang.
1. Tổng quan về bệnh khối u bàng quang ác tính
Khối u bàng quang ác tính hay bệnh ung thư bàng quang là một trong những loại ung thư ở cơ quan tiết niệu - sinh dục thường gặp nam giới, với tỷ lệ mắc phải rất cao, chỉ sau ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. Nữ giới cũng có nguy cơ mắc bệnh cao, nhưng thấp hơn nam giới 3 lần. Ung thư bàng quang ác tính là một loại ung thư bắt đầu từ trong bàng quang, thường xuất phát từ những tế bào lót nằm ở mặt trong của bàng quang, với các loại như sau:
- Ung thư biểu mô niệu, hay còn gọi là ung thư tế bào chuyển tiếp: Đây là loại ung thư bàng quang thường gặp nhất, tế bào khối u khởi phát từ bề mặt và phát triển ra phía bên ngoài. Khối u dễ dàng xâm lấn và di căn sang các cơ quan khác khi không có cuống.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Đây là loại ung thư bàng quang ác tính ít gặp hơn, chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng bàng quang hoặc niêm mạc bàng quang bị kích thích mãn tính.
- Ung thư biểu mô tuyến: Loại ung thư bàng quang này rất hiếm khi di căn.
Ung thư bàng quang có khả năng tái phát ở cùng một vị trí hoặc khác vị trí trong bàng quang và có xu hướng di căn đến gan, phổi, xương và các hạch bạch huyết. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang ác tính chủ yếu là do hút thuốc (ở nam giới), lạm dụng thuốc giảm đau, sử dụng thuốc trị ung thư trong thời gian dài, viêm hoặc nhiễm trùng mãn tính, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp (đặc biệt là các ngành dệt may, cao su, ...)
2. Triệu chứng của khối u bàng quang ác tính
Ở giai đoạn đầu, ung thư bàng quang gần như không có triệu chứng nào rõ rệt, cho đến khi giai đoạn tiến triển, người bệnh mới thấy các biểu hiện như:
- Đi tiểu ra máu, tiểu rắt, tiểu đau: Đây là triệu chứng cơ bản khi bị ung thư bàng quang ác tính. Nhưng đôi khi người bệnh có thể cảm thấy không đau khi tiểu ra máu.
- Đau lưng: Đây là biểu hiện của bệnh ở giai đoạn tiến triển, ngoài đau lưng, người bệnh còn cảm thấy đau xương, chân bị sưng và không thể đi tiểu được.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đau lưng dưới, đau quanh thận là biểu hiện của tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm trùng khi có khối u ở bàng quang.
- Thiếu máu, mệt mỏi, sụt cân: Bệnh nhân ung thư bàng quang thường bị sụt cân không rõ nguyên nhân, người luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải và có nguy cơ bị thiếu máu cao.
3. Chẩn đoán khối u bàng quang ác tính
Chẩn đoán ung thư bàng quang ác tính gồm các phương pháp, kỹ thuật sau:
- Khám lâm sàng: Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để kiểm tra vùng bụng, chậu có khối u không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Tế bào ung thư hay bất kỳ dấu hiệu khác của khối u bàng quang cũng có thể được tìm thấy thông qua xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm: Siêu âm bụng hoặc siêu âm nội soi cho phép xác định khối u nhưng kết quả chưa thể khẳng định chẩn đoán cũng như đánh giá được giai đoạn bệnh, khả năng xâm lấn hoặc lan rộng. Kỹ thuật siêu âm có thể được chỉ định nhằm đánh giá tổn thương ở đường tiết niệu trên, thận bị ứ nước, tổn thương nhu mô thận và phân biệt tổn thương mô mềm với sỏi.
- Chụp CT hoặc chụp MRI: Đối với ung thư bàng quang ác tính, chụp CT hoặc MRI vùng bụng chậu cho phép phát hiện và đánh giá được khả năng di căn, mức độ lan rộng của khối u đến các cơ quan khác như hạch bạch huyết, gan, ... đồng thời kiểm tra tình trạng đường tiết niệu trên tắc nghẽn như thế nào.
- Chụp cản quang thận (UIV): Kỹ thuật này cho phép đánh giá chức năng thận trong trường hợp nghi ngờ khối u xâm lấn vào thận và chèn ép niệu quản, hoặc cũng có thể kiểm tra tình trạng viêm đường tiết niệu mãn tính.
- Chụp xạ hình xương: Ung thư bàng quang ác tính có thể xâm lấn vào xương và gây đau xương. Khi đó chụp xạ hình xương được chỉ định.
- Chụp PET-CT: Đây là xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, được áp dụng để đánh giá di căn trong các bệnh lý ung thư.
- Chụp X-quang có tiêm thuốc cản quang: Tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch và thận sẽ đào thải thuốc ở bàng quang khi chụp X-quang sẽ cho phép phát hiện bất thường ở bàng quang.
- Sinh thiết bàng quang: Nội soi và sinh thiết bàng quang là kỹ thuật cuối cùng được áp dụng và cho phép chẩn đoán chính xác khối u bàng quang ác tính. Đây cũng chính là phương pháp điều trị lấy bỏ toàn bộ khối u trong trường hợp đã người bệnh đã được chẩn đoán.
4. Điều trị khối u bàng quang ác tính và tiên lượng
Ung thư bàng quang giai đoạn đầu hoặc ung thư ở bề mặt có tiên lượng tốt hơn, rất hiếm dẫn đến tử vong. Nhưng với khối u đã xâm lấn, tiến triển, tái phát và ung thư loại biểu mô tế bào vảy và biểu mô tuyến có tiên lượng kém hơn, khả năng sống 5 năm chỉ cao 50% do khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.
Có nhiều phương pháp điều trị khối u bàng quang ác tính, tùy vào mỗi trường hợp:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định áp dụng trong trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu. Đó có thể là phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần nhỏ của bàng quang hoặc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang trong trường hợp khối u xâm lấn sâu vào thành bàng quang.
- Hóa trị: Phương pháp này có thể được áp dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị: Cũng như hóa trị, xạ trị có thể được chỉ định trước hoặc sau khi phẫu thuật nhằm mục đích làm nhỏ khối u bàng quang ác tính (trước) hoặc phá hủy những tế bào ung thư bàng quang vẫn còn tồn tại (sau). Hoặc bác sĩ cũng có thể kết hợp điều trị bằng cả hai phương pháp là xạ trị và hóa trị.
Nếu thấy có các triệu chứng như tiểu đau, tiểu rắt, tiểu ra máu, mệt mỏi, đau lưng, sụt cân không rõ nguyên nhân, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe, nhằm sớm phát hiện bệnh ung thư bàng quang ác tính để chữa trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.