Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người đặc biệt ở phụ nữ có thai. Thai nhi dần lớn lên trong bụng mẹ làm vòng bụng to lên nặng nề kèm theo nhiều yếu tố khác tác động làm giấc ngủ của mẹ bầu bị ảnh hưởng.
1. Tư thế ngủ tốt cho bà bầu
Tư thế ngủ tốt cho bà bầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Tư thế ngủ tốt là sự cảm nhận của từng người mẹ trong việc chọn tư thế nằm thích hợp cho thời gian nghỉ ngơi theo từng giai đoạn thay đổi về cơ thể của mẹ.
- Sự phát triển của em bé đây yếu tố cần thiết để thai phụ quyết định thay đổi tư thế nằm sao cho phù hợp. Bụng mẹ càng to càng cần quan tâm đến tư thế ngủ vì một số tư thế ngủ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé và đặc biệt tư thế ngủ phụ thuốc vào các cơn đau lưng và đau thắt lưng.
Tư thế nào là tư thế ngủ tốt cho bà bầu?
- Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tư thế ngủ nằm nghiêng về 1 bên là tư thế ngủ tốt nhất trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ vì nằm nghiêng sẽ giúp bạn thở tốt hơn và làm giảm áp lực lên tử cung.
- Tốt nhất là nên nghiêng mình qua bên trái khi ngủ. Có nhiều lý do nên nằm ngủ nghiêng trái. Thứ nhất nằm nghiêng mình sang trái sẽ giúp tiếp thêm chất dinh dưỡng và máu đến nhau thai. Thứ hai, tư thế này giúp giữ tử cung không đè lên gan, vì gan nằm bên phải bụng của bạn không ảnh hưởng đến chức năng gan. Thứ ba, nằm nghiêng trái sẽ làm giảm áp lực phía dưới chân và lưng dưới, tạo cảm giác thoải mái cho bà bầu. Thứ tư, ngủ trong tư thế này cũng làm giảm phù chân cho bà bầu ở những tháng cuối do phù chân sinh lý. Cuối cùng tư thế này cũng tránh được tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới làm giảm lượng máu về tim, gây giảm lưu lượng tim.
- Khi nằm ngủ liên tục ở một tư thế trong suốt một đêm sẽ không được thoải mái vì vậy cần phải thay đổi chuyển nghiêng bên này hoặc sang bên kia, tuy nhiên cần tập thói quen nghiêng trái nhiều hơn.
- Gác chân cao và nằm đầu cao giúp mẹ bầu tránh được các bệnh lý. Từ tháng thứ 4 trở đi đối với các mẹ có các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch, chuột rút vào ban đêm nên gác chân cao. Ngoài ra nên nằm đầu cao để hạn chế trào ngược do tử cung chèn ép dạ dày. Gối cao đầu và lưng bằng gối mềm tạo với giường 1 góc 20 độ còn làm áp lực của thai nhi cho đường hô hấp trên của thai phụ hạn chế làm bà bầu “ngáy” khi ngủ.
- Sử dụng chiếc gối dành riêng cho bà bầu. Hầu hết mẹ bầu không thể nào nằm liên tục trong 1 tư thế do vậy bà bầu nên có chiếc gối dài mềm để kê phía trước và phía sau nhằm mục đích làm giảm trọng lượng của bụng, giữ cho cột sống được thẳng, giảm sức ép của trọng lượng chân này lên chân kia mang đến cho mẹ bầu một giấc ngủ bình yên.
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
2. Những tư thế nằm ngủ không nên
Như đã trình bày ở trên tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai là tư thế nằm nghiêng bên trái. Tuy nhiên 1 số phụ nữ có thói quen ngủ nằm ngửa hay nằm sấp từ lâu khó có thể từ bỏ thì vẫn có thể nằm sấp hoặc ngửa khi ngủ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên nên bắt đầu nằm nghiêng khi ngủ ngay từ giai đoạn này để làm quen dần trước khi có thể chuyển sang nằm nghiêng hoàn toàn. Nếu thói quen cũ khó từ bỏ bạn nên dần dần thay đổi từng ngày.
Từ tuần thai thứ 24, không nên nằm tư thế nằm ngửa khi ngủ vì các lý do sau:
- Nằm ngửa khi ngủ trọng lượng của tử cung sẽ đè lên cột sống, cơ lưng, ruột và các mạch máu lớn dẫn đến đau lưng, bệnh trĩ và suy tuần hoàn làm cho bạn khó chịu và có thể gây giảm tuần hoàn thai nhi.
- Tử cung có thể chèn ép tĩnh mạch chủ dưới và làm cản trở sự lưu thông máu trở lại tĩnh mạch chủ, gây nên tình trạng hạ huyết áp của mẹ (khó chịu, chóng mặt) và giảm lượng máu đến nhau thai, gây chậm nhịp tim của thai nhi.
- Nằm ngửa còn có thể gây tụt huyết áp, chóng mặt, tăng cân và có thể dẫn đến chứng ngừng thở trong lúc ngủ ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, các bà mẹ tương lai nên thay đổi thành tư thế sang nằm nghiêng bên trái.
- Tư thế nằm ngửa rất khó chịu nên tránh ngủ ở tư thê này trong thời gian dài.
Khi nằm ngửa để ngủ bụng sẽ đè lên ruột và các mạch máu lớn, gây ra nhiều vấn đề như:
- Đau lưng;
- Các vấn đề về đường hô hấp;
- Các vấn đề về đường tiêu hóa;
- Huyết áp thấp;
- Trĩ.
Trên đây là một số lời khuyên giúp mẹ bầu có giấc ngủ tốt nhất trong quá trình mang thai mà không ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bạn đã áp dụng tất cả các phương pháp trên mà giấc ngủ không được cải thiện cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ bầu sẽ phải chọn cho mình tư thế ngủ phù hợp để giúp ngủ ngon hơn và không ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt, 3 tháng giữa thai kỳ là thời kỳ phát triển mạnh của thai nhi. Thai phụ cần:
- Tầm soát dị tật thai nhi toàn diện bằng kỹ thuật siêu âm 4D vượt trội.
- Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
- Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.
Để bảo vệ mẹ và bé trong suốt thai kỳ, Vinmec cung cấp dịch vụ Thai sản trọn gói giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé toàn diện, khám thai định kỳ với các bác sĩ Sản khoa, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, tầm soát quan trọng cho sản phụ, tư vấn và can thiệp kịp thời khi phát hiện những bất thường trong sức khỏe của mẹ và bé.
Mọi thông tin chi tiết về các gói thai sản trọn gói, Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.