Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Bước sang tháng thứ 13, trẻ đã có thể đi chập chững được một đoạn khá dài. Ở giai đoạn này, các kĩ năng của trẻ vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh chóng, vì vậy đừng nên quá lo lắng nếu thấy trẻ chỉ tập trung cải thiện một vài kỹ năng. Hãy khuyến khích trẻ bằng tình yêu thương, tương tác và chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
1. Sự phát triển thể chất của trẻ 13 tháng tuổi
Trẻ 13 tháng tuổi đã biết đi bộ, leo, đứng vịn, đi vịn. Mẹ luôn cần dõi theo trẻ dù trẻ đang đứng hay leo lên những bậc thềm thấp, thậm chí là khi trẻ đang đi bộ. Nên có rào chắn khi leo lên/xuống bậc thang để có thể tránh được tai nạn ngoài ý muốn xảy ra với trẻ.
Khả năng vận động của trẻ 13 tháng tuổi này đang có sự phát triển đáng kể, vì vậy, trẻ khó mà chịu ở yên một chỗ, không thích bị nhốt vào cũi, hay xe đẩy. Trẻ muốn được tự do di chuyển mọi nơi trong ngôi nhà và tự khám phá.
Đối với trẻ, đứng dậy đồng nghĩa với một góc nhìn khác hoàn toàn để khám phá thế giới xung quanh, do đó trẻ rất dễ bị té ngã khi liên tục đứng lên ngồi xuống. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một em bé có thể ngã trung bình 38 lần một ngày. Bạn không cần phải lo lắng vì xương của bé lúc này rất linh hoạt.
Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?
Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)
Đừng vội mang những đôi giày cho trẻ vào lúc này vì xương ở chân của trẻ vẫn đang phát triển hình dạng cuối cùng. Điều này có thể khiến cho đôi chân của trẻ phát triển theo hình dạng của những chiếc giày thay vì hình dạng tự nhiên.
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu hứng thú với việc quăng đồ, làm mọi thứ trở nên xáo trộn, và có thể làm xáo trộn căn phòng với thời gian mà bạn không thể nào tưởng tượng nổi. Đây chính là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt, trẻ tỏ ra hứng thú với việc mở ra, đóng vào, lấy ra, bỏ đi, ném.
Mẹ có thể chỉ dẫn bé bằng cách lượm đồ và xếp đồ chơi vào giỏ, hãy cho trẻ thấy bạn dọn dẹp đồ chơi, trẻ sẽ học theo và bắt chước hành động của bạn.
2. Khả năng vận động của trẻ 13 tháng tuổi
Bây giờ, trẻ đã có thể tự đi, thậm chí đi bộ xung quanh nhà. Trẻ bắt đầu thích bắt chước theo hành động của người lớn, chẳng hạn như nếu bạn chạm vào mũi của mình, trẻ cũng sẽ làm hành động tương tự.
Trẻ 13 tháng tuổi có thể nói một hoặc hai từ dễ nhận biết và chỉ vào những gì mà trẻ muốn. Trẻ cũng có những sự tiến bộ nhất định trong việc giao tiếp với người lớn mà không phải khóc. Đó là những hành động ra dấu hiệu, chẳng hạn như chỉ tay vào đồ vậy hay con vật mà trẻ cảm thấy thích thú.
Phần lớn trẻ mới biết đi có thể tự kéo mình đứng lên và di chuyển vòng quanh phòng trong lúc bám vào các đồ vật xung quanh hoặc thậm chí có những bé còn chập chững bước đi mà chẳng cần trợ giúp hoặc không thích nắm tay mẹ.
Một số trẻ khác có thể vẫn chưa đứng vững khi ở giai đoạn này. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên tỏ ra lo lắng bởi theo các chuyên gia, điều này là hoàn toàn bình thường, có những trẻ 18 tháng mới bắt đầu đứng hoặc thậm chí mới chập chững những bước đi đầu tiên.
3. Phát triển nhận thức và cảm xúc ở trẻ 13 tháng tuổi
Ở độ tuổi 13 tháng, trẻ có dấu hiệu phát triển chậm lại, cân nặng của trẻ không còn tăng nhanh như các tháng trước nữa. Hệ vận động ở trẻ cũng có những tiến triển thú vị. Trẻ không thích mẹ hay người thân giúp trẻ đi, có thể trẻ sẽ đẩy tay bạn ra khi bạn muốn dắt bé mặc dù thực sự trẻ chưa đi vững.
Trẻ đang muốn tự làm một mình, không còn phải đợi ẵm lên và mang đi. Trẻ thường di chuyển tới nơi khiến chúng tò mò và bị thu hút. Thỉnh thoảng trẻ cảm thấy sợ hãi với một vài thứ khi phát hiện ra chẳng hạn như tiếng tivi tự dưng mở to, tiếng chó sủa to...
Giai đoạn này, trẻ đang khám phá ra nguyên nhân và hiệu quả. Mẹ sẽ nhặt núm vú giả lên nếu bé ném xuống đất, vì vậy trẻ có thể sẽ ném thêm một lần nữa. Ngay cả khi mẹ có thể phát cáu lên vì phải liên tục nhặt hàng chục lần thì trẻ vẫn có cảm giác kiểm soát mới mẻ này đối với môi trường của mình.
Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý, đây chính là cách bé học và nhận biết về chu trình nhân quả, hình thành quá trình giao tiếp sau này của bé. Trẻ sẽ nhận ra rằng bản thân có thể khiến mẹ hay những người chăm sóc làm theo ý mình, đáp ứng nhu cầu của mình. trẻ sẽ hình thành thói quen bắt chước, hay phản đối và dần dần tạo nên các giao tiếp của bản thân.
Trẻ 13 tháng tuổi đã bắt đầu biết thể hiện sự buồn bã, giận hờn nếu mẹ hoặc người thân không hiểu bé. Có thể mẹ chưa biết nhưng sự thực là trẻ 13 tháng tuổi có thể biết chính xác những gì mà mình muốn, nơi mà trẻ muốn đi và điều mà trẻ muốn làm. Thời điểm này bộ não của trẻ đang phát triển rất nhanh, để theo kịp sự phát triển này của bộ não, cơ thể trẻ phải thích ứng.
Đây cũng là thời điểm mẹ sẽ thấy những dấu hiệu của sự bướng bỉnh và thất vọng, đòi hỏi ở trẻ. Mọi người có thể sẽ cảm thấy trẻ không còn đáng yêu như trước, trẻ sẽ trở nên dễ cáu gắt, bướng bỉnh và biết đòi hỏi.
Hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ, trẻ đang cố gắng để hiểu thế giới xung quanh và nhìn ba mẹ cũng như người thân trong gia đình để được hướng dẫn, rồi dần theo thời gian, trẻ sẽ học và phát triển cảm xúc của bản thân.
Trẻ 13 tháng đã có thể bập bẹ tập nói được vài từ như “ ba”...tuy nhiên ngôn ngữ cơ thể vẫn là ngôn ngữ đầu tiên của con.
4. Chế độ dinh dưỡng của trẻ 13 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, khi kỹ năng vận động của bé đã phát triển, mẹ nên bắt đầu dạy bé tập uống sữa bằng cốc thay vì uống bình. Nhiều trẻ chập chững biết đi trở nên rất lười ăn, và một số trẻ còn chẳng hứng thú với bất cứ thừ gì mà chỉ uống sữa, trẻ thường thích thú khi ném thức ăn và cố gắng tự đút ăn. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, đặc biệt là tuyệt đối không ép trẻ ăn, hãy tạo điều kiện để trẻ khám phá và học hỏi, đừng biến thức ăn thành nỗi sợ hãi của trẻ. Những điều này đều là một phần trong quá trình phát triển bình thường của trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ có mức phát triển khác nhau và con số trên cân đo không phải là điều quan trọng nhất.
Hầu hết trẻ mới biết đi cần khoảng 1.000 calo mỗi ngày. Tuy nhiên, rất thiếu thực tế nếu bạn cố gắng đếm lượng calo mà bé hấp thụ. Bạn không thể mong đợi việc trẻ có thể ăn những khẩu phần ăn có cùng kích cỡ từ bữa này sang bữa khác hoặc cùng một lượng thức ăn từ ngày này sang ngày khác. Sẽ có những hôm trẻ trở nên rất biếng ăn, chán ăn thậm chí không chịu ăn.
Hãy cho trẻ ngồi vào bàn, khẩu phần ăn của trẻ rơi vào khoảng 1⁄4 lượng thức ăn của người lớn. Sau đó, hãy để trẻ được tự do lựa chọn những gì mình ăn và ăn bao nhiêu dựa trên chính nhu cầu của trẻ.
Ngoài 3 bữa ăn chính, cần cho trẻ ăn thêm nhiều hoa quả tươi theo sở thích của trẻ, nước ép hoa quả, sữa chua...để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Cần lưu ý khi lựa chọn hoa quả rau xanh cho trẻ, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tránh gây bệnh cho trẻ.
Ngoài các sản phẩm từ sữa, mẹ cần bổ sung thêm canxi cho trẻ từ các loại thực phẩm như rau xanh, đậu phụ..bởi trẻ mới biết đi có xu hướng hấp thụ khá ít canxi, sắt và chất xơ.
Khuyến khích trẻ thử những món ăn làm từ ngũ cốc, thịt bò...để bổ sung thêm sắt. Lượng sữa mà trẻ uống vào giai đoạn này còn tùy thuộc vào lượng canxi có trong thực phẩm và thức uống khác mà bé tiêu thụ.
Phần lớn trẻ 13 tháng tuổi nên bổ sung khoảng 700 mg canxi mỗi ngày. Do đó, trẻ cần khoảng 700ml sữa nếu trẻ không nhận được canxi từ bất kỳ nguồn thực phẩm nào khác, và bạn có thể gia giảm lượng sữa khi tập cho trẻ ăn thêm thức ăn dặm.
Để khuyến khích sự phát triển của trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Cần đảm bảo an toàn của ngôi nhà xung quanh bé, nhất là các bé năng động tránh xa ổ cắm điện, các vật dụng sắc nhọn, phích nước nóng...
- Mỗi trẻ sẽ phát triển theo nhịp độ riêng của mình. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng hay hoảng hốt khi trẻ chưa đạt được hết các mốc phát triển của mình
- Bạn cần chú ý quan sát và lắng nghe trẻ, tất cả những thông tin kiến thức nuôi dạy trẻ chỉ mang tính tương đối
Ngoài ra, trẻ 13 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: emmasdiary.co.uk, whattoexpect.com