Ung thư tuyến tụy sống được bao lâu luôn là một câu hỏi khiến nhiều bệnh nhân lo lắng. Căn bệnh này có nguy cơ tử vong cao, hơn nữa, tiên lượng sống cho những bệnh nhân mắc phải thường rất thấp ngay cả khi đã được điều trị sớm. Không có con số cụ thể nào cho biết bệnh nhân sẽ sống được bao lâu, tất cả chỉ là ước tính và dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS.BS Lê Tấn Đạt - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trưởng Đơn nguyên Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy là một bộ phận quan trọng trong hệ thống nội tiết, có trách nhiệm sản xuất enzyme để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn có chứa các chất như protein, carbohydrate và chất béo. Ung thư tuyến tụy là một dạng ung thư ác tính, thường khởi phát khi các tế bào ngoại tiết tuyến tụy phát triển không kiểm soát.
Mặc dù ung thư tuyến tuỵ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các loại ung thư ác tính, nhưng hậu quả của bệnh đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân thường rất nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các khối u có thể phát triển mạnh mẽ, tăng nguy cơ tử vong, chính vì thế, bệnh nhân thường lo lắng về vấn đề ung thư tuyến tụy sống được bao lâu.
2. Các loại ung thư tuyến tụy
Ung thư ngoại tiết là dạng phổ biến nhất của ung thư tuyến tụy. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy thường thuộc loại này. Dưới đây là một số dạng phổ biến của ung thư tuyến tụy:
- Ung thư biểu mô ống tuyến tụy: Loại này thường phát triển trong các ống dẫn của tuyến tụy. Trong một số trường hợp hiếm, ung thư có thể xuất phát từ các tế bào sản xuất enzym của tuyến tụy, được gọi là ung thư biểu mô tế bào acinar.
- Các loại ung thư ngoại tiết ít gặp: Bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vòng, ung thư biểu mô tế bào lớn (không phân biệt), ung thư biểu mô không biệt hóa.
- Ung thư biểu mô bóng Vater (carcinoma of ampulla of Vater): loại ung thư này thường bắt đầu trong bóng Vater, nơi ống tụy và ống mật gặp nhau trước khi chảy vào tá tràng. Về mặt mô bệnh học , ung thư biểu mô bóng Vater không phải là ung thư tuyến tụy, nhưng lại phương pháp điều trị tương tự nên được đề cập ở đây. Ung thư biểu mô bóng Vater thường gây tắc nghẽn ống mật, dẫn đến tình trạng vàng da và mắt. Vì các triệu chứng này xuất hiện sớm nên loại ung thư này thường được phát hiện kịp thời hơn và dự đoán tiên lượng sống tốt hơn so với các loại ung thư tuyến tụy khác.
3. Nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy
Hiện nay, dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy, nhưng một số yếu tố nguy cơ được xác định có thể góp phần vào sự phát triển của căn bệnh này, bao gồm:
3.1 Tuổi tác
Nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy gia tăng theo tuổi tác. Đa số các bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy thường ở độ tuổi 45 trở lên, trong đó có khoảng 2/3 trường hợp là ở độ tuổi 60. Do đó, độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán ung thư là khoảng 70 tuổi.
3.2 Giới tính
Nam giới có khả năng mắc ung thư tuyến tụy cao hơn so với nữ giới, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc nam giới có thói quen hút thuốc lá.
3.3 Chủng tộc
So với người da trắng, người Mỹ gốc Phi thường có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tụy cao hơn.
3.4 Tiền sử gia đình
Ung thư tuyến tụy có thể có yếu tố di truyền trong gia đình. Nếu một người có thành viên trong gia đình đã từng mắc bệnh này, khả năng mắc ung thư tuyến tụy của người đó sẽ cao hơn.
3.5 Hội chứng di truyền
Các đột biến gen di truyền có thể được di truyền từ cha mẹ sang con cái và các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng chiếm khoảng 10% nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy. Đôi khi, các hội chứng di truyền cũng có thể dẫn đến các bệnh ung thư và vấn đề sức khỏe khác, ví dụ:
- Hội chứng ung thư buồng trứng, gốc từ đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
- Ung thư vú di truyền, do đột biến gen PALB2.
- Hội chứng đa nốt ruồi không điển hình và hắc tố (FAMMM), gây ra bởi đột biến gen p16 / CDKN2A, thường liên quan đến u hắc tố da và mắt.
- Hội chứng Lynch, còn được gọi là ung thư đại tràng do di truyền không phải đa polyp (HNPCC), xảy ra khi có khiếm khuyết trong gen MLH1 hoặc MSH2.
- Viêm tụy di truyền, thường gây ra bởi đột biến gen PRSS1.
- Hội chứng Peutz-Jeghers, xuất phát từ khiếm khuyết trong gen STK11. Ngoài ra, hội chứng này cũng liên quan đến polyp trong đường tiêu hóa và một số loại ung thư khác.
3.6 Hút thuốc lá
Thuốc lá được xem là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư tuyến tụy. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư này ở những người có thói quen hút thuốc lá thường cao gấp đôi so với những người không hút thuốc lá.
Theo các số liệu thống kê, khoảng 25% các trường hợp ung thư tuyến tụy có liên quan trực tiếp với hút thuốc lá. Ngoài ra, việc sử dụng xì gà hoặc các sản phẩm thuốc lá không khói cũng đóng góp vào việc tăng nguy cơ mắc bệnh. Chính vì thế, khả năng mắc ung thư tuyến tụy có thể giảm đáng kể khi ngừng hút thuốc lá.
3.7 Viêm tụy mãn tính
Các cá nhân mắc phải tình trạng viêm tụy kéo dài có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển ung thư tuyến tụy. Viêm tụy mãn tính phổ biến ở những người thường xuyên tiêu thụ nhiều rượu và hút thuốc lá thường xuyên.
4. Triệu chứng của ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Khi triệu chứng xuất hiện, thường là khi bệnh đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra ngoài tuyến tụy. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh ung thư tuyến tụy:
- Vàng da và mắt: Đa số bệnh nhân ung thư tuyến tụy sẽ trở nên vàng da, đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Vàng da xảy ra do sự tích tụ lượng lớn của bilirubin, một chất có màu nâu vàng tạo ra từ gan. Gan tiết ra mật chứa bilirubin, sau đó mật sẽ đi qua ống mật, đi vào ruột (nơi có trách nhiệm phân huỷ chất béo) và cuối cùng là ra khỏi cơ thể theo phân. Chính vì thế, khi ống mật bị tắc nghẽn, mật sẽ không đến ruột, dẫn đến tích tụ bilirubin và gây ra sự vàng da.
- Nước tiểu sẫm màu: Nồng độ bilirubin trong máu tăng cao khiến cho nước tiểu có màu nâu.
- Phân màu nhạt hoặc có dầu mỡ: Do tắc nghẽn ống mật, bilirubin sẽ tích tụ trong cơ thể và không theo phân ra khỏi cơ thể, do đó phân có thể trở thành màu xám hoặc sáng màu. Đồng thời, các enzym ở tuyến tụy và mật không thể đi vào ruột để tiến hành phân huỷ chất béo. Chính vì thế phân sẽ bị nhờn và lẫn dầu mỡ.
- Đau bụng và đau lưng: Đau bụng là triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến tụy, do sự phát triển của khối u và áp lực lên các cơ quan xung quanh. Bên cạnh đó, việc ung thư lan rộng đến các dây thần kinh cạnh tuyến tụy sẽ khiến bệnh nhân đau lưng.
- Các triệu chứng khác: Bao gồm chán ăn, giảm cân, buồn nôn, ói mửa, túi mật hoặc gan phình to, xuất hiện các cục máu đông, hoặc bệnh tiểu đường.
5. Ung thư tuyến tụy sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống sót cho ung thư tuyến tụy thường là mối quan tâm của những người mắc bệnh này. Dù ung thư được phát hiện sớm và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tiên lượng sống của bệnh nhân thường thấp.
Tỷ lệ sống sót thường được so sánh giữa những người mắc cùng loại và giai đoạn của ung thư tuyến tụy. Ví dụ, nếu tỷ lệ sống sót tương đối 5 năm cho một giai đoạn nhất định của ung thư tuyến tụy là 50%, điều này ngụ ý rằng khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn này sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.
6. Tỷ lệ sống trong 5 năm của bệnh nhân ung thư tuyến tụy
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ dựa vào thông tin có được từ cơ sở dữ liệu SEER của Viện Ung thư Quốc gia (NCI) đã đưa ra số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót cho các loại ung thư khác nhau.
Theo SEER, tỷ lệ sống sót trong 5 năm cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư. Tuy nhiên, SEER không sử dụng hệ thống phân loại giai đoạn AJCC TNM (ví dụ: giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3,...). Thay vào đó, ung thư được phân thành các giai đoạn khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn cục bộ: Ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tụy, bệnh nhân có tỷ lệ sống sót trong 5 năm khoảng 12-14%.
- Giai đoạn tiến triển cục bộ: Ung thư đã lan ra các hạch bạch huyết hoặc cấu trúc gần tuyến tụy, bệnh nhân chỉ còn tỷ lệ sống sót trong 5 năm khoảng 5-7%.
- Giai đoạn di căn: Ung thư đã lan rộng đến các bộ phận xa hơn của cơ thể (gan, phổi, xương…), tỷ lệ sống sót trong 5 năm chỉ còn 1-3% (rất thấp).
Vì thế, khi mắc ung thư tuyến tụy sống được bao lâu còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển bệnh.
7. Các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề ung thư tuyến tụy sống được bao lâu
7.1. Khả năng chữa khỏi
Mặc dù ung thư tuyến tụy thường có tiên lượng xấu và thường không thể chữa khỏi, nhưng việc phát hiện sớm có thể cải thiện khả năng chữa trị. Khoảng 10% bệnh nhân được chẩn đoán sớm có thể hồi phục hoàn toàn sau điều trị.
Đối với những người được chẩn đoán bệnh trước khi khối u phát triển lớn hoặc lan rộng, thời gian sống trung bình của bệnh ung thư tuyến tụy thường từ 3 đến 3,5 năm.
7.2. Tiên lượng các khối u có thể cắt bỏ
Trung bình, bệnh nhân có khối u tuyến tụy được phát hiện trước khi chúng di căn hoặc phát triển tại chỗ thường có thể sống lâu hơn do khối u của họ thường có khả năng để cắt bỏ.
Khoảng 15 đến 20% trường hợp khối u tuyến tụy có thể được cắt bỏ. Đây bao gồm các khối u ở giai đoạn I và giai đoạn II. Các khối u ở giai đoạn III tiến triển cục bộ, thường được coi là không thể cắt bỏ.
Trung bình những bệnh nhân có khối u được cắt bỏ sống được khoảng 2,5 năm sau khi chẩn đoán và có tỷ lệ sống sót sau 5 năm dao động từ 20 đến 30%.
7.3. Tùy thuộc vào phương pháp điều trị
Việc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp cho từng loại khối u cụ thể có thể ảnh hưởng đến việc bệnh nhân ung thư tuyến tụy sống được bao lâu. Đa số các trung tâm ung thư tuyến tụy lớn thường sẽ có một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực giải phẫu bệnh phân loại từng khối u và phân tích lịch sử di truyền của bệnh nhân.
Một số loại hóa chất và liệu pháp miễn dịch có thể mang lại hiệu quả đặc biệt đối với một số loại thể giải phẫu bệnh u tụy, trong khi không hó hiệu quả đối với những loại u tụy với thể giải phẫu bệnh khác.
7.4. Ung thư tuyến tuỵ sống được bao lâu phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe sau điều trị của bệnh nhân
Thời gian sống của bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi người. Áp dụng chế độ dinh dưỡng thích hợp và duy trì hoạt động thể chất điều đặn có thể giúp bệnh nhân chịu đựng các tác dụng phụ của điều trị tốt hơn và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Bệnh nhân trẻ tuổi thường có tiên lượng tốt hơn do ít bệnh lý nền có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, tuy nhiên, ngay cả những bệnh nhân cao tuổi cũng có thể cải thiện tiên lượng bằng cách tập trung vào chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục.
Trắc nghiệm: Bạn biết gì về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy?
Ung thư tuyến tụy phổ biến thứ 10 trong những bệnh ung thư mới và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong do ung thư ở nam, nữ. Bài trắc nghiệm này sẽ kiểm tra kiến thức của bạn về các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và cách điều trị ung thư tuyến tụy.
Bài viết tham khảo nguồn: medicalnewstoday 2019
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
>>Xem thêm: Xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán ung thư tuỵ – Bài viết bởi ThS.BS Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park