Trẻ dị ứng đạm sữa bò: Nên ăn sữa gì và khi nào thì ăn lại được sữa bò?

Sữa cho trẻ dị ứng sữa bò phải được lựa chọn cẩn thận. Khi cơ thể trẻ nhận diện đạm sữa bò là một chất gây hại sẽ tự sản sinh các phản ứng miễn dịch để chống lại sự tiếp xúc với sữa bò. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của các dấu hiệu và triệu chứng có hại.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Võ Hà Phương, chuyên ngành Dị ứng-Miễn dịch, tại Bệnh viện Vinmec Times City.

1. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị dị ứng sữa bò

Tình trạng dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể nhận diện protein có trong sữa là mối đe dọa. Dị ứng đạm sữa bò có thể qua trung gian IgE (immunoglobulin E, một loại kháng thể được tạo ra chống lại kháng nguyên thực phẩm), hoặc không qua trung gian IgE (qua trung gian tế bào, không qua kháng thể).

Trong protein của sữa bò, có hai loại chính gây dị ứng cho trẻ, đó là Casein và Whey.

Dị ứng sữa bò khi hệ thống miễn dịch của trẻ nhận diện protein có trong sữa là mối đe dọa.
Dị ứng sữa bò khi hệ thống miễn dịch của trẻ nhận diện protein có trong sữa là mối đe dọa.

2. Những biểu hiện khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

2.1. Phản ứng dị ứng nhanh

Các triệu dị ứng đạm sữa bò qua trung gian IgE thường xảy ra ngay lập tức và có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan:

  • Da: ngứa, mẩn đỏ, phát ban, mề đay, sưng tấy
  • Triệu chứng đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó chịu..
  • Hô hấp: khò khè, khó thở, sổ mũi...

2.2. Phản ứng dị ứng chậm

Phản ứng dị ứng chậm thường xuất hiện từ 2 giờ đến vài ngày, là các đáp ứng không qua trung gian IgE và các triệu chứng thường liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy (phân lỏng, thường xuyên), có máu và/hoặc có nhầy, khó chịu, nôn, bỏ ăn, ảnh hưởng đến phát triển thể chất. Các biểu hiện ngoài da bao gồm viêm da cơ địa nặng và dai dẳng.

3. Các tiêu chí chọn sữa cho trẻ dị ứng sữa bò

3.1. Chứa thành phần protein đã thủy phân

Sữa chứa thành phần protein thủy phân toàn phần được coi là lựa chọn sữa cho trẻ dị ứng sữa bò tốt nhất. Đồng thời, sản phẩm cũng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện và sức khỏe của trẻ, như chất béo, chất đạm, canxi, Vitamin D và E, những thứ mà trẻ đang theo chế độ không có sữa và/hoặc dị ứng đạm sữa bò có thể thiếu hụt.  

Sữa chứa thành phần protein toàn phần là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.
Sữa chứa thành phần protein toàn phần là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.

3.2. Sữa bổ sung lợi khuẩn

Trẻ mắc dị ứng đạm sữa bò thường trải qua các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, do niêm mạc ruột thường bị tổn thương. Do đó, để hỗ trợ cho việc hồi phục niêm mạc và củng cố sức khỏe đường tiêu hóa của con, mẹ nên lựa chọn các loại sữa có bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus rhamnosus GG.

3.3. Phù hợp với độ tuổi

Các nhà sản xuất sữa thường cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau phù hợp với từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ. Do đó, ba mẹ cần lựa chọn sản phẩm sữa cho trẻ dị ứng sữa bò phù hợp với độ tuổi của con để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển tốt nhất.

3.4. Giá cả hợp lý

Các sản phẩm sữa chứa protein thủy phân thường có giá cao hơn so với các loại sữa thông thường. Khi bé trưởng thành, mẹ có thể chuyển sang sử dụng sữa có nguồn gốc từ thực vật (không chứa protein đạm sữa bò) với giá thành thấp hơn. Tuy nhiên, các loại sữa hạt thường không cung cấp đầy đủ giá trị dinh dưỡng như sữa bột chứa protein đã thủy phân.

3.5. Lựa chọn thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng

Để đảm bảo sức khỏe và cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, mẹ nên lựa chọn sữa cho trẻ dị ứng sữa bò từ các thương hiệu nổi tiếng. Các thương hiệu sữa uy tín cung cấp các sản phẩm dành cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, bao gồm sữa bột Dielac, Nestle NAN, Meiji, Friso, và nhiều thương hiệu khác.

4. Một số câu hỏi phổ biến khi lựa chọn sữa cho trẻ dị ứng sữa bò

4.1. Trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể ăn được sữa gì?

Trẻ bị dị ứng với protein đạm trong sữa bò thông thường vẫn có thể tiêu thụ được sữa mẹ. Trong trường hợp không có sữa mẹ hoặc lượng sữa mẹ không đủ, cần bổ sung thêm sữa công thức, trẻ có thể chuyển sang sử dụng sữa thủy phân hoàn toàn.

 

Hơn 90% trẻ dị ứng với protein đạm trong sữa bò có thể chấp nhận được sữa thủy phân hoàn toàn. Trong trường hợp không chấp nhận được sữa thủy phân hoàn toàn, trẻ cần chuyển sang sử dụng sữa có protein đã được chia nhỏ hoàn toàn và không còn tính dị nguyên đó là sữa acid amin.

 

Ngoài sữa thủy phân có nguồn gốc protein từ sữa động vật, trẻ dị ứng với protein trong sữa bò cũng có thể sử dụng sữa thủy phân hoàn toàn có nguồn gốc protein từ gạo hoặc đậu nành. 

Sữa mẹ là sữa cho trẻ dị ứng sữa bò tốt nhất.
Sữa mẹ là sữa cho trẻ dị ứng sữa bò tốt nhất.

4.2. Trẻ dị ứng đạm sữa bò có ăn được sữa các động vật khác hay sữa giảm dị ứng không?

Hầu hết các trẻ dị ứng với sữa bò cũng sẽ phản ứng dị ứng với sữa từ các loại động vật khác như sữa dê hoặc sữa cừu. Nguyên nhân là do các loại sữa này cũng chứa chung các chất gây dị ứng như trong sữa bò.

Các sản phẩm được làm từ sữa bò và các loại sữa từ động vật khác như sữa chua, bơ, phô mai cũng có thể gây dị ứng cho trẻ dị ứng với protein đạm trong sữa bò. Tương tự, trong sữa thủy phân một phần hoặc sữa giảm dị ứng cũng chứa các chất gây dị ứng. Do đó, trẻ dị ứng với sữa bò cũng không nên tiêu thụ sữa thủy phân một phần. 

Trẻ dị ứng đạm sữa bò hầu hết cũng sẽ dị ứng với sữa dê.
Trẻ dị ứng đạm sữa bò hầu hết cũng sẽ dị ứng với sữa dê.

4.3. Trẻ dị ứng đạm sữa bò, khi nào thì ăn lại được sữa bò hay sẽ dị ứng suốt đời?

Bệnh lý dị ứng ở trẻ em nói chung, và dị ứng đạm sữa bò cụ thể, có xu hướng thay đổi theo độ tuổi của trẻ. Dị ứng đạm sữa bò thường dần giảm đi khi trẻ trưởng thành. Thời điểm mà dị ứng đạm sữa bò kết thúc có thể thay đổi tùy thuộc vào loại dị ứng và từng trường hợp cụ thể của trẻ. Nhìn chung, trẻ có dị ứng nhanh (dị ứng qua IgE) với sữa bò thường sẽ hết dị ứng sau khoảng 5-6 tuổi. Trong khi đó, nhóm trẻ có dị ứng chậm (dị ứng không qua IgE) thường sẽ hồi phục sớm hơn, khoảng sau 2-3 tuổi.

Việc phát hiện kịp thời thời điểm trẻ chấp nhận được sữa bò sẽ giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với chế độ ăn uống và hoạt động hàng ngày như các trẻ bình thường. Đặc biệt, điều này giúp gia đình và trẻ tự tin hơn khi đưa trẻ đến nhà trẻ hoặc trường học. Do đó, trẻ dị ứng đạm sữa bò cần được theo dõi và khám sức khỏe định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa về dị ứng. Điều này giúp đánh giá và xác định thời điểm trẻ chấp nhận được sữa bò một cách an toàn, đồng thời đánh giá sự phát triển của trẻ, đặc biệt là về mặt dinh dưỡng. 

Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước khi cho con đi nhà trẻ.
Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước khi cho con đi nhà trẻ.

4.4. Cần phải chuẩn bị những gì khi trẻ dị ứng đạm sữa bò chuẩn bị đi nhà trẻ?

Trước khi đưa trẻ dị ứng đạm sữa bò đến nhà trẻ, việc chuẩn bị tâm lý cho cả trẻ và gia đình là rất quan trọng. Ba mẹ cần nhắc nhở và tạo thói quen cho trẻ không tự ý ăn những thức ăn không quen thuộc, cũng như không nhận thức ăn từ người khác. Luôn cần chuẩn bị sẵn thức ăn trong cặp sách của trẻ để đảm bảo rằng trẻ có thể ăn khi cần.

Thông báo cho giáo viên và nhà trường là điều cần thiết và cần phối hợp chặt chẽ giữa họ để đảm bảo bữa ăn phù hợp cho trẻ cũng như biết cách xử lý nếu có phản ứng dị ứng. Trước khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về dị ứng để được tư vấn và nhận phác đồ xử lý dị ứng để cung cấp cho nhà trường.

Ngoài việc lựa chọn sữa cho trẻ dị ứng sữa bò phù hợp, ba mẹ nên cùng với bác sĩ dị ứng thảo luận về việc thực hiện điều trị giảm mẫn cảm với sữa bò cho trẻ, giúp trẻ tiếp xúc và dung nạp sữa bò một cách an toàn và dần dần. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ phản ứng dị ứng và làm cho phản ứng khi có xảy ra cũng nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe