Bài viết được viết bởi BSCKI Nguyễn Việt Anh và ThS.BS Tống Dịu Hường - Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Thông qua hình ảnh chụp MRI cột sống thắt lưng có thể nhận thấy được có hay không tình trạng hẹp ống sống theo chiều trước sau, cột sống có thoái hóa tạo thành gai xương thân đốt sống hay không...
1. Cần chuẩn bị gì trước khi chụp MRI
Máy cộng hưởng từ là một khối nam châm có từ trường rất mạnh, bệnh nhân phải nằm trong phòng kín, có từ trường cao, sóng radio và nhiều tiếng ồn trong suốt thời gian chụp nhưng không gây tác hại lâu dài cho cơ thể.
Các đồ vật, phương tiện, dụng cụ cấy ghép có chứa hợp chất kim loại trên và trong cơ thể người bệnh có thể hỏng hóc, gây ảnh hưởng cho người bệnh, những người xung quanh hoặc gây tổn hại cho hệ thống máy móc. Vì vậy, khách hành tuyệt đối không được vào phòng MRI nếu không có người hướng dẫn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, người bệnh nên trao đổi kỹ với kỹ thuật viên trước khi vào phòng MRI.
Trước khi chụp MRI, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bạn làm một checklist để đảm bảo an toàn. Bạn cần thông báo trước với bác sĩ/kỹ thuật viên phòng MRI nếu đang mang những đồ vật, phương tiện, hoặc có các dụng cụ điện tử/ y tế trong cơ thể, bao gồm:
- Máy cấy ghép điện cực ốc tai, máy tạo xung kích thần kinh.
- Dụng cụ cấy ghép xương ức, máy kích thích phát triển xương.
- Dị vật kim loại trong nhãn cầu, tiền sử chấn thương, phẫu thuật mắt.
- Clips kẹp phình mạch não.
- Thiết bị cấy ghép chống trào ngược dạ dày.
- Bơm tiêm Insulin.
- Các loại van tim nhân tạo, stents mạch vành.
- Máy tạo nhịp tim, máy chống rung tim.
- Các loại nẹp vít, tấm kim loại hoặc kẹp phẫu thuật.
- Chi giả hoặc khớp giả kim loại.
- Các hình xăm trên da; khuyên, vòng kim loại trên cơ thể.
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai thì cũng cần phải thông báo với bác sĩ. Vì ảnh hưởng của chụp MRI tới bào thai còn chưa được biết rõ, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, không nên chụp MRI trừ khi lợi ích thu được từ việc chụp MRI lớn hơn nguy cơ tiềm tàng có thể xảy ra với bào thai.
2. Các yếu tố thu nhận được từ kết quả hình ảnh MRI cột sống thắt lưng
Chụp MRI cột sống thắt lưng sẽ cho bệnh nhân biết kết quả chính xác về tình trạng cột sống, tủy sống và phát hiện các bệnh lý.
- Đánh giá rễ thần kinh hoặc bệnh lý chèn ép tủy sống do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống.
- Đánh giá bất thường giải phẫu hoặc bệnh lý bẩm sinh có liên quan đến cột sống.
- Chẩn đoán bệnh lý bên trong ống sống.
- Chẩn đoán bệnh lý tủy sống: viêm tủy, u tủy, di căn ...
- Chẩn đoán một số vấn đề khác như di căn xương sống giai đoạn sớm, u cột sống.
3. Làm gì sau khi có hình ảnh MRI cột sống thắt lưng?
- Hình ảnh MRI cột sống thắt lưng sau khi chụp sẽ được đọc và đánh giá bởi các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, các chuyên gia hình ảnh được đào tạo bài bản.
- Kết quả sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa chỉ định: cột sống, chấn thương chỉnh hình, ung bướu...
- Bác sĩ chuyên khoa sẽ là người quyết định những bất thường và hướng điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.
- Kết quả chụp MRI sẽ không có ngay sau khi chụp mà phải đợi 30-45 phút sau đó tùy theo độ khó và các bất thường của người chụp. Nếu là ca khó, có thể sẽ cần hội chẩn để đưa ra kết luận chính xác nhất về tình trạng bệnh của bệnh nhân. Để có được chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên chụp MRI ở những cơ sở y tế uy tín.
XEM THÊM: